Lên đồng, di sản văn hóa hay mê tín dị đoan? (3)

Gạn đục khơi trong, chống nạn mê tín, lợi dụng tâm linh

ANTĐ - Giữa hai luồng ý kiến về lên đồng và thực tiễn của việc phổ biến hiện tượng lên đồng, chúng tôi đã trao đổi với GS. Ngô Đức Thịnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và bảo tồn văn hóa tín ngưỡng Việt Nam.

Ảnh internet

Theo ông Thịnh, hầu bóng đúng là một bảo tàng sống của văn hóa Việt và hoàn toàn xứng đáng là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Tuy nhiên cũng theo ý kiến ông, trong thực tiễn, có loại hầu bóng không có yếu tố mê tín dị đoan và có loại hầu bóng có yếu tố mê tín dị đoan. Và đương nhiên chúng ta phải chống các biểu hiện mê tín dị đoan để hầu bóng được tôn vinh như một hoạt động văn hóa có lịch sử lâu đời. Chính Giáo sư Thịnh là một trong những người đã cổ vũ cho sự phát triển lành mạnh của hầu bóng, lên đồng.

Nhưng theo tôi, sự phân biệt rạch ròi giữa mê tín và không mê tín cũng có dấu hiệu của sự duy ý chí. Dự một vấn hầu đồng, trong không khí trang nghiêm trước điện thờ, trong vũ điệu uyển chuyển, nhuần nhuyễn với tiết tấu của làn điệu chầu văn với ca từ xưng tụng, nếu chính chúng ta không có chút lòng tin vào sự nhập hồn của thánh thần vào trong xác thanh đồng sẽ không thể lý giải được sự thành kính, sự tin tưởng nhiều khi đến khống chế tự giác của những người dự hầu, thành phần quan trọng nhất của buổi diễn xướng văn hóa dân gian tâm linh này. Nếu như vậy thì chúng ta cần phải làm gì để có thể gạn đục khơi trong một hoạt động văn hóa tâm linh?

Theo tôi, không chỉ chống các yếu tố mê tín mà phải chống các hiện tượng vi phạm pháp luật, chống các hiện tượng vi phạm các quy định của nếp sống văn hóa, của thuần phong mỹ tục. Cần phải vận động các cơ sở tôn giáo thường có các hoạt động hầu bóng tuân thủ Pháp lệnh về hoạt động tín ngưỡng tôn giáo, tôn trọng nếp sống văn hóa. Trước mắt cần sớm lập lại trật tự, thậm chí cấm các hoạt động lên đồng, nhập hồn, áp vong phán truyền với mục đích bói toán, tìm mộ... để kiếm tiền, lâu dài hơn cần có quy chế về các hoạt động tâm linh phi lợi nhuận. Nếu hoạt động tâm linh không mang lại lợi nhuận, tôi tin rằng hầu bóng sẽ trở thành một hoạt động văn hóa tâm linh phổ biến, mang lại sự bình an cho đời sống văn hóa của mỗi người tham gia các hoạt động hầu bóng.

Cần sớm xây dựng Luật về các hoạt động tín ngưỡng tôn giáo để điều chỉnh các hoạt động tâm linh. Nghiêm trị những kẻ lợi dụng các hoạt động tâm linh gây hại cho xã hội. Mặt khác cũng cần tránh xu hướng can thiệp thô bạo vào các hoạt động văn hóa tâm linh kể cả trong hoạt động nhằm cải biên các lễ hội, các diễn xướng dân gian. Các lễ hội, các hoạt động văn hóa tâm linh có đời sống riêng, sự phát triển riêng trên nền móng lịch sử. Có thể cải biên như một hoạt động nghệ thuật, không phải là hoạt động văn hóa tâm linh. Với tư cách là người yêu mến hầu bóng, tôi phản đối cải biên hầu bóng trong các vấn hầu tại các cơ sở tín ngưỡng thờ Mẫu.

Lên đồng, hầu bóng là nghi lễ của tín ngưỡng thờ Mẫu, một hoạt động tín ngưỡng đa thần thể hiện nhân sinh quan phong phú và sâu sắc của người Việt. Các vị thần được thờ tự là những người có công với nước, với dân được nhân dân phong thánh. Về mặt nghệ thuật, lên đồng, hầu bóng là hoạt động diễn xướng dân gian đặc sắc cả về tầm vóc và trình độ nghệ thuật cao với sự tổng hợp nhiều loại hình nghệ thuật như âm nhạc, múa, điêu khắc, hội họa... Thật sự hầu bóng, lên đồng như một ngôi nhà mở có thể tiếp nhận và hòa quyện các nền văn hóa của các dân tộc để tạo ra sự phong phú của văn hóa Việt.

Hãy bảo vệ lên bóng, hầu đồng và phát huy các giá trị văn hóa di sản, chống lại mọi biểu hiện lợi dụng nó để vi phạm pháp luật, vi phạm các quy định của nếp sống văn hóa và cả các hiện tượng phá hoại di sản này. Đó là nhiệm vụ của chúng ta.