- Công an Hà Nội gặp mặt cán bộ chi viện chiến trường miền Nam thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước
- Chuỗi các hoạt động văn hóa tại phố cổ Hà Nội chào mừng 50 năm ngày thống nhất đất nước
- Trình Chủ tịch nước mức quà tặng người có công dịp 50 năm Ngày thống nhất đất nước
Mãi mãi tuổi 20
Đó là tâm sự của Đại tá Phạm Minh Tân - nguyên cán bộ Công an Thành phố Hà Nội. Trong không khí cả nước tưng bừng kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, ông bồi hồi nhớ về những ngày vinh dự được đứng trong hàng ngũ đoàn quân chiến thắng.
Ông kể, “tôi sinh năm 1954, vào ngành Công an năm 1971 tại trường CSND - Bộ Công an. Năm 1972, tôi được điều động bảo vệ máy bay ở phà Khuyến Lương, Hà Nội chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ. Trước Chiến dịch Hồ Chí Minh, từ tháng 12-1974, lãnh đạo Bộ Công an đã có chủ trương “Công an chi viện và tiến hành giải phóng miền Nam”. Do vậy, đến cuối tháng 3-1975, tôi được Bộ Công an triệu tập học tập tình hình miền Nam, chuẩn bị Nam tiến cùng 38 đồng chí khác để tiếp quản Tổng nha Cảnh sát ngụy ngày đầu giải phóng…
![]() |
Người thanh niên tuổi 20 Phạm Minh Tân |
Đầu tháng 4-1975, chúng tôi tập trung ở Học viện An ninh nhân dân (trước gọi là Trường C500) để hành quân vào miền Nam. Ngày nhận nhiệm vụ tôi mới hơn 20 tuổi, trẻ nhất đoàn. Vốn rất ngưỡng mộ hình ảnh người chiến sĩ Giải phóng quân, nên khi nghe tin được lên đường vào Nam, tôi rất bất ngờ và phấn khởi, trong đầu luôn hiện ra câu thơ: “Trai Hà thành trở thành anh giải phóng/ Mũ tai bèo, dép lốp áo quần xanh”...
Khi đó, theo nguyên tắc bảo đảm bí mật, chúng tôi không được phép về thăm nhà dù chỉ chốc lát. Hôm tập trung tại trụ sở Bộ Công an trước khi lên đường, tôi vẫn nhớ mãi lời dặn dò của cố Bộ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Hoàn “trận chiến này là trận chiến cuối cùng, các đồng chí đi có thể hi sinh nhưng phải quyết tâm đến cùng để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”.
Với dép lốp, mũ tai bèo, bao gạo… cùng tâm trạng háo hức, sự nhiệt huyết của tuổi 20, chúng tôi đã lên đường vào chiến trường. Hành quân liên tục trong hơn 1 tuần, chúng tôi đã tới vùng ven đô của Sài Gòn. Trên đường đi, hình ảnh đập vào mắt chúng tôi là la liệt mũ, giày, áo... của lính Mỹ, nguỵ vứt ngổn ngang khi tháo chạy cùng mùi khói súng đạn khét lẹt và ánh mắt lạ lẫm của những người dân khi thấy quân giải phóng.
![]() |
Đại tá Công an Phạm Minh Tân hiện đã nghỉ hưu |
Vào tới nội thành, nhiệm vụ của chúng tôi là vào tiếp quản Tổng nha Cảnh sát ngụy. Yêu cầu lúc ấy đặt ra là ổn định tổ chức, phối hợp với lực lượng An ninh miền (T4) làm nhiệm vụ ổn định tổ chức và tuyên truyền cho nhân dân Sài Gòn hiểu chính sách của Mặt trận Dân tộc giải phóng, phối hợp với đoàn thể quần chúng vận động nguỵ quân, nguỵ quyền ra trình diện, cải tạo, nắm tình hình, tham gia giữ gìn ANTT tại khu vực.
Tình hình Sài Gòn sau giải phóng rất phức tạp, đâu đó vẫn còn tiếng súng trong đêm do cướp bóc, đặc biệt là một số phần tử thù địch, lẩn trốn trong dân, giao thông còn lộn xộn, chưa thông suốt”…
Ngày 15-5-1975, Đại tá Phạm Minh Tân và đồng đội vinh dự được nhận nhiệm vụ bảo đảm an ninh để đón đoàn của Chủ tịch Tôn Đức Thắng cùng nhiều lãnh đạo cấp cao từ Hà Nội vào để thực hiện lễ mừng chiến thắng tại Dinh Độc Lập.
Đến năm 1977, ông được chuyển về công tác ở Công an TP. HCM, năm 1983 mới được điều ra Bắc, sau đó công tác tại CATP Hà Nội…
Luôn phát huy tinh thần “tuổi cao, gương sáng”
Phấn khởi chia sẻ với phóng viên An ninh Thủ đô, Đại tá Phạm Minh Tân cho biết, ngày 8-4 vừa qua, ông vinh dự được tham gia buổi gặp mặt cán bộ Công an chi viện chiến trường miền Nam thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025).
Trong không khí xúc động, phát biểu tại buổi gặp mặt, Tổng Bí thư Tô Lâm đã bày tỏ tri ân sâu sắc với những cống hiến, đóng góp của các đồng chí cán bộ Công an chi viện chiến trường miền Nam, của lực lượng An ninh miền Nam và nhân dân miền Nam anh hùng cũng như của quân và dân cả nước.
![]() |
Tổng Bí thư Tô Lâm chụp ảnh cùng các cán bộ Công an chi viện chiến trường miền Nam |
Tổng Bí thư nói, “các đồng chí cán bộ Công an đã từng công tác, chiến đấu và chi viện cho chiến trường miền Nam thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước là những người hiểu hơn ai hết thế nào là chiến tranh.
Với tinh thần “Tuổi cao, gương sáng”, mong các đồng chí tích cực tham gia đóng góp ý kiến hoàn thiện văn kiện Đại hội XIV của Đảng, thực hiện hiệu quả các chủ trương chiến lược của Đảng trong giai đoạn mới; tiếp tục cổ vũ, động viên toàn Đảng, toàn quân và cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân nỗ lực phấn đấu, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao”.
![]() |
Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng (thứ ba từ phải sang) - Giám đốc CATP Hà Nội trò chuyện với cán bộ Công an Hà Nội chi viện chiến trường miền Nam |
Và gần đây nhất, sáng 18-4, Công an thành phố Hà Nội đã trang trọng tổ chức Hội nghị gặp mặt cán bộ Công an Hà Nội chi viện chiến trường miền Nam thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Cuộc gặp gỡ diễn ra đầm ấm, thân tình khiến ông cùng đồng đội cũ rất cảm động.
50 năm sau ngày đất nước thống nhất, tình cảm trong sáng cùng với nhiệt huyết của người chiến sĩ CAND về những ngày tháng 4-1975 lịch sử trong Đại tá Phạm Minh Tân vẫn còn nguyên vẹn. Ông luôn tin tưởng, với sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, cùng sự quyết tâm của toàn bộ hệ thống chính trị trong việc sáp nhập, sắp xếp lại đơn vị hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử cùng cuộc đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí… đang được triển khai quyết liệt như hiện nay, nhất định Việt Nam sẽ vươn mình mạnh mẽ trong 1 ngày không xa…