Gặp nhân chứng lịch sử

ANTĐ - Mới đó mà đã nửa năm trôi qua kể từ khi  Bộ Tư lệnh Quân khu Thủ đô tổ chức kỷ niệm 45 năm tăng cường chi viện chiến trường miền Nam trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1967-2012) vào những ngày rét buốt giữa tháng 12. 

Vẫn như hiện lên trước mắt tôi, một rừng cán bộ chiến sĩ mang màu xanh đại ngàn Trường Sơn năm xưa về Hội trường Bộ Tư lệnh quân khu Thủ đô. Còn đây  những  đồng đội cũ của cha tôi, các cựu chiến binh đi đợt đầu tiên tháng 7-1967, sau 45 năm, hôm nay không đủ một tiểu đội. Tay bắt mặt mừng, các bác nắm tay mẹ tôi mà mắt đỏ hoe: “Luyện tập ở Chi Nê hoặc Lạc Thủy rồi vào Đông Nam Bộ, anh em hy sinh nhiều trong đợt tổng tấn công Mậu Thân 1968 chị ạ. Chị còn tìm được hài cốt anh, đưa về nghĩa trang liệt sỹ quê nhà là may mắn rồi”.

Đã lâu, quá lâu, kể từ khi cha tôi hy sinh, mẹ tôi lại được sống trong không khí ấm cúng của gia đình bộ đội Cụ Hồ, quây quần ôn lại kỷ niệm khi tạm biệt Hà Nội ở Văn Miếu. Từ đợt đầu tiên năm 1967 cấp tốc bổ sung cho miền Nam tổng tấn công đến đợt cuối cùng năm 1974, chuẩn bị cho chiến dịch Hồ Chí Minh, trong 8 năm, 42 tiểu đoàn quân tăng cường với gần 3 vạn cán bộ chiến sĩ đã chiến đấu trên khắp các chiến trường, kể cả Lào, Campuchia, trong đó, trên 7.000 chiến sĩ đã hy sinh cho Tổ quốc “nở hoa độc lập, kết quả tự do”. Gương chiến đấu dũng cảm, hy sinh anh dũng của liệt sỹ Nguyễn Trọng Hiệp ở 96 Lò Đúc, Hai Bà Trưng, Thanh Văn Lộc ở Dương Hà, Gia Lâm, thuộc tiểu đoàn 72, liệt sĩ Nguyễn Hữu Đặng ở Lĩnh Nam, Thanh Trì thuộc tiểu đoàn 78, và 14 Anh hùng lực lượng vũ trang, 1.781 dũng sĩ diệt Mỹ… mãi mãi là bản anh hùng ca bất tử, tiêu biểu cho truyền thống Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh trong 60 ngày đêm quân dân Thủ đô đánh Pháp xâm lược trên từng con phố Hà Nội, được phát huy và tỏa rạng ngời trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước. Nhìn những huân huy chương lấp lánh và gương mặt rạng ngời trong ngày hội tụ, tôi chỉ có thể thầm thốt lên “Thật may mắn và kỳ diệu!”. 

Lý tưởng chiến đấu vì độc lập dân tộc và khát vọng hòa bình, niềm tin mãnh liệt vào tương lai, cho vợ gặp chồng, con gặp cha sum họp dưới mái ấm ngôi nhà nhỏ thân yêu, đã trở thành ngọn lửa thôi thúc người chiến sĩ vững bước trước hàng trăm hiểm nguy trên chiến trường. Trong lớp áo quân phục, là ảnh mẹ già và vợ con ngày đêm da diết nhớ thương. Sau mỗi chặng hành quân, nghỉ chân, các anh lại đem ảnh ra ngắm cho đỡ nhớ nhà. Ảnh cha mẹ tôi chụp kỷ niệm trước ngày cha đi B2, cha tươi cười trong bộ quân phục mới, khoác vai mẹ dịu dàng trong chiếc áo bà ba, đã theo cha đi suốt đông Trường Sơn, tây Trường Sơn, vào Long An. 

Đã 45 xuân qua - xuân lại, dệt bao nỗi nhớ, niềm thương, mẹ vẫn để chiếc ảnh kỷ niệm ở đầu giường, như cha đang trò chuyện với mẹ.

Những câu chuyện trên đường ra trận, nhắc lại sau chiến tranh, trở thành nỗi đau đáu, xót xa, về người còn, người mất, nhưng thật thiêng liêng, cao quý trong niềm tự hào của anh bộ đội Cụ Hồ. Một cựu chiến binh đứng cuối hội trường giơ cao tay lên “Ai là quân 30-7-1967 tập trung về đây”. Kể cả mẹ tôi thay mặt cha đến cùng các cựu chiến binh chụp ảnh kỷ niệm, chỉ còn gần 10 người. Thì ra đợt đầu tiên tăng cường cho chiến trường miền Nam có đủ mặt công nhân ở các nhà máy đầu đàn của công nghiệp thành phố: Công cụ số 1, Cao - Xà - Lá, Dệt 8-3, Cơ khí Mai Động… Và  lớp đi sau như cựu chiến binh Bàng Nguyên Thất, Nguyễn Huy Hoàng thuộc đơn vị D68 - E59 là hai người bạn thân, cùng đi bộ đội một ngày, cùng vào mặt trận Quảng - Đà, tham gia đánh căn cứ địch ở Thượng Đức, sau đó bay xuống thành phố, giải phóng Đà Nẵng rồi tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh. Các ông đã có mặt tại Dinh Độc lập 11h30 trưa 30-4-1975, áp giải tổng thống Dương Văn Minh từ dinh Độc lập sang Đài phát thanh Sài Gòn. Ông Bàng Nguyên Thất cho tôi xem tấm ảnh lịch sử đó và hồ hởi nói: Chú hiện ở ngõ chợ Khâm Thiên, hôm nào cháu đến nhé, có nhiều chuyện thú vị để kể đấy!