Gặp những người đầu tiên xuống vực

ANTĐ - Họ là những người trẻ tuổi có cùng đam mê rong ruổi trên những cung đường để chinh phục, khám phá những vùng đất mới. Việc không quản ngại khó khăn, đêm tối, sẵn sàng xuống vực sâu để cứu người bị nạn của nhóm “Phong Vân phượt” mấy ngày qua khiến ai cũng cảm phục, ngưỡng mộ.

Thành viên trong đoàn phượt Phong Vân bò xuống vực sâu tham gia cứu các nạn nhân

Chiếc xe gặp nạn tan nát, các thi thể nạn nhân văng khăp nơi, sự đau đớn đến tận cùng của người thân những người đã vĩnh viễn ra đi… là những hình ảnh khó quên trong vụ tai nạn kinh hoàng xảy ra tại Sa Pa ngày 1-9. Trong hoàn cảnh đau thương ấy, sự dũng cảm, thương người như thể thương thân của 18 chàng trai, cô gái nhóm “Phong Vân phượt” không quản ngại khó khăn để cứu các nạn nhân phần nào làm nỗi đau dịu bớt. Gặp cả nhóm vào 20h tối 3-9, khi họ vừa về đến Hà Nội, trước mắt chúng tôi là những “người hùng trẻ tuổi” với đôi giày lấm lem bùn đất, những bộ quần áo bạc màu vì bụi đường và những khuôn mặt rắn rỏi nhưng vẫn bàng hoàng về vụ tai nạn mà họ đã tận mắt chứng kiến tại Sa Pa.

Phong Vân - Trưởng nhóm “Phong Vân phượt” kể lại, gần 19h tối 1-9, khi Vân đang dẫn đầu đoàn qua đèo thì thấy một xe khách đi ngược chiều, đến khúc cua đã lấn sang gần hết phần đường của các phương tiện đi theo chiều ngược lại. Sau khi qua khúc cua này được ít phút, Vân được 1 thành viên trong đoàn đi sau báo tin xe khách đã gặp nạn rơi xuống vực. Vân vội vã quay lại thì thấy một số bạn trong nhóm cùng vài người dân địa phương đang tìm cách trượt xuống vực chỗ chiếc xe bị rơi. Xuống đến nơi, nhìn cảnh tượng vô cùng thảm khốc với xác người la liệt khắp nơi, chiếc xe tan tành với phần thân xe lăn xuống đáy vực, nắp xe lơ lửng phía trên, có bạn đã òa khóc. “Sau khi trấn tĩnh lại, em và các thành viên trong nhóm chia nhau đi tìm những người bị thương trước, cố gắng đưa họ lên trên đường chờ xe cấp cứu. Do lối lên rất trơn trượt và dốc nên phải 6 người mới khiêng được 1 người. Đau đớn nhất là việc phải đi tìm chăn đắp cho những người đã tử vong, phần lớn là những người tuổi còn rất trẻ. Chưa bao giờ em chứng kiến vụ tai nạn thương tâm đến vậy” - Vân tâm sự.

Với tâm trạng tương tự - Bùi Ngọc Đức, 23 tuổi - thành viên trong đoàn thông tin thêm, Đức là người đi cuối cùng, giữ vai trò “chốt” đoàn nên nhận được thông tin về vụ tai nạn khá sớm. Đức dùng đèn pin bám cỏ trượt theo vết ô tô xuống vực. Đức nghe thấy tiếng kêu cứu yếu ớt phát ra từ mọi nơi. Sau khi động viên những người còn sống, Đức cùng các bạn tìm cách chuyển họ lên trên đường. Với những người bị thương nặng hơn, cần di chuyển bằng cáng cứu thương, Đức lấy bông băng mang theo sơ cứu cho họ, chỉnh cho họ nằm ở tư thế ít ảnh hưởng đến vết thương nhất. Hình ảnh gây cho Đức ấn tượng mạnh là 2 vợ chồng mới cưới đều bị thương, chồng bị thương ở đầu, vợ bị gãy tay nhưng họ luôn nắm tay nhau không rời. Cạnh đó là một người đàn ông đã tử vong. Khi được hỏi: “Lúc quyết định trườn xuống vực sâu 200m trong khi trời đã tối Đức có nghĩ đến sự nguy hiểm đến bản thân”, Đức trả lời: “Không chỉ em mà kể cả các bạn nữ lần đầu tiên đi phượt cùng đoàn cũng không hề nghĩ đến điều đó, từng người một đã lén gạt nước mắt, vượt lên sự sợ hãi của bản thân để cùng nhau cố gắng cứu người. Tuy vậy, điều em cảm thấy đáng tiếc nhất là số dụng cụ sơ cứu như thuốc, băng, gạc chúng em mang theo quá ít, công tác cứu nạn còn hạn chế”.

Là một thành viên của “Phong Vân phượt” với tuổi đời còn rất trẻ, song Vũ Như Thương (sinh năm 1991, quê ở Thanh Miện, Hải Dương) lại có quan điểm sống khá rõ ràng: “Trước khi trở thành ai đó hãy trở thành một con người”. Do vậy, ngay khi biết có vụ tai nạn xảy ra, Thương đã nhanh chóng tìm đường xuống vực. Trượt xuống được nửa đường, Thương thấy chiếc cờ lê văng từ xe ra nên đã dùng vật dụng này cắm xuống đất, bám vào đó để di chuyển. Thương cho biết, hình ảnh ám ảnh em đến tận bây giờ là những thi thể nằm la liệt dưới gầm xe, trên vỏ xe, trên nền đất, những tiếng rên, tiếng kêu cứu yếu ớt và mùi xăng xe nồng nặc tỏa ra khắp khu vực. Trước hoàn cảnh đó, Thương và các bạn đã cắt vải rèm ở xe để băng bó vết thương cho các nạn nhân, rạch những chiếc gối để lấy bông thấm vết thương, dùng chăn đắp cho những người xấu số. “Không chỉ có nhóm em mà còn rất nhiều người dân địa phương cùng tham gia cứu nạn. Có những người đã ngoài 50 tuổi dù đường xuống vực rất trơn và dốc nhưng vẫn tìm cách tụt xuống điểm xe khách bị rơi để chăm sóc những người bị thương” - Thương chia sẻ.

Trong hành trình quay về Hà Nội, nhóm “Phong Vân phượt” đã ghé vào Bệnh viện đa khoa Lào Cai để thăm hỏi những người bị thương. Đáng mừng là không ít bệnh nhân trong số này đang trong quá trình bình phục. Nghĩa cử cao đẹp của các thành viên nhóm phượt Phong Vân thực sự đã làm thay đổi cách nhìn nhận về dân “phượt” của không ít người. Và nhìn vào họ, chúng ta có thể tin rằng, giới trẻ Việt luôn có một tinh thần quả cảm, một trái tim nồng ấm, nhân hậu, sẵn sàng vượt qua mọi khó khăn để động viên, chia sẻ và giúp đỡ đồng loại trong lúc khó khăn, hoạn nạn.