Gập ghềnh đường tới “miền đất hứa”

ANTĐ - Cựu nhân viên tình báo Mỹ Edward Snowden hiện vẫn bị “mắc kẹt” tại khu vực quá cảnh sân bay Sheremetyevo ở Matxcơva  (Nga). Mặc dù anh đã công bố kế hoạch nộp đơn xin tị nạn tạm thời tại Nga nhưng đích đến cuối cùng vẫn là  các nước Mỹ Latin. Thế nhưng, để tới được “miền đất hứa” xem ra không ít chông gai.

Chạy trốn bằng máy bay thương mại 

Khi chiếc máy bay của hãng hàng không Aeroflot cất cánh từ Matxcơva (Nga) thực hiện chuyến bay bất thường theo hướng nam tới Havana (Cuba) hôm 11-7, nó nhanh chóng gây ra đồn đoán rằng Edward 

Snowden có thể ở trên đó. Bình thường, lộ trình là bay vòng qua bán đảo Scandinavia và Greenland trước khi qua không phận Canada và Mỹ. Tuy nhiên, lần này chiếc phi cơ trên lại bay thẳng qua lục địa châu Âu, sau đó xuyên qua Đại Tây Dương. Một số báo cáo sau đó nói rằng chuyến bay này đã thay đổi lộ trình để tránh vùng nhiễu động không khí và cũng không có dấu hiệu của Snowden ở nơi đến là sân bay Havana.

Mặc dù vậy, các chuyên gia hàng không quốc tế cho rằng những phỏng đoán như vậy không phải không có căn cứ. Nhờ được bảo vệ bởi các quy định hàng không quốc tế, một chuyến bay thương mại có thể là lựa chọn tốt nhất cho Snowden để rời Nga đi tị nạn tại các nước Mỹ Latin, thay vì sử dụng chuyên cơ. Bởi các hãng hàng không thương mại có quyền tự do sử dụng không phận của các quốc gia, một quy định đã được thiết lập ổn định giúp cho giao thông hàng không toàn cầu vận hành một cách trơn tru. “Một trong những nguyên tắc của Công ước Chicago đó là các máy bay thương mại có quyền bay qua hoặc dừng lại tiếp nhiên liệu mà không phải xin phép nước sở tại”, luật sư hàng không Simon Phippard thuộc hãng luật Bird & Bird có trụ sở tại Anh cho biết.  

Trái với máy bay thương mại, các chuyên cơ, về mặt kỹ thuật, cần phải xin phép trước khi có thể bay vào không phận nước khác. Vụ căng thẳng ngoại giao mới đây giữa Bolivia và một số nước châu Âu là một ví dụ điển hình. Chính phủ Bolivia cáo buộc Mỹ đã can thiệp khiến chính quyền một số nước châu Âu trong đó có Tây Ban Nha ngăn không cho chuyên cơ chở Tổng thống Bolivia Evo Morales trên đường từ Nga về nước bay qua không phận của họ do nghi ngờ có Snowden trên máy bay. Sự cố đã gây ra cuộc khủng hoảng ngoại giao giữa các nước Mỹ Latin và châu Âu. Một cuộc họp khẩn cấp của các Tổng thống Nam Mỹ được tổ chức tại Bolivia đã thông qua tuyên bố lên án vụ việc. 

Thế nhưng, theo các luật gia  hàng không, về nguyên tắc, các nước châu Âu không sai bởi họ chỉ cần viện dẫn lý do chủ quyền là đủ để từ chối không cho chuyên cơ nước khác vào không phận. 

Bay qua không phận “không ưa” Mỹ

Mặc dù quy định hàng không quốc tế là vậy, nhưng bất kỳ chuyến bay nào chở theo Snowden bay qua không phận nước Mỹ hoặc các nước đồng minh của Mỹ đều có thể gặp rủi ro. Washington đã cảnh báo các nước rằng họ sẽ phải gánh chịu “hậu quả” nếu để Snowden đi qua mà không chặn bắt giao nộp cho chính quyền Mỹ. 

Do không có đường bay thẳng từ Nga tới Venezuela, Nicaragua và Bolivia (3 quốc gia Mỹ Latin đề nghị cho Snowden tị nạn), cho nên, tuyến bay Snowden có thể lựa chọn để tới các nước này là quá cảnh tại 

Havana (Cuba). Snowden cũng có thể chọn chuyến bay thương mại từ Matxcơva tới Tehran (Iran), từ đó tìm cách tới một nước châu Phi như Sudan hay Angola, những quốc gia đều “không ưa” Mỹ. Một lựa chọn khác cho Snowden là bay về hướng đông tới Thượng Hải, Bắc Kinh, rồi từ Trung Quốc bay qua Thái Bình Dương đến 

Caracas (Venezuela). Nhưng từ Trung Quốc không có tuyến nào bay thẳng đến Mỹ Latin mà không cần hạ cánh dọc đường. Đấy là chưa kể những hệ lụy về ngoại giao giữa Mỹ và Trung Quốc - điều mà Bắc Kinh hoàn toàn không muốn xảy ra. 

Thuê máy bay tư nhân

Snowden cũng có thể thuê một chuyến bay tư nhân và nó sẽ bay vòng qua Bắc cực rồi hướng về phía Nam qua Đại Tây Dương, tránh không phận Mỹ và các nước đồng minh. Một chuyến bay như vậy có thể dài tới 11.000km. Chiếc máy bay tư nhân bay được quãng đường xa nhất trên thế giới hiện nay là Gulfstream G550, với khả năng bay liên tục hơn 10.000km. Trong khi đó, số tiền để trả cho một chuyến bay tư nhân từ Matxcơva tới Caracas, ít nhất là 100.000 euro (129.000USD). Nhưng vấn đề là ai sẽ trả số tiền không nhỏ cho Snowden trốn chạy và anh sẽ làm cách nào để có được một chiếc máy bay đường dài như vậy? 

Ngoài máy bay, Snowden cũng có thể chọn phương tiện vận tải khác, dù không khả thi cho lắm. Đó là từ Matxcơva đi theo hướng bắc bằng tàu thủy hoặc tàu hỏa xuyên Siberia tới châu Á. Những chuyến đi như vậy thường có tốc độ chậm và dễ dàng bị Mỹ bắt giữ. Hơn nữa, nếu chọn phương án này, Snowden sẽ phải rời khu vực quá cảnh tại sân bay và chính thức đặt chân lên đất Nga, điều mà Nga muốn tránh. Một số nguồn tin tại Nga nói rằng, một chiếc ô tô của đại sứ quán nước ngoài sẽ giải quyết được vấn đề này vì Snowden lên xe của đại sứ quán sẽ không được coi là đặt chân lên lãnh thổ Nga. Phương án này mở ra cơ hội đi bằng đường bộ cho Snowden, nhưng điều quan trọng là nơi nào sẽ đồng ý cử xe đến đón anh là câu hỏi chưa có lời giải đáp.   

Hiện cả Snowden và chính quyền Nga đều không muốn lặp lại kịch bản của nhân vật trốn chạy người Iran Mehran Karimi Nasseri, người đã sống khoảng 18 năm tại sân bay Charles de Gaulle ở Paris (Pháp). Trải nghiệm của ông đã truyền cảm hứng cho bộ phim “The Terminal” do Steven Spielberg làm đạo diễn, với các diễn viên chính là Tom Hanks và Catherine Zeta-Jones.