Gắn máy quay phát hiện mẹ mình bị y tá hành hạ

ANTĐ - Vì công việc bận rộn nên không thể tự chăm sóc mẹ mình, cô Jane Worroll đã gửi bà đến một trung tâm chăm sóc người già yếu ở Kentish Town, London, Anh.

Sự việc diễn ra tưởng như êm ả hơn một năm nay, nhưng cô Jane vẫn lo lắng trong lòng khi thấy tình trạng bệnh của mẹ mình không khả quan hơn, thậm chí là tồi tệ đi khi mẹ cô không ngủ, không nói chuyện, tỏ ra sợ sệt mỗi khi nhìn thấy nhân viên y tế đi vào phòng.

Gửi mẹ mình vào nơi được đánh giá là “tuyệt vời”

Khi bà Maria ở tuổi 80 và với căn bệnh Alzheimer, Jane đã tham khảo mô hình y tế tư nhân được gọi là “nhà chăm sóc”, với những người bệnh tật và già yếu như mẹ cô thì dường như đó là sự lựa chọn hợp lý, bởi nhân viên y tế ở đó được coi là những người giàu kinh nghiệm, tốt bụng. Không gian, phòng ốc luôn sạch sẽ và thoáng mát.

Thậm chí Ủy ban chăm sóc chất lượng của nước Anh còn đánh giá Ash Court Care Home ở mục “tuyệt vời”.

Những hình ảnh gây sốc được cắt ra từ chiếc máy quay

Với những quảng cáo ấn tượng trên, cô Jane đã đưa mẹ mình vào đó với hi vọng bà được chăm sóc tốt hơn vì cô đang mang thai và phải đi làm.

Vài tuần đầu khi đến thăm mẹ, Jane phát hiện trên cánh tay bà Maria có những vết thâm, đầu gối thì hơi sưng. Hỏi người quản lý thì họ lập tức trấn an cô: “Đừng lo lắng, do phải dùng thuốc đặc trị nên có những tác dụng phụ như tụ máu tạo thành những vết thâm thôi. Mẹ cô rất ổn!”.

Sự thật sau chiếc máy quay

Mối lo ngại cũng như càng nhiều thắc mắc không được giải đáp hợp lý khiến cho Jane lo sợ, mẹ cô đã quá yếu, bà lại mắc bệnh mất trí nhớ ở tuổi già, sẽ có rất nhiều việc bà không thể nói với con gái mình.

Nhưng có một điều mà cô biết rằng mỗi khi nhìn thấy nhân viên y tế tiến lại gần, bà Maria đều hoảng sợ và kêu lên “Chúa ơi ! chúa ơi!”.

Quyết định tìm hiểu xem thực ra mẹ mình bị đối xử như thế nào, Jane đã tìm mua một chiếc máy quay dạng siêu nhỏ, gắn vào chiếc đồng hồ báo thức.

Jane kể lại rằng, khi cô đem cái thẻ nhớ từ máy quay về nhà, cô đã không thể tin vào mắt mình khi thấy mẹ mình bị hai y tá nữ lôi xềnh xệch, khi tắm rửa cho bà họ không hề nhẹ tay, rồi dùng những lời lẽ thô tục để mắng chửi bà vì nghĩ bà không biết gì.

Cô rất sốc và đau đớn nhưng cố chịu đựng thêm một đêm nữa để hi vọng rằng có đủ chứng cớ để kiện trung tâm này.

Và cơn ác mộng thực sự đã đến khi Jane ngồi trước màn hình, chứng kiến cảnh mẹ già của mình bị lạm dụng và bị đánh đập bởi một nhân viên nam.

Cô Jane đã đón mẹ mình ra khỏi nơi mà cô gọi là "địa ngục"

Jane kể lại: “Tôi choáng váng khi nhận thấy lúc đó là nửa đêm, Jonathan (tên nam nhân viên) vào phòng mẹ tôi, mà tôi biết tôi yêu cầu người chăm sóc mẹ tôi là phụ nữ, không phải là đàn ông. Rồi hắn ta kéo quần áo mẹ tôi một cách thô bạo, hắn đã lạm dụng một người phụ nữ không biết gì. Tôi đau đớn nhận thấy mẹ tôi vừa khóc vừa kêu lên”.

Những bức ảnh được cắt ra từ đoạn video cho thấy Jonathan Aquino đã tát vào mặt người phụ nữ bệnh tật không chút thương tiếc.

Nỗi lo lắng chung của cả cộng đồng

Sau khi bị kiện lên tòa, tên nhân viên độc ác kia đã bị kết án 30 tháng tù giam. Jane cho rằng điều đó không thỏa đáng với những tội lỗi mà hắn gây ra.

Jonanthan được cho là có tài “diễn xuất” khi thường ngày, trong mắt mọi người hắn được coi là một người đàn ông tốt bụng, hòa nhã, không nề hà bất cứ việc gì trong trung tâm.

Chỉ đến khi những hình ảnh kia được công bố, những người dân nước Anh mới thực sự hoảng sợ. Họ không biết rằng đằng sau những trung tâm như vậy, lại tồn tại sự thật kinh hoàng như thế.

Nếu không có một sự tận tâm, không có lòng thương người thì bản thân họ không dám đưa bố mẹ- ông bà mình tới đó.

“Nhà chăm sóc” hay viện dưỡng lão đều là mô hình vì cộng đồng mà không chỉ nước Anh mà cả thế giới đều quan tâm. Nhưng với những sự việc sảy ra như vậy, thì nó không khác gì cơn ác mộng kinh hoàng.