Gánh nặng của tân Tổng thư ký LHQ

ANTD.VN - Vượt qua 13 ứng cử viên nặng ký, cựu Thủ tướng Bồ Đào Nha A. Guterres đã được Đại hội đồng Liên hợp quốc phê chuẩn làm Tổng thư ký LHQ - tổ chức đa phương lớn nhất hành tinh, thay cho ông Ban Ki-moon sẽ mãn nhiệm vào cuối năm nay. 

Gánh nặng của tân Tổng thư ký LHQ ảnh 1Ông A. Guterres (thứ 3 từ phải sang) trong một lần đến thăm trại của người tị nạn trên đảo Aegean, Hy Lạp

Ra đời ngày 24-10-1945, LHQ phản ánh nguyện vọng cháy bỏng của các dân tộc mới trải qua những mất mát chưa từng có trong chiến tranh thế giới thứ hai - đó là ngăn ngừa một cuộc chiến tranh thế giới mới. Hơn 70 năm qua, LHQ đã thực hiện được sứ mệnh của mình. Không những thế, theo thống kê, tổ chức này đã hỗ trợ các cuộc thương lượng đưa đến giải pháp hòa bình cho hơn 170 cuộc xung đột ở các khu vực trên khắp thế giới.

Là một trong sáu cơ quan chủ chốt của hệ thống LHQ, Ban thư ký với người đứng đầu là Tổng thư ký LHQ có nhiệm vụ cung cấp thông tin, thực hiện các nghiên cứu và hỗ trợ các cơ quan khác nhau của LHQ tổ chức các cuộc họp. Ngoài ra, Ban Thư ký còn thực hiện các công việc được giao bởi Đại hội đồng, Hội đồng bảo an, Hội đồng kinh tế và xã hội, cùng các cơ quan khác.

Người giữ chiếc ghế Tổng thư ký LHQ có nhiệm vụ giải quyết các tranh chấp quốc tế, giám sát các hoạt động gìn giữ hòa bình, tổ chức các hội nghị quốc tế, thu thập tin tức về việc thực hiện các quyết định của Hội đồng bảo an, tư vấn cho các chính phủ về nhiều sáng kiến. Tổng thư ký cũng có thể đưa ra cuộc họp của Hội đồng bảo an LHQ bất kỳ vấn đề gì mà ông/bà ta nghĩ có thể đe dọa đến an ninh và hòa bình thế giới.

Từng là Thủ tướng Bồ Đào Nha, ông A. Guterres hội tụ đầy đủ các yếu tố cho người đứng đầu cơ quan siêu quyền lực toàn cầu này. Năm nay 67 tuổi, ông A. Guterres tốt nghiệp ngành kỹ sư Vật lý và thông thạo 4 thứ tiếng: Bồ Đào Nha, Anh, Tây Ban Nha, Pháp. Ông gia nhập đảng Xã hội năm 1974 và được bầu làm Tổng thư ký của đảng này năm 1992. Trong giai đoạn giữ chức Thủ tướng Bồ Đào Nha từ năm 1995-2002, ông       A. Guterres được đánh giá có nhiều đóng góp vào công cuộc cải tổ hệ thống tài chính của Bồ Đào Nha. 

Sau khi đảng Xã hội thất bại trong cuộc bầu cử địa phương vào cuối năm 2001, ông quyết định từ chức vào năm 2002 và khẳng định sẽ dừng sự nghiệp chính trị trong nước để tập trung cho sự nghiệp ngoại giao ở nước ngoài. Ba năm sau đó, ông trở thành người phụ trách Cao ủy LHQ về người tị nạn (UNHCR). Trong suốt một thập kỷ giữ cương vị này, ông được ghi nhận là đã có nhiều nỗ lực không mệt mỏi giúp đỡ những người phải rời bỏ nhà cửa để chạy trốn xung đột, nghèo đói và thiên tai.

Với những phẩm chất chính trị cùng kinh nghiệm hoạt động chính trị, ông A. Guterres đang được dư luận hy vọng chèo lái LHQ trong bối cảnh tổ chức này đang phải đối phó với những thách thức của một thế giới đang mất an ninh và đầy bất ổn. Bản thân ông A. Guterres cũng khẳng định sẽ phụng sự tất cả các quốc gia thành viên LHQ bằng thái độ công tâm, dựa trên những nguyên tắc đã được nêu rõ trong Hiến chương LHQ. 

Thế nhưng, thực tế tồn tại của LHQ hơn 70 năm qua cho thấy chèo lái LHQ không phải là điều dễ dàng. Chính vì thế mà không có gì ngạc nhiên khi ngay sau khi được bầu, ông A. Guterres khẳng định mình nhận thức rõ những thách thức mà LHQ đang phải đương đầu cũng như những hạn chế đối với quyền hạn của Tổng thư ký. Vì thế, ông A. Guterres cho rằng một mình ông không thể đưa ra tất cả các câu trả lời, không thể áp đặt quan điểm của mình, mà thay vào đó cần phải đóng vai trò là người điều phối, tập hợp, gây dựng cầu nối và là người môi giới trung thực để giúp tìm ra những giải pháp có lợi cho tất cả các bên liên quan. Nhiều thách thức đang đợi ông A. Guterres phía trước.