- Lợi nhuận ngân hàng 2024: Big4 báo lãi 5 tỷ đô, khối tư nhân vẫn có ngân hàng thua lỗ
- Các ngân hàng đã bơm ra nền kinh tế hơn 2,1 triệu tỷ đồng trong năm 2024
- Các ngân hàng dự báo lãi suất sẽ tăng khoảng 0,2-0,3% trong năm 2025
Lãi suất cao nhất lên đến 9%
Chỉ tính riêng từ đầu năm, đã có 7 ngân hàng điều chỉnh tăng lãi suất tiền gửi, trong đó, thay vì chỉ tăng ở các kỳ hạn ngắn như trước đây, một số ngân hàng đã tăng lãi suất tiền gửi từ 12 tháng trở lên.
Có thể kể đến các nhà băng như: Agribank, Eximbank, Bac A Bank, NCB, KienlongBank, VietBank, MBV… Thậm chí một số ngân hàng như KienlongBank và Eximbank tăng lãi suất liên tiếp 2 lần trong chưa đầy 1 tháng.
Theo đó, lãi suất cao nhất tại Eximbank lên tới 6,5% - 6,8%/năm cho các khoản tiền gửi có kỳ hạn từ 15 đến 34 tháng với điều kiện là khách hàng mở mới sổ tiết kiệm và không tất toán trước hạn. Với tiền gửi thông thường, lãi suất cao nhất tại nhà băng này là 5,8%/năm áp dụng cho kỳ hạn 24 tháng.
Đặc biệt, nhiều ngân hàng đã tung ra các gói lãi suất cao từ 7% đến 9,5%/năm, tuy nhiên, các mức lãi suất này đi kèm với các điều kiện về giá trị khoản tiền gửi khá cao.
Chẳng hạn, HDBank áp dụng mức lãi suất 8,1%/năm cho kỳ hạn 13 tháng và 7,7%/năm cho kỳ hạn 12 tháng, nhưng yêu cầu số dư tối thiểu lên đến 300 tỷ đồng. Nhà băng này trả lãi suất 6% cho kỳ hạn 15 tháng và 6,1% cho kỳ hạn 18 tháng đối với khoản tiền gửi thông thường.
Tương tự, MSB cũng cung cấp mức lãi suất 8%/năm cho kỳ hạn 13 tháng và 7%/năm cho kỳ hạn 12 tháng với khoản tiền gửi từ 500 tỷ đồng trở lên.
DongA Bank cũng trả lãi 7,5%/năm dành cho khách hàng gửi tiết kiệm ở kỳ hạn 13 tháng trở lên, số tiền gửi từ 200 tỷ đồng. Nhà băng này cũng áp dụng lãi suất cao nhất là 6,1% đối với kỳ hạn 24 tháng với tiền gửi thông thường.
Thậm chí, PVCombank còn đang trả lãi suất lên đến 9%/năm, cao nhất thị trường. Tuy nhiên, điều kiện để hưởng mức lãi suất này, khách hàng phải mở mới sổ tiết kiệm tại PVCombank số tiền 2.000 tỷ đồng trở lên, với kỳ hạn 13 tháng.
Trong khi đó, đối với khoản tiền gửi tiết kiệm thông thường, PVCombank chỉ áp dụng lãi suất cao nhất ở mức 5,3%/năm với tiền gửi tại quầy và 5,8%/năm với tiền gửi online, kỳ hạn áp dụng mức lãi suất trên là từ 15 tháng trở lên.
Nhiều ngân hàng tiếp tục tăng lãi suất dịp cận Tết |
Đối với khoản tiền gửi thông thường, cận Tết Nguyên đán, nhiều ngân hàng niêm yết mức lãi suất cao từ 6%/năm. Thậm chí, một số ngân hàng còn tung ưu đãi cộng thêm lãi suất cho khách gửi.
Đơn cử như ngân hàng BVBank áp dụng chính sách cộng thêm 0,6%/năm lãi suất cho khách hàng mới gửi tiết kiệm online. Sau áp dụng, khách hàng được hưởng lãi suất tiền gửi cao nhất lên tới 7%/năm cho kỳ hạn từ 18-24 tháng.
Với các kỳ hạn khác, BVBank cũng áp dụng mức lãi tương đối tốt. Cụ thể, kỳ hạn 9 tháng là 6,3%/năm; kỳ hạn 10 tháng là 6,1%/năm; 11 tháng là 6,2%/năm và kỳ hạn 12 - 15 tháng lần lượt là 6,6%/năm và 6,8%/năm.
Có sự chênh lệch giữa các ngân hàng
Theo khảo sát của phóng viên, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1 – 3 tháng dao động quanh 1,6 – 2,5 %/năm ở các ngân hàng quốc doanh (Agribank, BIDV, VietinBank, Vietcombank), trong khi có thể lên tới 4,5%/năm ở nhóm ngân hàng tư nhân.
Cụ thể, Eximbank hiện dẫn đầu ở kỳ hạn này với lãi suất cao nhất, đạt 4,5 – 4,75%/năm, áp dụng cho khách hàng gửi tiền trong 2 ngày cuối tuần. Mức lãi suất cao còn xuất hiện đối với gửi tiền trực tuyến ở các ngân hàng như: MBV, KienlongBank 4,3%/năm; Bac A Bank, OCB 4,0%/năm…
Tại kỳ hạn 6 tháng, trong khi các ngân hàng big4 quanh 3,5%/năm thì các ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân cao hơn rất nhiều. Có thể kể đến CBBank niêm yết lãi suất lên đến 5,85%/năm; ngay sau là KienlongBank 5,8%/năm; Bac A Bank 5,55%/năm; MBV và NCB 5,5%/năm.
Đối với kỳ hạn 12 tháng, lãi suất tại các ngân hàng thương mại Nhà nước chỉ quanh 4,7%/năm. Trong khi tại một số ngân hàng như MBV và GPBank lãi suất lên đến 6%/năm; Bac A Bank 5,8%/năm; CBBank 6,0%/năm…
Tiền gửi các kỳ hạn từ 13 tháng trở lên, nhiều ngân hàng áp dụng các chính sách lãi suất đặc biệt, kéo lãi suất lên tới 6,6 – 9%/năm tùy từng đối tượng khách hàng và số tiền gửi. Tuy nhiên, mặt bằng lãi suất phổ thông ở khối này dao động trong khoảng 5,8 – 6,2%/năm. Còn 4 ngân hàng có vốn Nhà nước chỉ ở mức không quá 4,7%/năm.
Trên thực tế, lãi suất huy động vẫn thường tăng vào dịp cuối năm cũ, đầu năm mới theo yếu tố mùa vụ. Trong năm nay, chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng tăng nhẹ hơn so với năm trước ở mức 16%, do đó, các chuyên gia nhận định các ngân hàng sẽ phải tích cực huy động vốn hơn. Mặt bằng lãi suất huy động theo đó sẽ nhích tăng.
Trong khảo sát mới đây của Ngân hàng Nhà nước, các tổ chức tín dụng dự báo lãi suất huy động và cho vay sẽ tăng khoảng 0,2-0,3% trong năm 2025.