Gặp lại người phụ nữ trong bức ảnh “Đi trực chiến”

ANTĐ -Hình ảnh người nữ dân quân làng Yên Vực - Nguyễn Thị Hiền, vai khoác súng trường, vượt qua mọi bom đạn, đầu đội nón đang đi trực chiến năm 1966 do Nghệ sĩ nhiếp ảnh Mai Nam chụp đã đoạt Huy chương Đồng trong cuộc thi ảnh quốc tế tổ chức tại Bungari năm 1967. Bức ảnh sau đó đã trở thành một hình ảnh điển hình cho tinh thần bất khuất của quân dân Hàm Rồng, Thanh Hóa làm nên những huyền thoại. Sau gần 50 năm bức ảnh đã đi vào lịch sử, nhân vật  trong bức ảnh vẫn sống một cuộc đời giản dị.  
Gặp lại người phụ nữ trong bức ảnh “Đi trực chiến” ảnh 1

Hình ảnh bà Hiền thời trẻ đi trận địa năm 1966

Xé ống quần làm lạnh nòng súng

Sau 50 năm, người dân Hàm Rồng vẫn truyền tai nhau nghe về sự quả cảm của người nữ dân quân dẫn đầu 7 cô gái làng Yên Vực tiếp tế đạn, lương thực cho bộ đội trong suốt gần 8 năm chiến đấu. Huyền thoại ấy đã ghi tạc vào tâm thức các thế hệ tiếp nối, gắn với người nữ dân quân Nguyễn Thị Hiền. Vào buổi chiều tháng 4 chúng tôi đến thăm gia đình người con gái làng Yên Vực, Nguyễn Thị Hiền. Người đàn bà có dáng hình nhỏ nhắn tiếp chuyện chúng tôi bằng những lời lẽ thân tình, đầm ấm.

Chúng tôi không khỏi ngạc nhiên bởi người phụ nữ này cách đây 45 năm trước đã từng vác trên vai hòm đạn nặng gấp hai lần cơ thể vượt sông Mã để tiếp đạn cho bộ đội phòng không. Làng Yên Vực (Hoằng Hóa) nằm dưới chân cầu Hàm Rồng trước kia là một trong những rốn bom, là tâm điểm đánh phá của địch. Ngày ấy, Nguyễn Thị Hiền là một cô gái chưa tròn 20 tuổi, bằng lòng căm thù giặc, cô đã xung phong dẫn đầu 7 cô gái làng Yên Vực phụ trách công tác cứu thương ngay trên trận địa. 

Khi ấy, cô gái 18 tuổi đã cùng dân quân tự vệ làng Yên Vực quả cảm chở hàng trăm lượt chuyến đạn bằng chiếc thuyền nan tiếp tế cho bộ đội ta đánh giặc. Cũng chính bà là người đã nghĩ ra sáng kiến xé ống quần làm lạnh nòng súng để tiếp tục đánh giặc. “Trận đánh ngày 3,4-4-1965  kéo dài, khiến cho nòng súng 37 ly của các khẩu đội quân ta nóng đỏ làm giảm tốc độ và cự ly của đường đạn. Ở trận địa thì nước có sẵn mà không có vật dụng gì để lấy nước. Trong tình thế cấp bách đó, cách xé ống quần nhúng nước lau lên nòng súng cho hạ nhiệt của bà Hiền được xem như một sáng kiến bất ngờ. Sáng kiến ấy, đã mang lại hiệu quả được áp dụng ngay cho các trận địa pháo Yên Vực, giành được chiến thắng vang dội. Sau đó, nó đã áp dụng cho tất cả các trận địa pháo bảo vệ cầu Hàm Rồng. 

Hai lần đội khăn tang đi đánh giặc

Người con gái làng Yên Vực Nguyễn Thị Hiền đã phải 2 lần đội khăn tang của bố và mẹ đi đánh giặc. Đó là ngày 22-4-1965 cũng như nhiều gia đình khác ở xã Hoằng Long, huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa, căn nhà của gia đình bà đã bị bom Mỹ phá sập và vùi lấp người mẹ thân yêu của mình.

Gạt nước mắt đau thương, bà vẫn sát cánh cùng quân dân ta tiếp tục chiến đấu với từng chiếc máy bay của Mỹ. “Khi trận đánh kết thúc, tôi chạy về nhà, thấy xác của mẹ đã được dân quân bới tìm mà lòng tôi đau nhói. Nhưng cuộc chiến vẫn còn dài, khi đó không chỉ tôi mà mọi người ai cũng thế đều giấu nỗi đau vào trong mà chiến đấu”.Một thời gian sau, bố bà cũng bị bom Mỹ giết hại. Gia đình chỉ còn lại 3 em nhỏ, nhà cửa không còn. Người con gái này lại một mình đưa các em đi sơ tán. Sau đó trở lại cùng sát cánh cùng với đồng đội chiến đấu. Bà như một biểu tượng đầy tính kiên cường của người phụ nữ thời chiến.

 

Tiếp đó, trong 3 ngày 21, 22, 23-9-1966 máy bay Mỹ điên cuồng đánh phá làm ván lát và mặt bê tông cầu Hàm Rồng bị phá hủy khiến các phương tiện vận tải không qua được bờ Nam. Khi ấy, Nguyễn Thị Hiền cùng các cô gái trọng đội dân quân tự vệ Yên Vực làm nhiệm vụ tiếp tế đạn cho trận địa. Cô gái bé nhỏ ấy đã vác những hòm đạn gấp đôi cơ thể trên đường ray chỉ còn trơ lại những thanh ray dọc để sang cầu chi viện cho bờ Nam. Sau các trận đánh, Nguyễn Thị Hiền lại làm công tác tìm bom, thi thể bộ đội và dân quân đã hi sinh để mai táng. Rồi san lấp hố bom, đào hào công sự, cấp cứu thương binh đưa đến nơi an toàn, tổ chức giúp nhân dân đi sơ tán, tuần tra canh gác, bảo vệ xóm làng.

Nữ anh hùng trong lòng dân

Trong suốt quá trình bảo vệ cầu Hàm Rồng, cô gái Nguyễn Thị Hiền đã trực tiếp thay thế pháo thủ bị thương và chiến đấu 380 trận, 4 lần bị bom đạn vùi lấp đều vượt qua và tiếp tục chiến đấu… Những cống hiến to lớn đó, bà được Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng Huân chương Chiến công hạng Nhì, hạng Ba; được Đảng và Nhà nước tặng 1 Huân chương Kháng chiến; 2 Huy hiệu chiến sĩ thi đua dân quân tự vệ cấp Trung ương, 24 Bằng khen và Giấy khen… 

Và bà còn có một danh hiệu nữa mà  50 năm về trước người dân Thanh Hóa đã phong tặng cho bà: Danh hiệu “Nữ Anh hùng trong lòng dân”.

Nó cũng giống như con người bà, vì quê hương, vì đất nước mà chiến đấu. “Mình chiến đấu vì đất nước, chứ không phải để có một danh hiệu gì. Những việc làm ấy, không đáng là gì so với nhiều người đã ngã xuống. Bây giờ còn sống sót và khỏe mạnh đó đã là điều hạnh phúc lắm rồi…”, bà Hiền chia sẻ.