Gập ghềnh hai chữ Lý - Tình

ANTĐ - Khi trốn chạy truy nã, không ít đối tượng cố tạo cho mình những vỏ bọc kín đáo. Vỏ bọc ấy không gì vững chắc nhất chính là mái ấm gia đình. Chỉ đến khi sa lưới pháp luật, vỏ bọc ấy mới bị vỡ vụn trước sự bàng hoàng của nhiều người. 

Khu vực rừng núi, nơi tội phạm truy nã hay trú ẩn

Nước mắt muộn mằn

Trong số các đối tượng bị phòng Cảnh sát truy nã tội phạm CATP Hà Nội bắt giữ ở các tỉnh Tây Nguyên và TP Hồ Chí Minh, Nguyễn Thị Huệ duy nhất là nữ. Suốt hành trình ra Bắc quy án, gương mặt Huệ luôn phảng phất nỗi buồn với đôi mắt nhìn xa xăm vào khoảng không vô định. Theo hồ sơ của các trinh sát, sau khi thực hiện một vụ trộm tài sản ở Hà Nội, Huệ trốn biệt vào TP Hồ Chí Minh làm thợ may với một cái tên khác để che mắt cơ quan chức năng cũng như giấu đi quá khứ tội lỗi của mình. 

Vốn có hình thức xinh xắn lại ưa nhìn, Huệ nhanh chóng được nhiều người để ý, theo đuổi. Cuối cùng Huệ cũng bén duyên với một chàng trai bản địa hiền lành hết mực yêu thương vợ. Việc cưới xin được tổ chức gọn nhẹ như những người xa quê song thiếu sự chứng kiến của người thân của cô dâu vì lý do đường sá xa xôi cách trở. 

6 năm kể từ ngày trốn chạy, khi đó Huệ đã có một mái ấm gia đình khá hạnh phúc. Hai vợ chồng cùng làm công nhân, cuộc sống không phải dư dả sung túc nhưng Huệ thấy bằng lòng yên phận với khung cảnh đầm ấm, sớm đến xưởng may, tối cùng chồng bên mâm cơm đạm bạc. Niềm vui của Huệ và chồng càng được nhân lên khi có tiếng của con trẻ trong nhà. Nó không chỉ là sợi dây liên kết hạnh phúc vợ chồng mà còn làm cho Huệ thấy cuộc sống thật ý nghĩa khi biết thêm về tình mẫu tử. Nay nó đã lên 5 và biết khá nhiều. Có một điều Huệ biết chắc rằng, sau khi mình bị bắt đưa ra Bắc, có lẽ nó sẽ hỏi bố rất nhiều về mẹ, nhất là khi đêm về…

Trở lại với chuyến di lý ra Bắc, khi hỏi chuyện, Huệ nói trong giàn giụa nước mắt: “Em biết tội của mình thì phải trả nhưng thương con nhỏ thiếu hơi mẹ nên không dám ra đầu thú. Giờ em chỉ mong muốn sớm được thi hành án rồi cải tạo tốt để được về đoàn tụ với con và gia đình”. Huệ nói tiếp “Việc em bị bắt như thế này có lẽ cũng bất ngờ cho chồng và gia đình, em mong được mọi người tha thứ và cho em một cơ hội để làm lại cuộc đời”.

Một trường hợp nữa giống như Nguyễn Thị Huệ, trước khi bị cơ quan công an bắt giữ, Trịnh Đức Thạo, quê ở Chương Mỹ cũng có một gia đình rất hạnh phúc tại thị xã Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước. Ngày ngày làm việc tại hiệu cắt tóc ở thị xã Đồng Xoài, tối về cùng gia đình và đứa con nhỏ, dường như Thạo thấy cuộc sống thực ý nghĩa biết bao sau những tháng ngày trốn chạy truy nã ở chốn thâm sơn cùng cốc.

Cách đây 6 năm, Thạo cùng với đồng bọn gây ra vụ cướp rồi bỏ trốn trước sự truy lùng gắt gao của cơ quan công an. Khắp gầm trời phương Nam, Thạo thuộc như lòng bàn tay, bởi trong quá trình trốn chạy, Thạo phải di chuyển qua nhiều tỉnh thành. Với sự tinh quái, ranh ma, nên không ít lần Thạo đã lọt lưới của cơ quan chức năng. 

Với vỏ bọc kín đáo, Thạo không ngờ chân tướng mình bị lộ tẩy khi các trinh sát phòng cảnh sát truy nã tội phạm CATP lần ra. Khi Thạo bị lực lượng công an bắt giữ, vợ Thạo thực sự hoảng hốt. Sự việc diễn ra quá nhanh, vợ Thạo chẳng nói được gì, chỉ kịp chuẩn bị vài bộ quần áo đưa cho chồng trong đôi mắt ngấn lệ. 

Trong suốt chặng đường dẫn giải khi được hỏi chuyện, Thạo thẳng thắn giãi bày: “Dù bản thân gia đình nhiều lần cũng động viên nên ra đầu thú để hưởng chính sách khoan hồng của Nhà nước nhưng không đủ can đảm khi đối diện với sự thực. Hơn nữa cuộc sống gia đình cứ níu kéo em lại không thể rứt khỏi suy nghĩ về cảnh xa vợ xa con…”. Càng về cuối câu chuyện giọng Thạo càng nghèn nghẹn: “Bản thân em làm em chịu nhưng giờ thấy thương vợ, thương con nhỏ quá. Nó bện em lắm, lúc nào cũng thích chơi đùa với bố.  Bữa trước, nó bị bỏng phải đi chữa trị trên Sài Gòn vẫn chưa khỏi, nghĩ mà tội”.

Cán bộ Công an vận động cảm hóa đối tượng truy nã

Một chữ tình của trinh sát truy nã

Đợi làm thủ tục dẫn giải di lý đối tượng về quy án là khoảng thời gian thư thả nhất đối với lực lượng truy nã tội phạm. Đại tá Nguyễn Thanh Hùng, Trưởng phòng Cảnh sát truy nã tội phạm CATP Hà Nội, người đã đi gần hết chặng đường công tác của ngành, người luôn gắn với nghiệp bắt truy nã chia sẻ, đến giờ, anh không thể nhớ hết mình cùng đồng đội đã bắt bao nhiêu đối tượng truy nã nhưng chứng kiến những gia cảnh và tình cảm của đối tượng bị bắt giữ với người thân gia đình,  anh và đồng đội không khỏi chạnh lòng ái ngại. Tuy nhiên, các anh luôn nhận thức và có quan điểm rõ ràng: Họ có tội thì phải chịu sự xử lý nghiêm minh của pháp luật. Và mọi thủ tục bắt giữ, di lý một đối tượng đều phải tuân thủ theo đúng những quy định của pháp luật. Bởi, bắt được một đối tượng truy nã vốn đã khó nhưng việc di lý dẫn giải cũng không kém công sức. Chỉ cần sơ sảy mất tập trung một chút là có thể phải trả giá đắt… Đã không ít, đối tượng truy nã bỏ trốn ngay trên đường dẫn giải.

 Trên thực tế, không ít những trường hợp được các anh vận dụng đảm bảo thấu lý đạt tình. Những phút như thế các trinh sát thấy lòng mình nhẹ  nhàng hơn, bởi chí ít đã làm cho phạm tội yên tâm trả án. 

Có lẽ trong số các đối tượng bị bắt giữ, Trịnh Văn Ba, quê ở Chương Mỹ, Hà Nội là đối tượng may mắn hơn cả. Hơn 17 năm về trước, khi cùng đồng bọn tham gia vụ cưỡng đoạt tài sản trên địa bàn, Ba bị bắt giữ và tuyên phạt 6 tháng tù giam nhưng trong khi chờ thi hành án, Ba đã bỏ trốn vào Đồng Nai sinh sống làm ăn rồi lấy vợ sinh con.  Một mái ấm gia đình thuận hòa, kinh tế khá giả, hai đứa con đều ngoan học giỏi khiến ai nhìn vào cuộc sống gia đình Ba đều phải ước ao. 

Sau khi xác định đúng đối tượng, đúng địa chỉ, các trinh sát ập vào nhà trước sự ngỡ ngàng của Ba và người thân. Trên gương mặt thất sắc khắc khổ như già hơn so với tuổi thực của mình, Ba chỉ biết thở dài với vợ: Anh đã làm liên lụy vợ con gia đình rồi. Nắm bắt được tâm lý đối tượng, các trinh sát đã động viên đối tượng chấp hành tốt việc thực thi nhiệm vụ của cơ quan chức năng, đồng thời sẽ xem xét để Ba có thể trả án tại Đồng Nai. Trước sự ân cần khuyên bảo thấu tình đạt lý, Ba đã chấp hành tốt quy định và sau đó được cơ quan công an sở tại tiếp nhận để được thụ hình ở trại giam của tỉnh.

 Công tác truy nã tội phạm, không chỉ đơn thuần là việc lần theo dấu vết tội phạm để truy bắt đối tượng đưa về quy án, mỗi trinh sát cũng phải biết vận động giáo dục thuyết phục cảm hóa đối tượng và gia đình nhận thấy tội của mình và cao hơn cả là chính sách khoan hồng của Đảng và Nhà nước với những người lầm lỗi biết ăn năn hối cải hoàn lương. Đây cũng là trải nghiệm của những người lâu năm trong nghề tầm nã với mong muốn công tác này thực sự phát huy hiệu quả trên trận tuyến bảo vệ ANTT, góp phần làm giảm đầu vào của tội phạm hiện nay.