Gập ghềnh đường về đích Brexit

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

ANTD.VN - Ngày 14-12 (theo giờ Việt Nam), Trưởng phái đoàn đám phán Brexit của Liên minh châu Âu (EU) Michel Barnier đã trình bày tóm tắt với các Đại sứ trong khối về tình hình đàm phán với Anh sau khi hai bên nhất trí tiếp tục trao đổi để tìm kiếm một thỏa thuận thương mại chung. Theo thông tin ban đầu, Thủ tướng Anh Boris Johnson và Chủ tịch Ủy ban Điều hành EU Ursula von der Leyen, trong buổi đàm phán hôm chủ nhật đã đồng ý “đi xa hơn” trong những ngày tới, bất chấp việc bỏ lỡ “hạn chót” yêu cầu đạt thỏa thuận là ngày 13-12-2020 đã đưa ra trước đó.

Thủ tướng Anh Boris Johnson (bên trái) và Chủ tịch Ủy ban điều hành EU Ursula von der Leyen

Thủ tướng Anh Boris Johnson (bên trái) và Chủ tịch Ủy ban điều hành EU Ursula von der Leyen

Đàm phán xuyên đêm

Theo nguồn tin của Chính phủ Anh, công tác đàm phán tiếp tục diễn ra suốt đêm, nhưng EU và Anh vẫn gặp trở ngại quanh các vấn đề như quyền đánh bắt cá, công bằng trong quan hệ kinh tế, cũng như công bằng trong các biện pháp giải quyết tranh chấp. Đây là những câu chuyện tồn đọng mà hai bên đã dành vài tháng trời tập trung xử lý để chuẩn bị cho viễn cảnh giao dịch giữa hai bên sau ngày 31-12, thời điểm giai đoạn chuyển giao kết thúc. Bất chấp thực tế các cuộc thương lượng dai dẳng trong gần 1 năm qua không đạt được nhiều tiến triển và nhiều lần thời hạn chót đã bị bỏ lỡ, Anh và EU vẫn cho rằng hai bên cần có thêm thời gian.

Phát biểu vào ngày 14-12, Chủ tịch Ủy ban Điều hành EU Ursula von der Leyen cho biết: “Bất chấp tình trạng kiệt sức và bỏ lỡ thời hạn chót, chúng tôi cho rằng hai bên nên có thêm thời gian. Chúng tôi đã ủy thác cho các nhà thương lượng tiếp tục tiến hành đàm phán”. Về phần mình, London cũng tuyên bố đã ủy thác cho các nhà đàm phán tiếp tục thương lượng và xem liệu có đạt được một thỏa thuận sau này hay không. Thủ tướng Anh Boris Johnson cam kết: “Vương quốc Anh chắc chắn sẽ không bỏ qua cơ hội đàm phán. Tôi nghĩ mọi người đều sẽ mong đợi chúng tôi đi xa hơn nữa. Tôi muốn nhắc lại lời đề nghị của mình, đó là, nếu cần thiết, tôi sẵn sàng tới các nước để thương thuyết hướng tới đạt được một thỏa thuận, tôi rất vui khi làm như vậy”.

Quyết định tiếp tục đàm phán trên của Anh và EU ngay lập tức nhận được sự hoan nghênh của giới lãnh đạo châu Âu. Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel nhấn mạnh các bên cần nỗ lực hết sức để đạt được một thỏa thuận tốt. Thủ tướng Đức Angela Merkel cho rằng nên thực hiện mọi việc để đạt được một thỏa thuận thương mại giữa EU và Anh, và “mọi cơ hội đạt được một thỏa thuận rất được hoan nghênh”. Ngoại trưởng Ireland Simon Conveney nhận định việc đạt được một thỏa thuận giữa Anh và EU rõ ràng là rất khó, song có thể thực hiện được.

Kịch bản cho tình huống tồi tệ nhất

Trước mọi nỗ lực đàm phán song thực tế cơ hội đạt được một thỏa thuận thương mại giai đoạn hậu Brexit là không cao, Anh và Liên minh châu Âu vẫn chuẩn bị sẵn tâm lý và mọi kịch bản trong trường hợp tồi tệ nhất - Brexit không có thỏa thuận. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen mới đây cảnh báo Liên minh châu Âu đã được chuẩn bị kỹ lưỡng cho “kịch bản không thỏa thuận” với Anh sau giai đoạn chuyển tiếp hậu Brexit.

Trong khi đó, phía Anh cũng đang lên kế hoạch cho gói cứu trợ lên tới 10 tỷ bảng Anh dành cho các ngành có nguy cơ chịu tác động nặng nề bởi Brexit không thỏa thuận. Gói cứu trợ này dành cho các đối tượng là người nuôi cừu, ngư dân, nhà cung cấp chất hóa học, sản xuất xe ô tô… Theo Báo Sunday Times (Anh), các Bộ trưởng trong nội các Anh đã cảnh báo các siêu thị dự trữ thực phẩm, trước nguy cơ Brexit không thỏa thuận, do lo ngại về tình trạng thiếu hụt bởi tiến trình đàm phán giữa London và Brussels vẫn lâm vào thế bế tắc.

Thủ tướng Johnson sẽ nắm quyền chỉ đạo công tác lên kế hoạch nếu London lựa chọn Brexit không thỏa thuận và sẽ đứng đầu ủy ban phụ trách các hoạt động đưa nước Anh rời khỏi EU để chuẩn bị cho công tác ứng phó. Các Bộ trưởng trong nội các Anh cũng đã yêu cầu các nhà cung cấp dược phẩm, thiết bị y tế và vaccine dự trữ lượng hàng hóa đủ dùng trong vòng 6 tuần tại những địa điểm an toàn trên toàn quốc. Các hãng bán lẻ tại Anh cũng đã chuẩn bị cho khả năng người dân mua sắm ồ ạt, tích trữ thực phẩm tại nước này nếu Anh - EU không đạt được thỏa thuận.

Những lo lắng có thật…

Các lãnh đạo doanh nghiệp Anh đã bày tỏ sự lo lắng khi họ vẫn chưa biết các điều khoản thương mại khi giao dịch với EU từ ngày 1-1-2021, thời điểm Anh kết thúc giai đoạn chuyển tiếp của việc chính thức rời khỏi khối thị trường chung châu Âu (Brexit). Mặc dù, các nhóm doanh nghiệp hoan nghênh việc Anh và EU đã đồng ý tiếp tục gia hạn đàm phán thỏa thuận thương mại, nhưng cũng phàn nàn rằng các doanh nghiệp không thể chuẩn bị đúng cách cho việc Anh rời khỏi khối thị trường chung EU trong thời gian gần 20 ngày do không rõ liệu có thỏa thuận Brexit hay không.

Tổng Giám đốc Phòng Thương mại Anh Adam Marshall cho biết, khoảng thời gian từ nay đến khi kết thúc giai đoạn chuyển tiếp Brexit vào ngày 31-12 sẽ là “thời điểm rất căng thẳng cho doanh nghiệp khi họ lo lắng chờ đợi quyết định về các điều khoản thương mại với EU sẽ đến vào ngày 1-1-2021. Nếu vài giờ hoặc vài ngày nữa tạo ra sự khác biệt cho việc Anh và EU đảm bảo một thỏa thuận thương mại, hãy tiếp tục - và đạt được một thỏa thuận mang lại sự rõ ràng và chắc chắn cho các doanh nghiệp và thương mại của cả hai bên”.

Tổng Giám đốc Liên đoàn Công nghiệp Anh Tony Danker cho biết, cần phải lập kế hoạch song song cho ngày 1-1-2021, thỏa thuận hoặc không thỏa thuận. Ông kêu gọi cần có thời gian gia hạn cho các doanh nghiệp để có thể điều chỉnh các quy tắc mới. Các lãnh đạo doanh nghiệp Anh cũng muốn nhận được hỗ trợ tài chính của Chính phủ để giúp các ngành đã bị ảnh hưởng nặng nề trong đại dịch.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Anh Rishi Sunak cho biết, hỗ trợ của Bộ Tài chính cho các doanh nghiệp đối phó với cuộc khủng hoảng Covid-19, bao gồm cả các khoản cho vay do nhà nước hậu thuẫn, luôn sẵn sàng trong trường hợp có bất kỳ sự gián đoạn nào liên quan đến Brexit, nhưng ông cũng sẵn sàng xem xét viện trợ hạn chế theo lĩnh vực cụ thể.

Giám đốc Điều hành British Retail Consortium - bà Helen Dickinson nói rằng, mặc dù không có sự chuẩn bị nào của các nhà bán lẻ có thể ngăn chặn hoàn toàn sự gián đoạn liên quan đến Brexit, nhưng người dân không cần phải tích trữ. Bà cho biết, các nhà bán lẻ đang làm mọi cách để chuẩn bị, tăng lượng dự trữ hộp thiếc, giấy vệ sinh và các sản phẩm có thời hạn sử dụng dài hơn. Tuy nhiên, bà Dickinson cũng cảnh báo, trong trường hợp Brexit không có thỏa thuận, người dân Anh sẽ phải đối mặt với hơn 3 tỷ bảng Anh thuế thực phẩm vì các nhà bán lẻ sẽ không có lựa chọn nào khác ngoài việc phải tăng một số chi phí bổ sung. Bà Dickinson nói: “Cả hai bên phải nỗ lực gấp đôi và làm những gì cần thiết để đạt được thỏa thuận thuế quan bằng không, nếu không người dân sẽ phải trả giá cho sự thất bại này”.