Gắn kết thành một khối

ANTĐ - Không còn là lời cảnh báo, hàng hóa Thái Lan với đủ chủng loại mặt hàng đã “đánh” thẳng vào các siêu thị, trung tâm thương mại ở TP.HCM và Hà Nội. Hàng Thái không chỉ giành giật thị phần hàng hóa sản xuất trong nước mà còn dần chiếm được lòng tin của một bộ phận người tiêu dùng Việt Nam. Có thể thấy trước viễn cảnh thị trường bán lẻ nước ta có thể bị “thôn tính” nếu như ngay từ bây giờ cộng đồng doanh nghiệp Việt không gắn kết thành những mảng lớn, vững chắc.

Tại hội thảo “Kinh tế Việt Nam 9 tháng” vừa diễn ra, số liệu công bố thật đáng lo ngại. Năng suất lao động của Việt Nam thấp hơn Thái Lan 3 lần. Cứ với tốc độ như hiện nay thì phải mất 54 năm, năng suất lao động nước ta mới đuổi kịp Thái Lan, nếu họ vẫn đứng yên... đợi chúng ta. Thu nhập bình quân của người Thái ở Bangkok khoảng 15 triệu đồng/tháng, gấp 2,5 lần mức 5,8 triệu đồng/tháng của người dân TP.HCM.

“Mạnh vì gạo, bạo vì tiền”, các tập đoàn, công ty, doanh nghiệp Thái Lan đã và đang có mặt ở Việt Nam. Họ sẵn sàng bỏ cả “núi tiền” mua lại một số thương hiệu bán lẻ nổi tiếng đã cắm rễ trên thị trường nước ta và không giấu giếm chiến lược thâu tóm hệ thống bán lẻ. Thừa kinh nghiệm thương trường quốc tế, rõ ràng, Thái Lan là đối thủ đáng gờm, khó vượt qua chứ chưa nói tới chuyện thắng được họ. 

Thực ra, thị trường Việt Nam đã nằm trong “tầm ngắm” của các đại gia người Thái. Thăm dò, khảo sát thị trường, họ nắm rất rõ người Việt đã quá ngán ngẩm với chất lượng, độ an toàn của hàng Trung Quốc, trong khi hàng Thái từ đồ gia dụng, mỹ phẩm tới hàng điện máy đang dần chiếm được thiện cảm và độ tin cậy của người tiêu dùng. “Làn sóng” hàng Thái, hàng Nhật Bản hay hàng Mỹ, sóng sau theo sóng trước đổ vào nước ta, không đơn giản mạnh vì tiền bạc, sự lọc lõi trong kinh doanh. Điều đáng bàn là sự lép vế, yếu kém của chính các doanh nghiệp Việt.

Nhiều chuyên gia thị trường và những doanh nghiệp trong cuộc đã nhiều lần chỉ ra những khâu xung yếu, không đủ đương đầu trước những “cơn sóng” hàng ngoại. Yếu ngay từ khâu sản xuất, yếu nhất là khâu phân phối, lưu thông với những chi phí “trung gian” khiến hàng hóa tiêu dùng đến tay người dân bị đội giá vô tội vạ. Chưa hết, hệ thống bán lẻ lại lỏng lẻo, một vài công ty, tập đoàn chưa đủ sức quy tụ các doanh nghiệp vừa và nhỏ trở thành những “con đê” ngăn sóng vững chãi.

“Nước đã đến chân”, thị trường bán lẻ đang mất dần trông thấy, doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam vốn yếu từ tài chính, năng lực cạnh tranh cho tới mặt bằng, nếu không gắn kết thành một khối thì chắc chắn sẽ bị bẻ gãy, thôn tính. Thua ngay trên sân nhà, đánh mất lợi thế, mất hàng triệu người tiêu dùng là viễn cảnh có thể thấy từ hôm nay.