![]() |
Thủ tướng gặp gỡ doanh nghiệp sáng 10-2 |
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, năm 2025 này, một điểm mới là Chính phủ giao chỉ tiêu tăng trưởng tất cả các địa phương, bộ ngành liên quan, các doanh nghiệp nhà nước, các lĩnh vực. Nếu cứ tăng trưởng "bình bình" thì không thể đạt được 2 mục tiêu phát triển 100 năm.
Trung ương đã ban hành kết luận 123 với yêu cầu tăng trưởng GDP ít nhất 8% năm 2025 để tạo đà, tạo lực, tạo khí thế cho những năm tiếp theo phải đạt tăng trưởng 2 con số. Để thực hiện điều này rất cần sự đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn.
Thủ tướng cho biết, Chính phủ có kế hoạch gặp gỡ với các ngân hàng, doanh nghiệp vừa và nhỏ, các doanh nghiệp FDI để chia sẻ, giải quyết những khó khăn, vướng mắc về thể chế, cơ chế, chính sách, góp ý cho Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương; lắng nghe ý kiến của các doanh nghiệp về những việc phải làm trước mắt và trong tương lai để tiếp tục phát triển.
Bày tỏ ngưỡng mộ, khâm phục, đánh giá cao những nỗ lực vươn lên, thành quả đạt được của các doanh nghiệp tư nhân, Thủ tướng đề nghị trong các việc lớn nói trên của đất nước, các doanh nghiệp xem có thể làm được gì thì đăng ký làm và đề xuất cơ chế chính sách để làm, miễn là không tư lợi, phòng chống tham nhũng, tiêu cực.
Người đứng đầu Chính phủ lấy ví dụ, vừa qua đã đề nghị tập đoàn Trường Hải (THACO) nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, sản xuất toa tàu và tiến tới sản xuất đầu máy cho đường sắt tốc độ cao, tập đoàn Hòa Phát làm ray đường sắt tốc độ cao, tập đoàn FPT tập trung đào tạo nhân lực chất lượng cao, thiết kế chip bán dẫn…
Nhận định tình hình có nhiều khó khăn, thách thức nhưng cũng có nhiều thời cơ và thuận lợi, Thủ tướng mong lãnh đạo các doanh nghiệp từ thực tiễn, kinh nghiệm, thành công, với đam mê, nhiệt huyết, tinh thần cống hiến, mạnh dạn đóng góp ý kiến với tinh thần chân thành, thẳng thắn, tất cả vì sự phát triển của đất nước, vì Tổ quốc, vì sự ấm no, hạnh phúc của nhân dân.
Phát biểu tại hội nghị, ông Trần Bá Dương- Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Tập đoàn Trường Hải (THACO) nêu những dự án lớn mà doanh nghiệp đang thực hiện. Trước trọng trách được giao, Chủ tịch THACO nói:“Tôi xin hứa với Chính phủ là chúng tôi sẽ cố gắng nỗ lực phát huy để trong thời gian tới, cùng với các định hướng mạnh mẽ và quyết liệt về phát triển đất nước, chúng tôi sẽ có những đóng góp nhất định”.
Ông Trương Gia Bình-Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT, Trưởng ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân cũng cho hay, vào thời điểm này, cả nước hào hứng, có niềm hy vọng to lớn là Việt Nam bước vào một kỷ nguyên mới, Việt Nam sẽ là một quốc gia hùng mạnh, phồn thịnh, đứng trong hàng ngũ các nước tiên tiến nhất trên thế giới.
Chính thời điểm này khi vận nước đến chúng ta phải làm mọi cách để mà phát triển, không thể bỏ lỡ. Trong bối cảnh đó, Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân (Ban IV) viết một báo cáo gọi là 2-3-4-5 tức là: 2 mục tiêu lớn, 3 điểm tắc nghẽn, 4 mũi giáp công và 5 hành động chính.
“Ở đây tôi muốn tập trung vào 2 ý: Thứ nhất, tôi đề nghị phải giải phóng tiềm lực khoa học công nghệ. Vì sao tôi lại nói như vậy? Vì khi nghiên cứu, tôi thấy mối quan hệ giữa GDP và tiềm lực khoa học công nghệ vẽ thành một đồ thị parapol đi lên, nghĩa là khi tăng trưởng GDP thì trình độ khoa học đi lên và khi tất cả thế giới trên một đường chung thì Việt Nam đứng thẳng, tức là với mức GDP của chúng ta thì tiềm năng khoa học tăng gấp đôi.
Hiện nay thu nhập bình quân đầu người theo sức mua thì Việt Nam cỡ của Angola. Thử hỏi khoa học Việt Nam và Angola cỡ gì? Nếu mà nhân gấp đôi lên theo đồ thị về tiềm năng khoa học công nghệ thì chúng ta bằng Latvia, Litva.
Trước những cơ hội đó, tôi đề nghị, thứ nhất, chúng ta đã nói cơ chế là điểm nghẽn của điểm nghẽn, trong đó điểm nghẽn của KHCN mới là quan trọng nhất. Thứ hai, chúng tôi đề nghị "bình dân AI vụ". Ngày trước, vào những năm khó khăn nhất, những năm kháng chiến khi chính quyền còn yếu, còn nghèo, Bác Hồ đặt vấn đề "bình dân học vụ".
Bây giờ là cơ hội đến, đặc biệt trong dịp Tết này chúng ta nghe nhiều về DeepSeek. DeepSeek làm cho "bình dân hóa trí tuệ nhân tạo", tức là các công ty nhỏ cũng làm được, các công ty vừa và nhỏ cũng đã áp dụng được.
Cơ hội đang đến, tôi đề nghị nhanh nhất có thể đưa AI vào chương trình giáo dục đào tạo của tất cả hệ thống giáo dục và chúng tôi là những người trực tiếp triển khai vào hệ thống giáo dục, chúng tôi đưa cả vào lớp 1 được, nhưng cần nhất là vai trò của Nhà nước, chỉ đạo bằng được để Việt Nam sớm trở thành quốc gia về trí tuệ nhân tạo…” - ông Trương Gia Bình kiến nghị.
Lực lượng doanh nghiệp đóng góp khoảng 60% GDP
Báo cáo tổng hợp tình hình các doanh nghiệp, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết:
Qua gần 40 năm Đổi mới, doanh nghiệp nước ta đã phát triển lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng với hơn 940 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động, hơn 30 nghìn hợp tác xã và trên 05 triệu hộ kinh doanh. Riêng năm 2024, có trên 233 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động, cao nhất từ trước đến nay. Một số doanh nghiệp phát triển đạt tầm khu vực và thế giới; chủ động tham gia và khẳng định được vị trí, vai trò của mình trong các chuỗi cung ứng toàn cầu, góp phần nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.
Lực lượng doanh nghiệp đã ngày càng khẳng định vị trí, vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; đóng góp khoảng 60% GDP, 98% tổng kim ngạch xuất khẩu và tạo việc làm cho khoảng 85% lao động cả nước.
Năm 2024, nước ta đã hoàn thành thắng lợi, toàn diện các mục tiêu phát triển KTXH; đạt và vượt toàn bộ 15/15 chỉ tiêu; tốc độ tăng trưởng đạt 7,09%, thuộc nhóm số ít các nước tăng trưởng cao trong khu vực và thế giới; quy mô GDP đạt 476,3 tỷ USD, đứng thứ 33 thế giới; xuất nhập khẩu đạt 786 tỷ USD, thuộc nhóm 20 nền kinh tế có quy mô thương mại lớn nhất thế giới; thu NSNN ước vượt 19,8% dự toán, trong đó thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh vượt 20,7%…
Những thành tựu này có sự đóng góp rất lớn của cộng đồng doanh nghiệp.