Gặp mặt, giao lưu nhân chứng lịch sử Điện Biên Phủ

ANTĐ - Tối 6-5, Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ thành phố Hà Nội đã tổ chức cuộc “Gặp mặt, giao lưu nhân chứng lịch sử nhân kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7-5-1954/7-5/2014) tại Cung Văn hóa hữu nghị Hà Nội.

Tiết mục biểu diễn kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ
tại Cung Văn hóa hữu nghị Hà Nội tối 6-5

Tới dự cuộc gặp mặt có đồng chí Phạm Quang Nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội, đồng chí Ngô Thị Doãn Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND Thành phố Hà Nội, đồng chí Nguyễn Công Soái  - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội cùng đại diện các cơ quan, bộ, ban ngành. Buổi gặp mặt đặc biệt này còn có sự tham gia của 500 cựu chiến binh Thủ đô - những người lính đã góp một phần không nhỏ vào thắng lợi chung của chiến dịch Điện Biên Phủ. 

Chiến dịch Điện Biên Phủ là thiên sử vàng chói lọi trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, là đỉnh cao của nghệ thuật quân sự và chiến tranh nhân dân Việt Nam. Đóng góp vào thắng lợi to lớn này có công lao của lực lượng quân và dân Thủ đô. Đồng chí Nguyễn Công Soái  - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội phát biểu: “Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, hàng vạn người con Hà Nội đã tham gia các lực lượng bộ đội chủ lực và nhiều hoạt động phục vụ chiến dịch, góp phần cùng toàn dân tộc làm nên chiến thắng. Những chiến công ấy đã được ghi vào lịch sử của đất nước và Thủ đô, mãi mãi là biểu tượng sáng ngời của lòng yêu nước, của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và là niềm tự hào của mỗi chúng ta”. 

Tại buổi gặp gỡ, ngoài việc ôn lại những cột mốc quan trọng của chiến dịch Điện Biên Phủ qua những thước phim tư liệu, đông đảo những người có mặt tại hội trường cũng như khán giả truyền hình đã được nghe những câu chuyện xung quanh chiến dịch từ những nhân chứng lịch sử đã trực tiếp có mặt tại chiến trường như Anh hùng lực lượng vũ trang, GS. TSKH Thiếu tướng Bùi Đại, nguyên Giám đốc Viện Quân y 108, Phó trưởng ban Quân y chiến dịch; Đại tá Nguyễn Hữu Tài - nguyên Chủ nhiệm chính trị Trung đoàn 209, Đại đoàn 312, nguyên Cục phó Cục Tuyên huấn Bộ Quốc Phòng... Những lời kể hết sức chân thực của các nhân chứng lịch sử đã phác họa phần nào bức tranh chiến đấu và sinh hoạt của bộ đội, dân công trong suốt giai đoạn kháng chiến ác liệt. Đó là những ký ức về thời khắc chiến đấu quả cảm của những người lính, khi mà lằn ranh giữa sự sống và cái chết hết sức mong manh, đã gây xúc động cho những thế hệ đang sống trong thời bình.

Rồi những câu chuyện từ mọi đơn vị phục vụ chiến đấu, từ những chiến sỹ lái xe kéo pháo trong điều kiện “không phanh”, những y sỹ, bác sỹ, dân công hết lòng cứu chữa cho những người bị thương, sẵn sàng chia sẻ phần cơm ít ỏi cho nhau như những người thân trong gia đình…  60 năm đã đi qua nhưng những cảm xúc về một thời đầy gian khổ nhưng hào hùng vẫn vẹn nguyên trong tâm trí của những người cựu chiến binh đều đã bước sang tuổi “xưa nay hiếm”.