Gặp “siêu lừa” khi đi xin dự án

ANTĐ - Với vỏ bọc chủ tịch HĐQT của một công ty, Nguyễn Thị Hiền không khó để cho hàng chục bị hại “sập bẫy”. Đắng cay hơn, hầu hết các bị hại đều nhân danh chính quyền địa phương hoặc đại diện của một pháp nhân. 

Kiếm tiền bất chính, Nguyễn Thị Hiền đã phải trả giá đắt

Cuối năm 2009, ông Ngô Sách Viện – Chủ tịch UBND một xã, thuộc thị xã Từ Sơn, Bắc Ninh đã tìm đến Công ty CP Đầu tư phát triển Minh Nam (trụ sở ở phường Thành Công, quận Ba Đình) do Nguyễn Thị Hiền (SN 1956, trú ở phường Lê Lợi, TP Bắc Giang, Bắc Giang) làm chủ tịch HĐQT. Tại đây, ông Viện được Hiền quảng cáo  doanh nghiệp của đối tượng đang có nguồn tiền từ một số tổ chức phi chính phủ. Hiện đang tích cực giải ngân cho một số địa phương khó khăn để xây dựng trường học, trạm y tế. Để vị chủ tịch xã này tin tưởng, Hiền lập tức “móc” từ trong tủ ra vài bộ hồ sơ dự án.

Vì địa phương đang cần khoản tiền lớn để triển khai xây dựng một trường mầm non nên ông Viện rất phấn khởi. Bắt được “sóng”, Hiền hứa hẹn sẽ nhanh chóng bố trí 1,5 tỷ đồng cho xã ông Viện. Nhưng để có được số tiền ấy, đối tượng yêu cầu vị chủ tịch xã phải thuê Hiền làm hồ sơ “xin tiền” bằng cả tiếng Việt và tiếng Anh với tiền công là 65 triệu đồng. Tỏ ra thông cảm với sự khó khăn của người dân xã ông Viện, Hiền bảo vị chủ tịch xã xuất trước 50 triệu đồng, số còn lại khi nào xin được tiền sẽ quyết toán nốt. Lúc giao giấy biên nhận tiền cho ông Viện, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư phát triển Minh Nam còn không quên dặn: “Chậm nhất đến cuối quý I-2010 sẽ được bố trí vốn”. Thế nhưng chờ mãi mà chẳng thấy vốn đâu, cuối cùng ông Viện cay đắng khi biết Hiền là một kẻ lừa đảo rất tinh vi… Sau này, khi cơ quan công an vào cuộc, ông Viện mới hay không chỉ có mình ông là nạn nhân của Hiền mà có tới cả chục cá nhân, tổ chức khác cũng bị “siêu lừa” cho ăn “quả đắng”. 

Quá trình điều tra, cơ quan công an đã làm rõ công ty của Hiền không hề có chức năng khai thác và kinh doanh tài chính. Trên thực tế, doanh nghiệp này chỉ chuyên về lĩnh vực xây dựng dân dụng và buôn bán máy móc. Nhưng vì muốn kiếm tiền nhanh, Hiền đi khắp nơi rêu rao rằng đối tượng có khả năng huy động và phân bổ tài chính cho những địa phương khó khăn. Khi có người nhờ vả, đối tượng lập tức yêu cầu họ ký kết hợp đồng thuê viết dự án cần xin tiền với chi phí “cắt cổ”. Để các bị hại tin là có nguồn tiền thật, từ đó sẽ chi phí “bôi trơn” mạnh tay, Hiền lấy thông tin về dự án, rồi thuê người viết. Xong xuôi, đối tượng nói với các bị hại là đã giao cho “đối tác” bản dự án bằng tiếng Anh và cần phải có thời gian chờ phê duyệt. Tuy nhiên, tất cả những chiêu bài ấy của Hiền chỉ là thủ đoạn để những người cả tin giao tiền cho đối tượng chiếm hưởng.

Tổng cộng, từ năm 2009 đến cuối năm 2011, Nguyễn Thị Hiền đã chiếm đoạt của 11 cá nhân, tổ chức hơn 1,1 tỷ đồng bằng thủ đoạn như đã áp dụng đối với ông Ngô Sách Viện. Với hành vi này, hôm qua (14-11), Nguyễn Thị Hiền bị VKSND TP Hà Nội đưa ra truy tố trước tòa án cùng cấp về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, theo điểm a, khoản 4, Điều 139-BLHS. Tại tòa, bị cáo không  thành khẩn khai nhận hết các thủ đoạn, mánh khóe để chiếm đoạt tiền, tài sản của các nạn nhân. Vậy nhưng căn cứ vào hồ sơ vụ án cùng lời khai của các bị hại, HĐXX sơ thẩm khẳng định Nguyễn Thị Hiền đã “ăn gian, nói dối” như nội dung các đơn tố cáo và tài liệu điều tra. Sau một ngày xét xử, TAND TP Hà Nội đã quyết định tuyên phạt Nguyễn Thị Hiền 14 năm tù giam.