Gặp lại cháu bé bị bạo hành và bỏ rơi tại Bệnh viện Nhi Trung ương

ANTD.VN - Những vết đòn roi bầm tím trên thân thể giờ đã lặn, những tiếng khóc ngằn ngặt giữa đêm cũng không còn. Một tháng sau khi xuất viện, bé Trần T.A - bệnh nhi bị bạo hành và bỏ rơi tại Bệnh viện Nhi Trung ương mà báo ANTĐ từng đưa tin - đã trở lại cuộc sống bình thường. 

Gặp lại cháu bé bị bạo hành và bỏ rơi tại Bệnh viện Nhi Trung ương ảnh 1Ông Vượng cùng bé T.A nay đã hoàn toàn bình phục

Nhưng trước mắt vẫn còn hàng loạt khó khăn đang chờ đón bé và người thân.

Cậu bé hoàn toàn bình phục

Có lẽ đến bây giờ những ký ức kinh hoàng về chuỗi ngày phải sống xa mẹ và chịu những trận đòn roi đến hôn mê, ngất xỉu đã phai mờ trong tâm trí bé T.A. Nhờ sự vào cuộc nhanh chóng của cơ quan công an và các bác sỹ tại Bệnh viện Nhi Trung ương  bé đã tìm lại được gia đình đích thực của mình. Trong căn nhà nhỏ ở ngõ Chiến Thắng (phố Khâm Thiên, quận Đống Đa) của ông Đinh Văn Vượng - ông ngoại  bé - giờ lại có thêm những tiếng cười, tiếng bi bô con trẻ. Nhưng đồng thời nó cũng trĩu nặng những lo toan!

“Hôm nay là tròn một tháng rồi đấy, nhờ trời, thằng bé đã hoàn toàn bình phục. Có thêm con cháu ai chẳng mừng, nhưng với vợ chồng tôi mừng là một chuyện và trăn trở cũng rất nhiều” - ông Vượng nói.

Năm nay đã 70 tuổi, vợ chồng ông Vượng chỉ trông vào đồng lương hưu hơn 3 triệu đồng, nhưng đang phải lo tới 6 miệng ăn. Ông Vượng về hưu đã lâu, sức khỏe yếu nên bây giờ chẳng làm được việc gì. Vì thế vợ ông - bà Hoàng Thị Nga -  hàng ngày đi bán hàng cơm, rửa bát thuê lấy tiền trang trải cuộc sống và lo ăn học cho lũ trẻ.

“Hôm nay là tròn một tháng rồi đấy, nhờ trời, thằng bé đã hoàn toàn bình phục. Có thêm con cháu ai chẳng mừng, nhưng với vợ chồng tôi mừng là một chuyện và trăn trở cũng rất nhiều”

Ông Đinh Văn Vượng - ông ngoại  cháu bé T.A

Ông Vượng bảo, trước đây ngoài bé T.A, ông bà còn phải chăm sóc cho 3 đứa cháu nữa (đều là con đẻ của con gái ông, hiện đang thi hành án) nên cuộc sống vô cùng chật vật.

Lũ trẻ đang tuổi ăn tuổi lớn, phải “co kéo” lắm mới tạm đủ. Từ ngày có thêm bé T.A, cái sự tạm ổn kia cũng nhiều xáo trộn. Tiền bỉm, tiền sữa, rồi quần áo, thuốc thang của  bé cũng khiến cả nhà phải “thắt lưng buộc bụng”.

Chưa kể, nhất là khi bé mới ra viện, cần được bồi dưỡng để sức khỏe phục hồi. Cũng may, sự việc bé T.A bị bạo hành và bỏ rơi được đưa lên báo nên nhiều người biết. Vì thế nhiều tấm lòng hảo tâm cũng đã tìm đến giúp đỡ gia đình. Nhưng cũng không thể trông chờ vào lòng tốt của người khác mãi được. Con cháu mình thì trách nhiệm chính vẫn là của mình.

“Thực ra đã có vài gia đình tìm đến ngỏ ý muốn nhận cháu làm con nuôi. Thậm chí qua đọc báo, có cặp vợ chồng từ bên Mỹ cũng gọi điện cho chúng tôi xin được về Việt Nam làm thủ tục đưa cháu sang bên đó nuôi dưỡng. Họ đều là những người tốt cả, tuy vậy chúng tôi đều cảm ơn và từ chối. Dù khó khăn đến mấy, chúng tôi cũng sẽ cố nuôi dạy cháu đến lúc sức cùng lực kiệt. Không lẽ lúc cháu tôi thập tử nhất sinh, các bác sỹ của bệnh viện còn cưu mang được mà bây giờ bình phục rồi chúng tôi lại quên trách nhiệm của mình hay sao?” - ông Vượng tâm sự từ đáy lòng mình.

Sự mong mỏi đời thường

Nhớ lại những ngày đầu đón cháu về, ông Vượng vẫn rơi nước mắt: “Tội nghiệp thằng bé, nó bị đòn sợ hãi đến mức thành phản xạ. Có lần bà nhà tôi vô tình cầm cái cán chổi giơ lên để quét mạng nhện, thế mà nó rúm người lại chạy ra nấp vào lưng ông. Lúc ấy chắc những trận đòn vẫn còn đọng trong tâm trí”.

Những ngày tiếp theo, ông bà cũng sống trong cảnh nơm nớp lo âu khi thường xuyên phải đưa cháu vào viện khám định kỳ theo chỉ định của bác sỹ. Cũng may, dù chưa có bảo hiểm nhưng mọi chi phí của bé T.A được Bệnh viện Nhi Trung ương miễn phí toàn bộ chứ nếu tính thành tiền chắc ông bà cũng không lo nổi.

“Chúng tôi đưa cháu đi khám đúng hôm cháu tròn 1 tuổi, vậy mà các bác sỹ ở đây vẫn nhớ. Phòng Công tác xã hội của bệnh viện còn mua sẵn một sợi lắc bạc để tặng cho cháu. Sự giúp đỡ quý báu và đầy tình người này chúng tôi không bao giờ quên” - ông Vượng nói đầy vẻ biết ơn.

Một ngày của cặp vợ chồng “bảo mẫu” này bắt đầu từ 5h sáng. Ông Vượng dậy lục đục chuẩn bị rang cơm, quần áo, giày dép, sách vở cho 3 đứa lớn đi học. Bà Nga thì lo quấy bột, nấu cháo cho bé T.A ăn trong ngày rồi hối hả đến quán cơm trên phố Tống Duy Tân, bắt đầu công việc mà bà đã làm trong nhiều năm qua đến tận 10h đêm.

Mọi sự chăm sóc bé T.A phó mặc cho ông ở nhà. Dù đã ở tuổi 70, nhưng ông Vượng vẫn phải học lại những phần việc, những bài ru trẻ của một bà mẹ nuôi con mọn để chăm sóc cháu mình.

Ông cười bảo: “Có hề gì, 3 anh chị lớn của bé T.A vợ chồng tôi cũng đều nuôi từ lúc chúng còn ẵm ngửa. Đến nay đã hơn chục năm rồi mà đâu cũng vào đấy, có sao đâu? Bây giờ tôi chỉ mong có sức khỏe để có thể chăm sóc cho các cháu mình thành người tử tế, đừng sa lầy, hư hỏng như mẹ chúng là được”.

Tôi hỏi, ông ước điều gì? Ông Vượng tần ngần: “Các cụ vẫn bảo, con dại cái mang. Mẹ các cháu vi phạm pháp luật thì pháp luật cứ xử lý, tôi không có ý kiến gì. Chỉ thương những đứa trẻ này, chúng không có tội, nhưng vì mẹ nó bỏ bê mà đến bây giờ vẫn chưa thể làm được Giấy khai sinh. Tôi mong các cơ quan chức năng, chính quyền tạo điều kiện để tôi làm được giấy tờ và nhập hộ khẩu cho mai này cháu còn đi học. Chỉ thế thôi chứ cũng chẳng dám mong gì hơn”.