Gần gũi với doanh nghiệp

ANTĐ - Năm 2015, dự báo, hệ thống ngân hàng vẫn đạt được tăng trưởng tín dụng như mục tiêu đề ra. Song, lãi suất cho vay trung và dài hạn phải giảm hơn nữa, thì số doanh nghiệp vay vốn mới tăng nhanh hơn, vốn chảy vào sản xuất kinh doanh thực chất hơn. Từ đó, tín dụng tăng trưởng sẽ bền vững hơn. Đó là nhận định của giới chuyên gia ngân hàng trước mục tiêu tăng trưởng tín dụng 13-15% của toàn hệ thống ngân hàng để hỗ trợ tăng trưởng GDP đạt 6,2%.

Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ kinh doanh của các ngân hàng thương mại tại Hà Nội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, rất có thể mục tiêu tăng trưởng tín dụng 13-15% sẽ được điều chỉnh sau 6 tháng đầu năm nếu kinh tế còn khó khăn do sự sụt giảm của giá dầu thế giới gây ra.

Trong trường hợp cụ thể đó, Ngân hàng Nhà nước có thể điều chỉnh lên mức 17%. Dù chỉ là dự báo, song con số 17% được các ngân hàng đón nhận khá thận trọng bởi chính sách tín dụng chặt chẽ, giảm lãi suất cho vay nhưng điều kiện tín dụng không dễ dãi. Mấy năm gần đây, hệ thống ngân hàng tỏ ra dè dặt đối với tăng trưởng tín dụng sau một thời gian tăng trưởng nóng, không kiểm soát được chất lượng dẫn đến nợ xấu. Tại hội nghị trên, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước một lần nữa kêu gọi các ngân hàng hãy “hy sinh” lợi nhuận, cân đối lại tài sản để giảm tiếp lãi vay trung – dài hạn xuống thêm 1-1,5%/năm trong năm 2015. Mục tiêu này đã đưa vào Chỉ thị số 01 của Ngân hàng Nhà nước về điều hành chính sách tiền tệ hoạt động ngân hàng trong năm 2015.

Theo phân tích của giới chuyên gia, lời kêu gọi trên đặt ra một vấn đề khó cho hệ thống ngân hàng. Bởi vì dư địa chính sách vĩ mô của năm 2015 không còn nhiều, nhất là trong bối cảnh ngân sách eo hẹp, buộc Chính phủ phải phát hành một lượng lớn trái phiếu để có tiền đầu tư cho xây dựng cơ bản. Điều này đồng nghĩa lãi suất sẽ phải cao mới đủ tạo ra sức hút. Vì vậy, sự co kéo giữa chính sách tài khóa và tiền tệ để các ngân hàng giảm lãi vay trung – dài hạn xuống là rất khó khăn. Tuy nhiên, theo một thành viên Hội đồng Tư vấn tài chính tiền tệ quốc gia, vấn đề quan trọng là các ngân hàng phải đảm bảo cho vay một cách thực chất, chứ không chỉ quan tâm đến tài sản thế chấp. Chưa cần đòi hỏi ngân hàng phải “hy sinh” lợi nhuận, chỉ cần sát sao, gần gũi với doanh nghiệp xem họ có thực sự kinh doanh đúng mục đích vay vốn hay không, kinh doanh lỗ lãi, làm ăn khó khăn ra sao...