Gắn trách nhiệm cơ sở

ANTĐ - Đảm bảo TTGT - ĐT, nhiều năm qua luôn là vấn đề được Trung ương và những thành phố lớn, trong đó có Hà Nội hết sức quan tâm. Năm 1995, Nghị định 36 được Chính phủ ban hành, trong đó nhấn mạnh nội dung trọng tâm về lĩnh vực này. Năm 2002, Nghị quyết 13 của Chính phủ đi vào đời sống, với tiêu chí số 1 được xác định là giảm tai nạn và ùn tắc giao thông. Năm 2008, UBND TP Hà Nội ban hành cùng lúc hai quyết định số 02 và 20, cũng chú trọng vấn đề đảm bảo trật tự vỉa hè.

Những “cây gậy pháp lý” đủ mạnh đã có, nhưng phải thừa nhận đến thời điểm này ở Hà Nội, để “giữ” được vỉa hè, đảm bảo TTGT - ĐT, vẫn hết sức nan giải. Trông xe máy - xe đạp không phép, sai phép; hàng quán lấn chiếm vỉa hè, “đẩy” người đi bộ xuống lòng đường; chợ “cóc”, hàng rong tấp nập trên những tuyến phố có các bệnh viện, công sở… Sau 17h, những biểu hiện chiếm dụng, vi phạm TTGT - ĐT trên vỉa hè diễn ra công khai, có hệ thống hơn, kéo dài đến khuya. Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Tây Hồ, Đống Đa… chỉ cần cán bộ chức năng chịu khó đảo qua mấy quận này, sẽ không khó để nắm trong tay danh sách những trọng điểm về… vi phạm TTGT - ĐT.

Vì cuộc sống, vì gánh nặng cơm áo - mưu sinh nên người dân phải “nhảy” ra đường! Lý luận ấy được đưa ra biện hộ lâu nay, nhưng quả thực chưa bao giờ nó được xem là có lý. Hệ lụy mà sự văn minh của đô thị Hà Nội, nét thanh lịch của người Tràng An, trật tự trên những tuyến đường phố, hay trực quan nhất, những bất ổn về vệ sinh an toàn - thực phẩm… do những dịch vụ trên vỉa hè đã và đang gây ra, là rất lớn. 

Những chủ trương, biện pháp để lập lại TTGT - ĐT đã được quán triệt từ Trung ương đến các đô thị, trong đó có Hà Nội. Điều đó đồng nghĩa với việc, người dân đô thị phải có trách nhiệm nắm bắt và thực hiện nghiêm túc, vì thành phố. Thế nhưng, việc nắm bắt và thực hiện ấy lâu nay rất yếu. Nó có “lỗi” của cấp phường, xã, thị trấn, trong công tác tuyên truyền và xử lý. Vi phạm về TTGT - ĐT không như “con sâu, cái kiến”, lén lút, thậm thụt. Nó diễn ra công khai, có hệ thống và trên phạm vi rộng. Đừng nói chế tài thiếu; đừng đổ cho nhân lực thiếu. Cái thiếu và cái yếu ở đây chính là thiếu trách nhiệm, yếu quyết tâm. Không ai khác, cấp cơ sở phải nhìn được sự thiếu và yếu này. Câu chuyện - những phức tạp về TTGT - ĐT, cần phải được nhìn nhận nguyên nhân chính là từ cấp cơ sở, do buông lỏng, do thiếu trách nhiệm, thậm chí cả “bật đèn xanh” cho những vi phạm. Nhìn nhận và xử lý trách nhiệm của người đứng đầu cấp cơ sở, có lẽ, TTGT - ĐT sẽ tốt hơn!