Gần Tết, cẩn thận vào viện vì liên cầu lợn

ANTĐ - Mùa cưới hỏi, Tết Nguyên đán, lễ hội đầu năm đang đến với những bữa tiệc dồn dập, kéo theo đó là nguy cơ hàng loạt dịch bệnh do gia súc, gia cầm không an toàn gây nên. Trong đó, một bệnh vô cùng nguy hiểm xuất phát từ thói quen ăn tiết canh và thịt sống của nhiều người, đó là bệnh liên cầu khuẩn luôn có xu hướng tăng mạnh vào cuối năm.
Gần Tết, cẩn thận vào viện vì liên cầu lợn ảnh 1

Giữa tháng 11-2015, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương đã tiếp nhận 2 bệnh nhân ở Ba Vì mắc liên cầu khuẩn lợn, nhập viện trong tình trạng rất nguy kịch, toàn thân nổi ban hoại tử. Bệnh nhân được chẩn đoán nhiễm trùng huyết có sốc nhiễm trùng nặng, suy gan, suy thận và chảy máu dạ dày, phải đặt máy thở, dùng thuốc vận mạch, trợ tim và lọc máu. Bệnh nhân T. (32 tuổi, Ba Vì, Hà Nội) dù đã được điều trị tích cực nhưng đến nay tình trạng bệnh nhân vẫn hết sức nguy kịch, chưa thể tiên lượng được tình hình. Người nhà cho biết, trước đó anh T. cùng một nhóm bạn đã ăn thịt một con lợn sữa chết bởi cho rằng có thể lợn con chết do lợn mẹ đè phải. 

Thống kê của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) thì tính đến tháng 11-2015, cả nước đã có 82 ca mắc mới bệnh liên cầu khuẩn lợn, trong đó có 10 ca tử vong. Riêng từ tháng 8 đến tháng 10-2015, cả nước đã có 5 ca tử vong, trong tổng số 32 ca mắc mới bệnh liên cầu khuẩn lợn. Riêng tại Hà Nội, từ đầu năm đến nay, đã có 17 trường hợp mắc liên cầu khuẩn lợn, 2 trong số đó đã tử vong là bệnh nhân ở Mỹ Đức và Hà Đông. Khoảng 70% trong số bệnh nhân mắc liên cầu khuẩn lợn là do ăn tiết canh. Các ca mắc còn lại do ăn nem chạo sống, do tiếp xúc, giết mổ lợn bệnh. 

Theo Cục Y tế Dự phòng, bệnh liên cầu khuẩn lây từ lợn bệnh sang người, không thành dịch nhưng bệnh này chủ yếu xảy ra vào mùa đông - xuân vì cuối năm, rất nhiều đám cưới hỏi, Tết, lễ hội. Bệnh liên cầu lợn ở người là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính lây truyền từ động vật sang người, chủ yếu từ lợn. Người bị bệnh có biểu hiện đa dạng nhưng hay gặp nhất là 2 thể viêm màng não và sốc nhiễm khuẩn.

Bệnh thường để lại biến chứng nặng và có thể tiến triển nhanh thành suy đa phủ tạng dẫn đến tử vong (7% bệnh nhân tử vong). Trong trường hợp bệnh nhân được cứu sống, tỷ lệ di chứng cũng rất cao, khoảng 40% bệnh nhân nhiễm liên cầu khuẩn lợn có biểu hiện giảm thính lực, thậm chí điếc vĩnh viễn. Người mắc liên cầu khuẩn thường có thời gian ủ bệnh ngắn, chỉ từ vài giờ đến 3 ngày. Khi sốt cao (40-41 độ C), bệnh nhân xuất hiện các mảng xuất huyết hoại tử dưới da, tiêu chảy, cứng cổ... có thể khó thở.

Bác sĩ Ngô Văn Tuyến, Phòng Kiểm soát bệnh truyền nhiễm (Cục Y tế Dự phòng) cho biết: Nhiều người quan niệm lợn gia đình nuôi, không ăn chất tăng trọng là thịt lợn sạch, có thể ăn tiết canh. Nhưng thực tế, bất kể giống lợn nào, nuôi nấng ra sao thì vẫn có một tỷ lệ nhất định mang vi khuẩn liên cầu. Bởi thông thường, vi khuẩn liên cầu thường cư trú ở vùng họng con lợn mà không gây bệnh (lợn lành mang trùng) và chỉ gây bệnh ở những con lợn yếu. Với lợn nhiễm liên cầu khuẩn, trong máu và thịt lợn sẽ chứa một lượng lớn vi khuẩn.

Vì vậy, cách tốt nhất để phòng tránh bệnh liên cầu khuẩn là tránh xa các món tiết canh, thức ăn chế biến từ thịt lợn chưa nấu chín. Trong chăn nuôi, giết mổ cũng cần bảo hộ đặc biệt cẩn trọng vì vi khuẩn liên cầu rất dễ lây nếu tiếp xúc với vùng da bị thương.