Gặp Su-35 Nga, F-35 Mỹ buộc phải bỏ chạy và gọi F-22 cứu viện

ANTĐ - Tạp chí National Interest của Mỹ vừa qua đã đánh giá rất thấp khả năng tác chiến của loại tiêm kích tàng hình thế hệ mới nhất của Mỹ là F-35 và cho rằng nó sẽ thất bại khi đối đầu với các máy bay Nga.

F-35 buộc phải tránh né các cuộc không chiến với máy bay Nga

Máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm F-35 của công ty Mỹ Lockheed Martin có thể chiếm vị thế cơ bản trong lực lượng máy bay chiến đấu chiến thuật của Không quân Hoa Kỳ. Tuy nhiên, chưa thể nói rằng, máy bay loại này sẽ đáp ứng sự mong đợi - Tạp chí “Lợi ích dân tộc” (National Interest) viết.

Lầu Năm Góc hiện đang dự định sử dụng F-35 như máy bay chiến đấu siêu cơ động, thay thế cho 90% số lượng máy bay chiến thuật hiện nay, nhưng trước đây không quân Mỹ không hề có kế hoạch và cũng không có những biện pháp nào được áp dụng để nó có thể đảm nhận được một chức năng như vậy.

Nga dựa vào các phiên bản hiện đại của máy bay đa năng Su-27, các máy bay loại này sẽ chiếm đa số trong lực lượng máy bay chiến đấu của Nga. National Interest nhận xét rằng, phiên bản “Sukhoi” hứa hẹn nhất trong lĩnh vực này là Su-35 với hệ thống điện tử, động cơ hiện đại nhất.

Bài báo cho rằng, nếu 4 máy bay chiến đấu F-35 phải đối đầu với 4 máy bay Su-35 thì các phi công Mỹ phải tránh đối đầu trực tiếp trên không với các máy bay Nga. Ví dụ, F-35 có thể tận dụng lợi thế của công nghệ tàng hình để né tránh những trận không chiến.

Họ sẽ thay đổi đường bay, xin yểm trợ bằng máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm F-22 Raptor cũng như máy bay chiến đấu thế hệ thứ tư F-15C Eagle với mục đích ngăn chặn máy bay chiến đấu Nga, để “sống sót” và tiếp tục bay đến mục tiêu tấn công đã định.

The National Interest nhắc nhở rằng, F-35 không có khả năng cơ động linh hoạt như F-22 Raptor. Hơn nữa, phi cơ loại này bay thấp và chậm hơn nhiều. F-22 có thể di chuyển với tốc độ Mach 1,8 (không có đốt sau), còn tốc độ của F-35 không quá Mach 1,6  khi sử dụng đốt sau.

F-22 có thể tự lựa chọn thời điểm và nơi tham gia vào cuộc không chiến, còn F-35 không có khả năng làm như vậy và chỉ đơn giản là có khả năng phản ứng với các mối đe dọa từ các máy bay của đối phương.

F-35 có điểm yếu rất lớn về tốc độ và khả năng cơ động, sự linh hoạt

Chưa chắc Mỹ đã giao cho máy bay F-35 nhiệm vụ thực hiện các chiến dịch để giành ưu thế trên không, nếu có phương án lựa chọn khác. Tuy nhiên, trong tình huống khi chỉ có số lượng nhỏ máy bay F-22 và số lượng F-15C đang giảm đi, rất có thể quân đội Mỹ buộc phải làm như vậy.

Bình luận về phương án này, công trình sư thiết kế máy bay Mỹ Pierre Spray đưa ra dự báo “thảm hại” đối với F-35 là nó có thể sẽ bị xé tan thành từng mảnh nếu gặp phải loại phi cơ đã lỗi thời của Nga như MiG-21, chứ chưa nói đến các chiến đấu cơ thế hệ thứ 4 của Nga như Su-27 và MiG-29.

F-35 có thể bị các dòng máy bay Nga kém hơn hủy diệt

Nghị sĩ Australia David Jensen cho rằng "gót chân Asin" của F-35 là khả năng cơ động của nó quá kém. Trong bài báo viết cho tờ The West Australian, ông nhấn mạnh rằng các nhà phát triển đã không tính đến  bài học của cuộc chiến tranh  Mỹ ở Việt Nam.

Học thuyết quân sự Hoa Kỳ những năm 50 tuyên bố sự cáo chung của "kỷ nguyên không chiến". Rời xa lập trường này, Mỹ phát triển mẫu máy bay tiêm kích bom F-4 Phantom, trang bị radar tìm kiếm và ngắm bắn trực tiếp hiện đại, trên máy bay mới không lắp đặt pháo mà dành ưu tiên cho bom và tên lửa.

Khi đó, Mỹ nhận định Không lực Hoa Kỳ với trang bị F-4 Phantom hiện đại có thể dễ dàng "ăn tươi nuốt sống" các phi cơ Xô Viết như MiG-17 trên bầu trời Việt Nam, bởi nó không có radar chiến đấu, cũng chẳng có tên lửa tầm xa, mà chỉ có pháo.

Thế nhưng trong những trận giao tranh trên không trung, tên lửa Mỹ đã không đạt hiệu quả như dự định, còn sự linh hoạt máy bay MiG-17 và chiến thuật “bánh xe” của các phi công Việt Nam đã khiến F-4 phải nhận thất bại - vị nghị sĩ đồng thời là chuyên viên quân sự Jensen khái quát.

F-35 không chiếm được ưu thế trước chiến đấu cơ thế hệ 4 của Nga là Su-35

Máy bay mới F-35 cũng trang bị hệ thống radar và bộ cảm biến tối tân nhưng thiếu tốc độ, khả năng cơ động và sự linh hoạt. Trong chiến đấu, nó hoàn toàn thua kém mẫu tiền nhiệm là chiến đấu cơ thế hệ thứ tư F-16, được thiết kế từ hơn 40 năm trước.

"Rõ ràng là trong những trận đánh gần loại chiến đấu cơ tối tân như F-35, mà Mỹ đã bỏ ra tới 391 tỷ USD chi phí phát triển, đã không đủ sức mạnh như đã tính toán, ngay cả khi đối đầu với nó là những máy bay Nga phát triển từ cả mấy thập niên trước đây" - ông David Jensen nói thêm.

Sự yếu kém của F-35 đã được khẳng định thêm trong báo cáo của Ủy ban kiểm tra hoạt động và thẩm định của Lầu Năm Góc, vừa công bố ngày 17-9 vừa qua.

Báo cáo chỉ rõ, các máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ 5 F-35B mà Hải quân Mỹ vừa nhận không đáp ứng được yêu cầu hoạt động chiến sự vào thời điểm hiện tại, mặc dù ngay từ tháng 7, các quan chức hải quân đã tuyên bố nó đã có "khả năng tác chiến ban đầu".

Đặc biệt, theo các quy định hiện hành của Bộ Quốc phòng Mỹ, sự sẵn sàng chiến đấu của F-35B cần đạt được 80%. Tuy nhiên, trong mười ngày bay thử nghiệm, các chương trình cơ khí và phần mềm cho thấy thực tế là máy bay chỉ sẵn sàng tối đa khoảng 50%.

Ngoài ra, các chuyên gia đã phát hiện 61 điểm không đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng và yêu cầu an toàn của động cơ do hãng Pratt & Whitney sản xuất, mà nếu loại bỏ có thể tốn rất nhiều thời gian và kinh phí ngân sách.

Về phần mình, Cục Quản lý trung ương Hoa Kỳ sau khi tiến hành cuộc kiểm tra riêng cũng báo cáo phát hiện những vấn đề nghiêm trọng với động cơ F-135 của Pratt & Whitney, tham số của loại động cơ này trên thực tế thấp hơn hai lần so với dự kiến.