Gặp người cuối cùng giữ hồn cho phố Lò Rèn

ANTĐ - Nằm ở 26 Lò Rèn, lò rèn của ông Nguyễn Phương Hùng được coi là nơi cuối cùng giữ được hồn phố làm nên đặc trưng phố cổ Hà thành.

Nghề rèn- nét đẹp phố cổ Hà Nội

Nhà ông Hùng đã có ba đời gắn bó với nghề rèn. Thời kỳ hoàng kim của nghề là thời của ông nội ông. Lúc bấy giờ, cả phố làm nghề. Phố Lò Rèn lúc nào cũng đỏ lửa và ồn ào bởi tiếng búa chan chát. Những âm thanh ấy đã trở nên quen thuộc với người dân phố cổ lúc bấy giờ và là một nét đẹp riêng có của mảnh đất này. Đến thời ông, con phố vẫn huyên náo, nhộn nhịp lắm, nhưng đó là tiếng của máy khoan cắt nhôm kính, in nox. Cửa hàng của ông Hùng nhỏ nhắn giữa con phố tấp nập người qua lại.

Tiếng búa đập chan chat vẫn đều đặn làm nền cho cuộc trò chuyện của chúng tôi với ông chủ lò rèn. Ngay từ bé ông đã được phụ cha rèn nghề, nên những kỹ thuật của nghề rèn ông đã nắm được khi bắt đầu làm nghề. Đến bây giờ ông Hùng vẫn không thôi tự hào ông là người tinh tường về nghề rèn.

“Tôi làm không hết việc, cứ giao hàng cho người này xong thì người khác lại đến đặt. Loại hàng nào khách đặt tôi đều có thể làm được”, ông Hùng cho biết.

Ông Hùng vừa trò chuyện vừa làm việc bên lò rèn đỏ lửa


Theo ông Hùng, nghề thợ rèn là một nghề vất vả: “Mùa hè thì nóng bức. Mùa đông ngồi gần bếp thì ấm nhưng lại nứt nẻ". Tuy nhiên, chỉ cần có lòng yêu nghề, có tâm với công việc mình làm thì sẽ tìm được niềm vui. “Tôi xem công việc của mình như một thú vui và tìm thấy sự thoải mái trong công việc ấy”- ông Hùng vừa làm việc vừa nói.

Nhìn nụ cười của ông khi tiến hành những thao tác một cách thuần thục, khéo léo và rất đỗi thanh thoát mới thấm thía những gì ông nói. Ông là một người nghệ sỹ thực thụ đang trình diễn trên sân khấu của riêng mình.

Ông Hùng cho biết, muốn làm ra được một sản phẩm rèn phải trải qua nhiều giai đoạn công phu. Cái quan trọng nhất là sự kiên trì và nhẫn nại. Từ việc nung sản phẩm đến một nhiệt độ thích hợp đến đập búa với lực thế nào cho vừa đủ đều phải hết sức chuyên tâm mới thành. 

Gặp người cuối cùng giữ hồn cho phố Lò Rèn ảnh 2
Ông Hùng tỉ mỉ làm từng công đoạn một để cho ra đời một sản phẩm ưng ý


Hàng ngày ông đến cửa hàng từ lúc 7 giờ rưỡi sáng làm việc. Nghỉ trưa lúc khoẳng 1 giờ. 7-8 giờ tối ông lại về nhà ở bên Đội Cấn. Được làm chủ thời gian, nên ông cảm thấy đầu óc thoải mái, thanh thản. Hàng tháng thu nhập của ông vào khoảng 10-12 triệu đồng.

Ông Hùng được mọi người yêu quý bởi sự vui tính pha lẫn với những câu chuyện triết lý sâu sắc về cuộc đời.

Lúc nào chân tay ông Hùng cũng lấm lem. Dù trời Hà Nội đang vào thu khá lạnh, vừa miệt mài bên lò rèn rực lửa ông Hùng vừa lấy tay lau mồ hôi trên trán. Công việc của ông vất vả, nhưng lại đang làm đẹp cho Hà Nội, cho phố cổ. Lò rèn đỏ lửa đang góp phần thổi hồn để Hà Nội giữ được nét đẹp cổ kính.

“Mỗi lần đi qua phố lò rèn, hình ảnh người thợ rèn đang miệt mài bên lò lửa lại làm tôi như được sống trong những ngày xưa cũ của Hà Nội”, cụ Lê Duy Danh 80 tuổi, người cả đời sống ở phố cổ Hà thành chia sẻ.

Nghề rèn sẽ chỉ còn… vang bóng ?

Sau những năm tháng tham gia chiến đấu ở chiến trường, ông Hùng về làm việc tại trung tâm sửa chữa ô tô 32 đường Giải Phóng. Nhưng để thỏa tâm nguyện của cha, muốn lưu giữ cái hồn cho phố Lò Rèn mà ông quay lại với nghề. Ông nuôi lớn tình yêu nghề bằng đôi bàn tay và khối óc của mình.

Ông Hùng là người cuối cùng ở phố Lò Rèn còn bám trụ với nghề. Tình yêu nghề đã giúp ông giữ lửa cho nghề rèn. Nhưng sau thế hệ ông Hùng nghề rèn ở Hà Nội chỉ còn là tên phố. “ Bác sẵn sàng truyền nghề cho bất kỳ ai có niềm đam mê với nghề rèn. Đó cũng là tâm nguyện của bác”. Tuy nhiên, ông cũng đồng thời bày tỏ sự thất vọng của mình : “Phải có nhiệt huyết thì mới có thể truyền lửa nghề được. Công việc này đòi hỏi sự kiên trì và tỉ mỉ rất cao. Không phải học đơn giản là làm được. Chỉ cái tâm yêu nghề mới cho nhiệt huyết để theo nghề”.

“Chẳng có thanh niên nào lại muốn làm công việc này. Cũng chẳng có ông bố bà mẹ nào lại muốn con cái mình theo nghề rèn. Tâm lý chung chỉ muốn con vào đại học. Bản thân bác cũng vậy. Bây giờ, nước mình thừa thầy thiếu thợ. Nhiều bạn trẻ chỉ biết đến lý thuyết mà thiếu tính thực hành. Bác cũng mong có người muốn theo nghề để nghề rèn không bị mai một”- ông chủ lò rèn giọng tha thiết.

Dù đau đáu với nghề nhưng ông có 2 người con và hai đều tốt nghiệp Đại học, có công việc ổn định. Không ai có ý định sẽ kế nghiệp cha. Ông Hùng cho biết nếu sau này ông già yếu ông sẽ phải bán cửa hàng để người mua kinh doanh nghề khác. “Cửa hàng của bác tuy bé nhưng có vị trí rất trung tâm, ngay ngã tư đường. Nếu kinh doanh một mặt hàng khác hẳn sẽ rất đông khách”-ông trầm ngâm nói.

Cửa hàng của ông Hùng tọa lạc ở ngã tư, rất thuận lợi cho việc buôn bán


Bây giờ phố Lò Rèn chỉ còn một lò đỏ lửa. Trong thời gian không xa nữa, nghề rèn chỉ còn “vang bóng một thời”.

“Cái tâm giúp tôi bám trụ với nghề. Nhưng tôi cũng không thể làm nghề này mãi được, cũng đến lúc tuổi già sức yếu thôi”, ông Hùng tâm sự.

Nghe mà thấy cay cay nơi khoé mắt...