Gặp người trong bức ảnh lịch sử

(ANTĐ) - Hơn 4 thập kỷ qua, bức ảnh “Bác bắt nhịp bài ca kết đoàn” luôn được coi là một trong những bức ảnh thành công nhất về hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tác giả bức ảnh, nhà báo Lâm Hồng Long, đã vinh dự được Nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học - Nghệ thuật đợt đầu tiên (1996) với tác phẩm “Bác bắt nhịp bài ca kết đoàn” và “Mẹ con ngày gặp mặt”.

Gặp người trong bức ảnh lịch sử

(ANTĐ) - Hơn 4 thập kỷ qua, bức ảnh “Bác bắt nhịp bài ca kết đoàn” luôn được coi là một trong những bức ảnh thành công nhất về hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tác giả bức ảnh, nhà báo Lâm Hồng Long, đã vinh dự được Nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học - Nghệ thuật đợt đầu tiên (1996) với tác phẩm “Bác bắt nhịp bài ca kết đoàn” và “Mẹ con ngày gặp mặt”.

Tháng 9-1960, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III diễn ra trong bối cảnh công cuộc xây dựng CNXH ở miền Bắc đã thu được những kết quả khả quan, sự nghiệp đấu tranh ở miền Nam tiến tới thống nhất đất nước bước vào một giai đoạn mới. Trong một đêm hội chào mừng Đại hội Đảng, Hồ Chủ tịch đã đến dự và chỉ huy dàn nhạc giao hưởng biểu diễn. Bức ảnh “Bác bắt nhịp bài ca kết đoàn” được Lâm Hồng Long chụp trong hoàn cảnh này.

Trong bức ảnh trên, tiền cảnh nổi bật là Bác Hồ ở vị trí người chỉ huy dàn nhạc trong tư thế rất đẹp. Hậu cảnh là các nhạc công của dàn nhạc giao hưởng Quốc gia Việt Nam cùng các ca sỹ trong dàn hợp xướng gồm hàng trăm thanh niên, sinh viên Hà Nội.

Ngay phía sau Bác, 2 nghệ sỹ violon đang say sưa đàn, nét mặt hào hứng đầy biểu cảm… Bức ảnh này được chụp năm 1960, như vậy, đến nay đã qua gần 50 năm - khoảng thời gian khá dài với một đời người. Song thật may mắn, tôi đã gặp được một nhân chứng có mặt trong bức ảnh lịch sử “Bác bắt nhịp bài ca kết đoàn”. 

Trong lần đi lấy tư liệu viết bài nhân kỷ niệm 90 năm Cách mạng tháng Mười Nga (tháng 11-2007), tôi may mắn được gặp Nghệ sỹ nhân dân (NSND) Trần Quý. NSND Trần Quý từng nhiều năm giữ vai trò người chỉ huy Dàn nhạc giao hưởng quốc gia Việt Nam, được thành lập cuối năm 1959.

“Bác bắt nhịp bài ca kết đoàn” - tác phẩm của Lâm Hồng Long. NSƯT Phan Phúc ngồi phía bên trái
“Bác bắt nhịp bài ca kết đoàn” - tác phẩm của Lâm Hồng Long. NSƯT Phan Phúc ngồi phía bên trái

Ông đưa cho tôi xem bức ảnh “Bác bắt nhịp bài ca kết đoàn” và giới thiệu: “Đây là bức ảnh Bác Hồ chỉ huy Dàn nhạc giao hưởng quốc gia Việt Nam. Người ở vị trí violon số 1, ngồi ngay sau Bác phía bên trái là NSƯT Phan Phúc”… Bức ảnh “Bác bắt nhịp bài ca kết đoàn”, tôi từng xem nhiều lần và rất tâm đắc, nhưng không thể ngờ sẽ có ngày được gặp gỡ những nghệ sỹ đã may mắn được biểu diễn dưới sự chỉ huy của Bác Hồ.

NSND Trần Quý tận tình đưa tôi đến gặp NSƯT Phan Phúc tại nhà riêng, trên phố Trần Phú - Hà Nội. Đã vào tuổi xưa nay hiếm, dáng người nhỏ nhắn, nhanh nhẹn, người nghệ sỹ năm xưa xúc động nhớ lại: Để chào mừng Đại hội toàn quốc lần thứ III của Đảng, tối 3-9-1960, tại Công viên Bách Thảo, Bộ Văn hóa và TP Hà Nội phối hợp tổ chức dạ hội gồm nhiều nội dung, trong đó có chương trình ca nhạc của dàn nhạc giao hưởng Quốc gia Việt Nam cùng dàn hợp xướng gồm hơn 800 sinh viên các trường đại học, cao đẳng của Hà Nội.

Dàn nhạc giao hưởng và dàn hợp xướng được bố trí tại khu vực sát đường Hoàng Hoa Thám, gần sân trượt pa-tanh hiện nay. Gần 8h tối, chúng tôi đã ổn định vị trí, chuẩn bị biểu diễn; nhân dân đến dự dạ hội rất đông.

NSƯT Phan Phúc (hàng đứng, thứ hai từ trái sang) và NSND Trần Quý (thứ hai từ phải sang) cùng các cựu thiếu sinh Vệ quốc quân (ảnh chụp năm 2007)

NSƯT Phan Phúc (hàng đứng, thứ hai từ trái sang) và NSND Trần Quý (thứ hai từ phải sang) cùng các cựu thiếu sinh Vệ quốc quân (ảnh chụp năm 2007)

Với vai trò nhạc trưởng, tôi đang đứng kiểm tra tổng phổ thì bất ngờ Hồ Chủ tịch xuất hiện cùng các vị khách quốc tế. Cụ mặc bộ quần áo lụa, đi đôi dép cao su quen thuộc, nổi bật giữa đoàn khách mặc âu phục. Người đến bên tôi, nói: “Cháu ngồi xuống đi”; rồi hướng về các nhạc công và dàn hợp xướng: “Bác cháu ta cùng biểu diễn bài Kết đoàn!”. Bác quay lại phía các vị khách ra hiệu cho họ ngồi xuống để đồng bào ở phía sau cũng được thưởng thức chương trình.

Hồ Chủ tịch bước lên bục, tay cầm cây đũa và chỉ huy dàn nhạc với tác phong khoan thai, thuần thục và rất chuyên nghiệp. Dàn nhạc nổi lên âm điệu, đánh một bè đồng âm và Dàn hợp xướng cất lời “Kết đoàn chúng ta là sức mạnh…”.

Chúng tôi say sưa đàn, hát theo sự chỉ huy của vị lãnh tụ kính yêu. Nét mặt ai nấy đều tươi tắn rạng ngời. Có khá nhiều phóng viên dự đưa tin và chụp ảnh. Mấy ngày sau, bức ảnh “Bác bắt nhịp bài ca kết đoàn” của nhà báo Lâm Hồng Long được đăng tải, tôi và nghệ sỹ Nguyễn Xuân Hòa vui sướng nhận ra mình có mặt trong bức ảnh đã đi vào lịch sử…

Đêm dạ hội có sự mở đầu đặc biệt đã để lại ấn tượng sâu sắc trong đồng bào, đồng chí và bạn bè quốc tế. Riêng với những nghệ sỹ, ca sỹ có mặt trong đêm dạ hội năm ấy, hình ảnh Bác Hồ kính yêu trên vị trí người chỉ huy dàn nhạc mãi mãi in sâu trong tâm trí họ.

Trần Duy Hiển