Gấp rút chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp

ANTĐ -Chỉ còn chưa đầy một tuần nữa gần một triệu em học sinh trong cả nước sẽ  bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT. Ngay sau đó là kỳ thi tuyển sinh Đại học và Cao đẳng cũng sẽ diễn ra. Để vượt qua hai kỳ thi quan trọng và đạt được kết quả tốt, các em học sinh đang nỗ lực cố gắng từng ngày.

Những ngày này lịch học của các sĩ tử lớp 12 đang dày đặc các chương trình ôn tập để chuẩn bị cho hai kỳ thi sắp tới. Mặc dù thời gian ôn tập đã được tiến hành ngay từ khi Bộ GD&ĐT công bố sáu môn thi, tuy nhiên một số em em học sinh khi lại tỏ ra khá lo lắng khi mà kiến thức ôn tập vẫn chưa nắm vững.

Em Lê Khánh Trang (học sinh trường THPT Trần Quang Khải - Hưng Yên), có lực học trung bình, lại yếu các môn tự nhiên nên em tỏ ra khá lo lắng về kỳ thi tốt nghiệp sắp tới. Em cho biết: “Các thầy cô đã tổ chức ôn tập từng chương rất kĩ càng các môn Toán, Hóa học và Sinh học, tuy nhiên lực học của em rất yếu về các môn này, nên em không tự tin lắm. Hàng ngày lịch học của em gần như kín, buổi sáng từ 7h30 đến 11h15p; buổi chiều từ 13h đến 16h30p các thầy cô tổ chức ôn tập tại trường. Còn buổi tối bắt đầu từ 18h30p đến 20h30p là em học thêm tại nhà thầy cô.

Tập trung ôn thi tốt nghiệp (ảnh Internet) 

Dù lịch học “căng” nhưng ai cũng cố gắng hết mình, Khánh Trang cho biết: “Nếu trượt đại học thì sang năm vẫn có thể thi lại, còn trượt tốt nghiệp thì ảnh hưởng đến tâm lý của chính bản thân mình và của bố mẹ nữa. Thế nên dù vất vả đến đâu chúng em vẫn cố gắng đi học chỉ mong đỗ được tốt nghiệp”.

Cũng tại trường THPT Trần Quang Khải, một số em học sinh lại tỏ ra khá lo ngại khi nhắc tới môn Ngoại ngữ. Cô Đỗ Thị Ánh Tuyết – giáo viên phụ trách ôn tập môn Ngoại ngữ cho 2/3 số lớp 12 tại trường cho biết: “Đa phần các em học sinh đều yếu về ngoại ngữ, trừ những em thi tuyển sinh đại học khối D. Chúng tôi đã tổ chức cho các em ôn tập những kiến thức cơ bản nhất để bước vào kỳ thi. Tuy nhiên về mặt tâm lý thì nhiều em cũng lo lắng cho môn Ngoại ngữ nhiều hơn”.

Với Nguyễn Trọng Đạt (học sinh trường THPT Quang Trung – Hà Nội) thì dù có lực học khá, nhưng em vẫn có một lịch học khá dày trong thời gian này để chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh đại học sắp tới. Đạt không quá lo lắng về kỳ thi tốt nghiệp, bởi đối với “dân chuyên khối A” năm nay thì các môn thi tốt nghiệp đều “trúng tủ”. Tuy vậy thời gian thi đại học đang rút ngắn từng ngày nên Đạt cũng cảm thấy đôi chút áp lực. Mục tiêu của em là thi đỗ vào khoa Kinh tế đối ngoại của Đại học Ngoại thương, thế nên tính trung bình mỗi môn em phải đạt hơn 8 điểm. Để đạt được số điểm đó thì em phải nắm thật chắc kiến thức và ôn tập thật tốt, bởi đây là một số điểm khá cao.

Với quyết tâm thực hiện nguyện vọng của bản thân và gia đình nên ngay từ những năm đầu cấp 3 Đạt đã đăng ký ôn thi đại học ở một trung tâm Đại học Sư Phạm do những thầy cô có uy tín nhất để theo học. Em cũng cho biết thêm tại trung tâm này số lượng học sinh đăng ký tham gia là rất đông, có những buổi học lên đến mấy trăm người.

Nhiều em học sinh bị ngất trước khi vào phòng thi do căng thẳng và áp lực thi cử

Đạt cho biết: “Lịch học trung bình của em mỗi ngày kéo dài 10-12 tiếng, liên tục là các lớp học từ trường đến trung tâm luyện thi. Ngoài ra em còn phải tự học và làm bài tập ở nhà đến khoảng 23-14h đêm. Khác với những bạn học khác lựa chọn phương pháp học đêm, thì Đạt lại cho rằng ngủ sớm và dậy sớm học bài là lựa chọn thông minh nhất. Buổi sáng thời tiết mát mẻ, hơn nữa cơ thể và đầu óc được nghỉ ngơi sau một ngày hoc tập căng thẳng thì lúc này trở nên hoạt bát hơn, học thuộc hay giải bài tập đều nhanh và chính xác hơn rất nhiều”.

Khi được hỏi, “với lịch học như vậy em có cảm thấy đuối sức và mệt mỏi không?” Đạt nói: “Em không cảm thấy đuối sức, bởi lẽ mỗi buổi học em đều hiểu bài và tiếp thu nhanh. Tuy nhiên vì lựa chọn trường với điểm số đầu vào tương đối cao nên đôi khi em cảm thấy hơi áp lực”.

Năm nào cũng vậy khi kỳ thi tốt nghiệp và tuyển sinh đại học đến gần, trên các phương tiện thông tin đại chúng cũng đưa tin nhiều em học sinh học tập căng thẳng, áp lực, mệt mỏi đã ngất xỉu trước khi bước vào phòng thi. Chính vì vậy các bậc cha mẹ phụ huynh học sinh, thầy cô giáo nên có những biện pháp ôn tập một cách hiệu quả và hợp lý, đồng thời cũng cần bổ sung những dưỡng chất tốt cho cơ thể trong thời tiết nắng nóng và áp lực thi cử của các em học sinh, để tránh những trường hợp xấu có thể xảy ra.