Gánh nặng ủy thác

ANTĐ - Trái ngược với dự đoán về một cuộc cạnh tranh quyết liệt, tổng tuyển cử ở Singapore đã kết thúc với thắng lợi tuyệt đối của Đảng Hành động nhân dân (PAP) cầm quyền.

Gánh nặng ủy thác ảnh 1Thủ tướng Lý Hiển Long ăn mừng chiến thắng

Kết quả kiểm phiếu cuối cùng cho thấy, Đảng PAP của đương kim Thủ tướng Lý Hiển Long đứng đầu với 69,9% phiếu bầu, cao hơn mức 60,1% thu được trong đợt bầu cử năm 2011. Như vậy, Đảng cầm quyền sẽ có 83 đại diện trong tổng số 89 ghế tại Quốc hội, đồng nghĩa với việc sẽ có quyền quyết định thành lập chính phủ mới. Đảng đối lập chính - Đảng Người lao động đề ra mục tiêu có 20 đại diện nhưng cuối cùng chỉ được 6 ghế, ít hơn kỳ bầu cử trước 1 ghế.

Đây là cuộc tổng tuyển cử đầu tiên được tổ chức sau khi ông Lý Quang Diệu, người sáng lập PAP và là cha của Thủ tướng đương nhiệm Lý Hiển Long, qua đời. Đây cũng là lần đầu tiên các ứng viên tham gia tranh cử tại tất cả các khu vực, tạo ra thách thức thực sự với PAP, chính Đảng đã lãnh đạo Singapore suốt nửa thế kỷ qua, kể từ khi nước này giành độc lập năm 1965. 

Được giới quan sát quốc tế đánh giá là kỳ bầu cử quan trọng nhất với đảo quốc sư tử trong 50 năm qua, cuộc tổng tuyển cử lần này diễn ra vào thời điểm bước ngoặt, khi Singapore đứng trước hàng loạt thách thức nghiêm trọng. Không phải ngẫu nhiên mà Thủ tướng Lý Hiển Long cho rằng, ông cần “sự ủy thác mới, rõ ràng” để đưa đất nước tiến về phía trước.

Kết quả cuộc bầu cử một lần nữa cho thấy, người dân tiếp tục đặt niềm tin vào PAP và Thủ tướng Lý Hiển Long. Xem ra, trước những lo ngại về bất ổn kinh tế và an ninh khu vực, đa số người dân Singapore vẫn lựa chọn giải pháp an toàn. Uy tín rộng khắp cũng như thành tích đưa Singapore vươn lên thành một trong những nền kinh tế tiên tiến thế giới đã đem về chiến thắng cho PAP. Tuy nhiên, điều đó không đồng nghĩa với mọi thách thức đã qua.

Người dân Singapore nắm được những con số thống kê cho thấy, sản xuất công nghiệp của nước này đã giảm 6,1% trong tháng 7 so với cùng kỳ năm ngoái, còn tháng 6 là 4%. Với nhiều người dân Singapore, dù góp phần thúc đẩy kinh tế Singapore, nhưng chính sách nhập cư của PAP đã làm tăng dân số nước này từ 4,4 triệu người năm 2006 lên 5,5 triệu người năm 2014, gây áp lực lên hệ thống cơ sở hạ tầng, khiến người dân trong nước phải cạnh tranh gay gắt việc làm với người nước ngoài khi tỷ lệ thất nghiệp vẫn là 2%.

Bức xúc thứ hai là vấn đề lương hưu và nhà ở. Quỹ an sinh (CPF) là hệ thống tài chính giúp người lao động Singapore đóng góp các khoản tiết kiệm căn cứ trên độ tuổi và mức thu nhập có hưởng lãi hàng năm. Tuy nhiên, mức quy định người dân khi tới 55 tuổi phải có tài khoản CPF tối thiểu 113.000 USD đang gây áp lực với người thu nhập thấp. Các đảng đối lập cũng công kích về giá bán căn hộ ở Singapore quá cao so với khả năng chi trả của lao động nghèo.

Giao thông công cộng cũng là vấn đề nóng. Với 5,5 triệu dân chen chúc trên diện tích 720 km2, mật độ dân số Singapore thuộc loại đông nhất thế giới, chỉ sau Monaco. Thực tế cho thấy dân số đông đang gây áp lực lớn cho hạ tầng giao thông. Những năm qua đã xảy ra một số sự cố nghiêm trọng với hệ thống tàu điện ngầm, ảnh hưởng tới chất lượng sống của Singapore.

Chiến thắng đến với PAP, ngoài hào quang quá khứ còn nhờ Chính phủ đã kịp thời đánh giá lại những chính sách cơ bản như y tế, việc làm và nhà ở. Chương trình bảo hiểm y tế cho người cao tuổi trị giá hàng tỷ USD, các biện pháp hạ nhiệt thị trường bất động sản và kiềm chế dòng chảy lao động nước ngoài của Chính phủ đã gây được thiện cảm trong dân chúng. Nhưng để xứng với sự ủy thác của người dân như mong muốn của Thủ tướng Lý Hiển Long, phía trước còn cả chặng đường dài chông gai.