Gặp người phi công chuyên né ... tên lửa

ANTĐ - 13 lần giao chiến trên không bằng chiếc MiG17, phi công Nguyễn Văn Bảy đã bắn rơi 7 máy bay Mỹ. Hàng chục lần bị tên lửa tầm nhiệt của địch tìm diệt nhưng ông đều… né được.

Năm 1965, người Mỹ bị chấn động bởi những chiếc MiG17 đời cũ của không quân Việt Nam, bay chậm hơn nhưng lại bắn hạ được máy bay tiêm kích - ném bom F-105 Thunderchief tốc độ cao của Mỹ ở miền Bắc Việt Nam.Loại máy bay tiêm kích - ném bom tầm xa siêu âm 2 chỗ ngồi hoạt động trong mọi thời tiết F4 với tên gọi “con ma” mà họ vừa đưa vào chiến đấu tại Việt Nam cũng trở thành nạn nhân của MiG17.

Trong số những phi công đầu tiên được phong anh hùng đầu năm 1967 có thượng úy Nguyễn Văn Bảy với thành tích bắn rơi 5 chiếc F4 và 2 chiếc F105.

Nụ cười “miệt vườn” của Anh hùng Nguyễn Văn Bảy

Biết lái máy bay trước lái... xe đạp

Trong căn nhà lá nhỏ xíu không có cửa nằm bên cánh đồng lộng gió tại xã Hòa Thành, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp, ông Bảy bày chai rượu đế và mấy món nhậu đồng quê. Bên tiệc rượu, ông Bảy phi công ngồi kể lại chuyện đời mình.

Ông sinh năm 1936 tại xã Hòa Thành, Lai Vung. Cha mẹ khai sinh là Nguyễn Văn Hoa, nhưng sau này đi bộ đội ông thấy tên Hoa “ẻo lả” nên xin sửa tên theo thứ (ông là con thứ 7) thành ra tên Bảy. Năm 17 tuổi, cha mẹ ép lấy vợ, ông bỏ trốn theo bộ đội.

Ông cười khà khà kể: “Từ nhỏ tới lớn tao toàn chăn bò, cưỡi bò, đua bò thì khỏi chê. Hồi nhỏ, thấy xe hơi chạy trên đường là nguyên đám con nít chạy theo... hít khói khen thơm quá thơm quá, chỉ ước gì trong cuộc đời được một lần ngồi xe hơi. Được đưa đi nước ngoài học lái máy bay, được cấp bằng, lúc đó, tao còn chưa biết chạy xe đạp nữa…”.

Máy bay Mig 17 (Ảnh minh họa)

Trong đơn vị, ông Bảy nổi tiếng bởi tính tiết kiệm… đạn. “Trong hàng trăm trận đánh, hễ tao nhắm viên đạn của mình không trúng đối phương là không bao giờ bóp cò” – ông Bảy cười nói. Năm 1954 lên đường tập kết, cuối năm 1960 được chọn đi Trung Quốc học lái máy bay.

Ông kể: Hồi nhỏ học lõm bõm biết đọc thôi. Lên Lạng Sơn thầy giáo dạy “tốc hành” 7 ngày, học 7 lớp. Nói là “học 7 lớp”, thực ra ông chỉ cố ghi nhớ các hình vẽ, định lý, định luật, nguyên lý cơ bản của chương trình phổ thông để học lái máy bay.

Nhờ có trí nhớ “học lóm” bẩm sinh mà ông nhớ nằm lòng. Sau 5 năm học tập, năm 1965 tốp phi công đầu tiên của Việt Nam từ Trung Quốc lái máy bay về Gia Lâm, sẵn sàng chiến đấu...

Né tên lửa và tiêu diệt địch

Lúc 10 giờ ngày 19.6.1965, biên đội Mig-17 của Nguyễn Văn Bảy cất cánh tấn công máy bay Mỹ trên bầu trời Yên Thế (Bắc Giang). Với số lượng áp đảo, máy bay Mỹ phản kích bằng mưa tên lửa. Trận này máy bay của ông bị 84 vết thủng, có những vết thủng rất lớn, nhưng ông vẫn lái để máy bay hạ cánh an toàn.

Đây được xem là kỳ tích khi máy bay bị thương gần nát khúc đuôi mà phi công vẫn bình tĩnh và tự tin hạ cánh. Sau trận này, phi công Nguyễn Văn Bảy suy nghĩ: “Mig17 chỉ bắn bằng đạn, còn máy bay Mỹ toàn tên lửa tầm nhiệt, lại điều khiển bằng radar. Nếu không “né” được tên lửa thì chỉ có nước hy sinh”.

Rời quân ngũ, ông Nguyễn Văn Bảy trở thành nông dân thứ thiệt.

Uống cạn ly rượu đế, ông Bảy hào hứng kể: “Nói né tên lửa tụi bây nghe mắc cười hả? Thực ra mình biết tâm lý chiến đấu nên né được hết. Do máy bay của mình là loại “cổ lỗ sĩ” bay chậm rì nên phi công Mỹ muốn đánh với mình bắt buộc họ phải giảm tốc độ cho ngang với mình. Do lợi thế về tốc độ nên họ không bao giờ đón đầu mà chỉ đuổi sau lưng để bắn tên lửa. Khoảng cách lý tưởng nhất để bắn là 2 – 3km.

Nắm được nguyên tắc này, khi giao chiến tao luôn để ý phía sau. Nếu mình nhìn mắt thường máy bay địch thấy to bằng bắp tay thì phải chú ý bên dưới cánh. Khi chúng khai hỏa, 2 quả tên lửa nhỏ bằng đầu đũa sẽ rơi xuống, khói dưới cánh xịt ra. Tao chỉ việc đếm trong miệng 1...2…3… là đánh lái thật mạnh. Dù là tên lửa tầm nhiệt và điều khiển bằng radar nhưng tốc độ của nó quá cao so với Mig17 nên mình ngoặt lái bất ngờ là nó sẽ bay quá đà, chưa đầy chục giây sau thì nó sẽ phát nổ nên không thể quay lại...”.

Do quá tin tưởng vào sự tối tân của vũ khí được trang bị mà phi công Mỹ chỉ thích bắn tên lửa, họ đã trở thành “quân xanh” trên bầu trời để phi công Bảy tập dợt cho hàng chục lần “né” tên lửa của mình.

Từ 1966 đến 1967, phi công Bảy vào mùa “bội thu” máy bay Mỹ khi chỉ 7 lần bóp cò là 7 chiếc máy bay rơi. Với thành tích này, Nguyễn Văn Bảy trở thành 1 trong 16 phi công được xếp hạng “Ách” (tiêu diệt từ 5 máy bay đối phương trở lên) và được phong Anh hùng LLVTND năm 1967, khi đang mang quân hàm thượng úy.

“Mig17 của mình chỉ có một khẩu 37 li và 40 viên đạn và 2 nòng 23 li với 80 viên đạn mỗi nòng. Nếu bắn không khéo, chỉ cần kéo cò vài giây là.. hết đạn. Khi chiến đấu, máy bay địch nằm trong kính ngắm tao nhấp vài viên xem đường đi của đạn rồi mới bấm loạt đạn quyết định. Chưa có lần nào tao kéo cò mà bị hụt hết” – ông Bảy nhớ lại.

Sau đó 2 năm, một niềm vinh dự lớn lao đến với Anh hùng LLVT Nguyễn Văn Bảy- đó là ngày 9-9-1969, vào thời điểm thiêng liêng, xúc động trong lễ tang Bác Hồ, trên bầu trời Hà Nội xuất hiện 2 biên đội Mig-21 và Mig-17 bay thật thấp qua Quảng trường Ba Đình nghiêng cánh chào vĩnh biệt Bác. Phi đội trưởng của nhóm Mig17 gồm 12 chiếc là Anh hùng Nguyễn Văn Bảy.

Ông Bảy nông dân

Nghỉ hưu năm 1990, ông ở tại TP.Hồ Chí Minh một thời gian rồi về xã Tân Phú Đông, thị xã Sa Đéc (Đồng Tháp) đào ao nuôi cá, làm chuồng nuôi heo, lập vườn trồng cây ăn trái. Khi vùng đất này bị đô thị hóa, ông Bảy giao nhà cho con gái rồi hai vợ chồng về nơi chôn nhau cắt rốn của ông ở ấp Hậu Thành, xã Hòa Thành, Lai Vung dựng cái chòi bên bờ bao nuôi cá, trồng lúa, trồng khoai.

Ông Bảy khoe cơ bắp tráng kiện ở tuổi 76

Thấy cảnh dân nghèo chưa có điện, đèn dầu tù mù, ông vận động các doanh nghiệp, bà con góp tiền xin chính quyền kéo điện về thắp sáng vùng sâu. Đường về nhà ông hiện nay vẫn sình lầy mỗi khi trời mưa. Hớp ly rượu đế, ông nói như đinh đóng cột: “Tao 76 tuổi rồi, nhưng còn khỏe lắm. Những lần đi khám sức khỏe tổng quát, chưa có bác sĩ nào phát hiện tao bị bệnh gì. Tao và bà con xóm này sẽ góp tiền rải sỏi”.

Như để chứng minh sức mạnh, ông Bảy làm vài động tác thể lực, cơ bắp nổi lên cuồn cuộn. “Tụi bây thấy tao còn chiến đấu được không? Già thì già chứ ngoại bang mà ăn hiếp mình, tao xung phong ra trận cho bây coi” – ông Bảy cười.

Rượu ngà ngà say, ông Bảy đi hái mít tráng miệng. Ông dẫn chúng tôi đi dọc bờ bao mảnh ruộng, trên bờ là hàng mít trái oằn cả nhánh. Mùi mít chín cây thơm lừng trong gió. Rồi ông vác mai đào mì, băm… cho cá ăn. Ở xã Hậu Thành, ông nổi tiếng bởi tài trồng mì cho ra củ bự.

Năm ngoái, khi ông đào củ mì hơn 20kg, nhiều người kéo tới xem xin giống, ít lâu sau ông đào tiếp gốc mì củ nặng tới 90kg, phải 2 người mới khiêng nổi vào nhà. Vụ lúa vừa rồi, 0,5ha của ông thu hoạch tới 5 tấn lúa – năng suất thuộc hàng cao nhất trong xã.

Ngồi uống rượu với ông không bao giờ chán vì ông hay kể chuyện tiếu lâm theo kiểu ông già Nam Bộ. Chuyện mà ông hay kể để chọc thím Bảy (Trần Thị Niên) cũng là người Lai Vung là chuyện cưới hỏi của hai người. Hồi đó thím Bảy là học sinh miền Nam, anh phi công Bảy ở sân bay Cát Bi - Hải Phòng lúc rảnh ra chơi gặp đồng hương rồi quen và yêu nhau. Đang đám cưới (tháng 4-1966) mới 45 phút thì có báo động, chú rể tức tốc lên máy bay đi chiến đấu bỏ cô dâu còn mặc nguyên đồ cưới.. làm lễ một mình.

Ông Bảy còn có tài hớt tóc, nhiều khi đang hớt cho đồng đội được nửa cái đầu cũng phải lên máy bay chiến đấu, khi nào về thì hớt tiếp.