Gánh thơ… hoạn lợn

ANTĐ - “Nhất kiêng đừng lấy chồng thi sĩ / Nghèo lắm con ơi, bạc lắm con…”

3 nhà thơ phố núi Văn Công Hùng, Hương Đình và Phạm Đức Long

Những tưởng khi đọc câu thơ chua chát của Nguyễn Bính nhiều người sẽ sợ mà tránh thơ, nhiều cô gái sẽ lẩn tránh các nhà thơ. Nhưng thực tế hình như ngược lại. Số lượng người làm thơ vẫn ngày càng tăng. Số lượng các cô gái mê nhà thơ không hề giảm.

 Đầu những năm 80 thế kỉ trước, sau khi tốt nghiệp đại học, Văn Công Hùng, Hương Đình và Phạm Đức Long hăm hở đeo ba lô lên Tây Nguyên lập nghiệp, người làm nhân viên Sở Văn hóa, người dạy toán ở trường Trung học Pleiku, người làm ở Chi cục Thú y Gia Lai-Kon Tum. Ba chàng ba nghề khác nhau, nhưng lại “ríu” vào nhau bởi thơ ca. Chiều nào họ cũng gặp nhau để đọc cho nhau nghe những vần thơ có cánh.

Rồi một ngày, đang cao hứng đọc thơ thì một người ngất xỉu vì… đói quá! Đến lúc này các chàng mới phát hiện ra một chân lí: Thơ không thể đọc trong khi bụng rỗng. Thế thì phải nghĩ kế. Ba cái đầu ăm ắp thơ thẩn chụm vào nhau bàn bạc, và một ý tưởng lóe lên: Thành lập một gánh… hoạn lợn rong. Theo đó, Phạm Đức Long là kĩ sư chăn nuôi sẽ đảm nhiệm vai trò “bác sĩ mổ chính”, còn hai cử nhân văn và toán chỉ việc… giữ chân lợn mà thôi.

Hoạn lợn là cách gọi của người miền Bắc, còn dân miền Nam gọi là thiến heo. Ngày ấy nhà nhà nuôi heo nên có rất nhiều thợ thiến heo hành nghề. Nhưng bà con rất mến mộ “Gánh thiến heo nhà thơ”,  bởi họ khoái ba chàng mặt mũi thư sinh, nói năng nhỏ nhẹ lễ phép có cách thiến heo bài bản là sát trùng bằng cồn, tiêm thuốc gây tê xong mới mổ, nhoáng một cái đã xong, sau khi khâu lại chống nhiễm trùng vết mổ bằng thuốc đỏ, thả vào chuồng một lúc là con heo đã lại ăn chơi ngoăn ngoẳn.

“Gánh thiến heo nhà thơ” ấy hành nghề rất tài tử, mỗi chiều chỉ thiến đúng 5 con, đủ tiền mua một chai rượu đế và vài gói lạc là dừng để về… đọc thơ.

Nhưng rồi một buổi kia, khi ba chàng đang lúi húi “mổ” ca đầu tiên thì bất ngờ có một giọng chào con gái cất lên trong veo: Em chào thầy ạ! Ba chàng ngẩng lên và… đần người, ước gì có thể độn thổ ngay tức khắc.

Thì ra các chàng đã vào đúng nhà cô học trò của Hương Đình. Bố cô bé thấy vậy lúng túng một hồi rồi cuống quít: “Thôi thôi thôi… Mời các thầy rửa tay vào uống trà”.

Đó là buổi chiều buồn nhất của ba chàng thi sĩ. Bên ly rượu suông, các chàng ngồi im lìm. Mãi sau Phạm Đức Long buồn rầu đọc những câu thơ thấm thía: “Khoảng trời lá thông bạn tôi vẫn đói nghèo/thương nhau tránh cái nhìn cùng quẫn/thương nhau giữ tròn lẽ sống/giữa trắng đen hư thực thăng trầm…”.  Nghe xong, cả ba lại ngồi cúi lặng. Gần nửa đêm Hương Đình mới ngẩng lên thẫn thờ tuyên bố: Giải tán gánh hoạn lợn.

Nghe thế Văn Công Hùng bèn rụt rè đề nghị: Hay là… mình “hoạn” thêm một thời gian?

Hai chàng kia nghe thế thì vô cùng ngạc nhiên. Chả lẽ cái nhục chiều nay chưa đủ để “đóng gánh” hay sao?  

Phải ấp úng mãi Văn Công Hùng mới trình bày được rằng: Có một cô gái mê thơ tôi. Không chỉ mê thơ mà còn yêu tác giả. Không phải yêu một cách lãng mạn, mà yêu rất thực tế, tức là… dám lấy tôi! Nàng đòi phải cưới ngay. Mà tôi thì làm gì có tiền làm đám cưới…

Hiểu tình cảnh bạn, “Gánh thiến heo nhà thơ” tiếp tục rong ruổi thêm một thời gian nữa để kiếm tiền làm đám cưới cho Văn Công Hùng, chỉ khác là gánh phải đi xa địa bàn thị xã Pleiku để tránh những cuộc gặp gỡ không mong muốn.

Thời bao cấp, đám cưới công chức hầu hết tổ chức theo nếp sống mới, chỉ có trà, thuốc lá và bánh kẹo. Nhưng trong đám cưới của mình chú rể Văn Công Hùng đã ngỏ một lời mời rất… dễ thương: Mời tất cả dùng tiệc mặn. Minh họa cho lời mời, từ nhà bếp cơ quan mùi xào nấu bốc lên thơm quặn ruột. 

Cái gọi là tiệc mặn thực chất chỉ có 2 cân thịt bò xào với rau muống tỏi. Thịt quá ít, những người làm bếp đã đơm rau muống ra đĩa trước rồi mới gắp thịt “lợp” một lớp mỏng lên trên cho… đẹp. Xong xuôi, họ lấy báo đậy những mâm cỗ lại rồi kéo nhau lên hội trường… đọc thơ.

Đến giờ, bạn bè háo hức ngồi vào mâm chờ đợi bữa tiệc mặn hiếm hoi thì bỗng thấy Văn Công Hùng tái dại mặt mày đi từ nhà bếp ra. Mọi người chạy xuống bếp và… chết đứng. Trên bàn ăn chỉ có những đĩa rau xào xanh lét, còn thịt thì đã bay hơi không dấu vết.

Mọi người thầm thì, xì xào. Hàng trăm ánh mắt nghi hoặc xoáy vào chú rể khiến Văn Công Hùng không biết thanh minh làm sao.

Đêm đó, cặp vợ chồng trẻ không còn bụng dạ nào mà động phòng hoa chúc, chỉ  nằm ôm nhau khóc ê chề. Đã thế lũ chuột trên trần đêm ấy lại như muốn trêu ngươi, cứ đuổi nhau rầm rập rồi kêu chí chóe. Quái lạ, bọn này từ trước tới nay đói dài răng, yếu đến nỗi gặp người cũng không thèm chạy cơ mà, sao hôm nay lại rửng mỡ đột xuất như thế? Bực bội, tân lang Văn Công Hùng bèn vùng dậy bật đèn. Và chàng bỗng chết đứng trong đêm khi nhìn thấy hai con chuột to bằng bắp tay đang tình tứ mớm cho nhau những miếng… thịt bò!

Thời gian đã trôi qua hơn ba mươi năm. Ba chàng nhà thơ trong bài viết này hiện đều là những nhà thơ có tiếng ở Tây Nguyên. Nhà thơ Văn Công Hùng đang là Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Gia Lai; Nhà thơ Hương Đình là Phó Giám đốc Sở Giáo dục Đào tạo, còn nhà thơ Phạm Đức Long là Giám đốc Chi cục Thú y. Tất nhiên đời sống của họ đã khá lên rất nhiều nhưng mỗi lần gặp nhau là lại mang câu chuyện trên ra kể. Vừa kể vừa cười nhưng mắt ai cũng rân rấn nước. Và bao giờ kể xong họ cũng lại ngơ ngác hỏi nhau: Sao hồi ấy khổ thế mà mình vẫn không bỏ thơ nhỉ?