Phong tặng nghệ nhân:

“Gần đất xa trời” vẫn chưa được vinh danh

(ANTĐ) - Bộ VH-TT&DL vừa hoàn thành “Thông tư quy định về xét danh hiệu Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú” trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Nếu không có gì thay đổi, thì đầu tháng 9 này, lần đầu tiên, các nghệ nhân trên lĩnh vực di sản sẽ được phong tặng danh hiệu cấp Nhà nước. Song, đi kèm với việc vinh danh còn là nhiễu nỗi băn khoăn về chính sách “hậu vinh danh” cùng chế độ đãi ngộ đối với những “di sản sống”.3 cơ quan cùng phong tặng nghệ nhân Năm 2002, Hội Văn nghệ dân gian là đơn vị đầu tiên phong tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân (NNND), Nghệ nhân ưu tú (NNƯT)và cho đến nay, gần 200 nghệ nhân đã được công nhận. Đến năm 2005, Bộ Công Thương là cơ quan thứ 2 đề ra các chính sách phong tặng cho các nghệ nhân đối với lĩnh vực nghề thủ công truyền thống. Chính vì việc đi trước của hai cơ quan trên, nên việc tiến hành xây dựng dự thảo thông tư sau này của Bộ VH-TT&DL ban đầu cũng đã vấp phải nhiều ý kiến không đồng thuận do lo ngại sự chồng chéo, trùng lặp với các thông tư khác từng được ban hành trước đó.
“Gần đất xa trời” vẫn chưa được vinh danh ảnh 1 

 Tuy nổi tiếng, nhưng gia đình nghệ nhân Hà Thị Cầu vẫn nghèo

Lại cũng có nhiều ý kiến đề xuất, chỉ cần một cơ quan làm đầu mối, phối hợp với Bộ Công Thương cùng thực hiện. Giải thích về việc này, ông Nguyễn Hải Anh - Vụ trưởng Vụ Thi đua-Khen thưởng (Bộ VH-TT&DL) cho biết, Bộ Công Thương hiện chỉ vinh danh nghệ nhân ở một lĩnh vực nghề thủ công truyền thống, còn 6 lĩnh vực khác của văn hóa phi vật thể là:  tiếng nói, chữ viết; nghệ thuật trình diễn dân gian; tập quán xã hội và tín ngưỡng; lễ hội truyền thống; tri thức dân gian… thì do Bộ VH-TT&DL công nhận. Ông Nguyễn Hải Anh cũng cho biết thêm, danh hiệu tới đây mà Bộ VH-TT&DL tôn vinh nghệ nhân là cấp Nhà nước, còn danh hiệu có từ năm 2002 của Hội VNDG VN là chuyện nội bộ của hội. Sau vinh danh, đãi ngộ thế nào? Theo thống kê có tới 70-80% nghệ nhân thuộc diện được xem xét phong tặng danh hiệu đều đã ở tuổi “gần đất xa trời”, như nghệ nhân hát xẩm Hà Thị Cầu năm nay đã 94 tuổi, ca nương Phan Thị Mơn, người từng biểu diễn trong triều đình nhà Nguyễn trước năm 1945 cũng đã bước sang tuổi 89... Có những nghệ nhân như  Nguyễn Đức Sôi, một trong những “liền anh” quan họ nổi tiếng; nghệ nhân nhã nhạc cung đình Huế Trần Kích, nghệ nhân kèn saranai Trượng Tốn… đều đã mang theo kiến thức, tài năng sang thế giới bên kia mà họ vẫn chưa một lần nhận được tấm bằng vinh danh. Theo GS.TS Tô Ngọc Thanh - Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, hội là đơn vị đầu tiên phong tặng danh hiệu, song đó cũng chỉ là sự động viên tinh thần, còn chính sách đãi ngộ thì hầu như chưa có. Và cũng không ngạc nhiên, cụ Hà Thị Cầu - nghệ nhân hát xẩm nổi tiếng cả nước nhưng gia đình vẫn nghèo. Và cũng theo một con số thống kê gần đây, 90% trong số gần 200 đào nương, kép đàn nổi tiếng của ca trù, không được hưởng lương từ ngân sách. Dự thảo Thông tư quy định, người được xét công nhận phải có thời gian thực hành 25 năm trở lên với danh hiệu NNND và 20 năm trở lên với NNƯT... Người được phong tặng sẽ được nhận Huy hiệu, Bằng chứng nhận do Chủ tịch nước tặng, sẽ có tiền thưởng bằng 12,5 lần mức lương tối thiểu chung với NNND và 9,0 lần mức lương tối thiểu chung với NNƯT. Đối với những nghệ nhân đủ tiêu chuẩn được xét tặng NNND hay NNƯT, nếu qua đời trong thời gian giữa hai kỳ xét tặng thì được lập hồ sơ đề nghị xét truy tặng… Thông tư đã nêu rõ quyền lợi của các nghệ nhân khi được phong tặng, nhưng chính sách đãi ngộ sau phong tặng là gì, thì lại không hề đề cập. Trong quá trình xây dựng dự thảo thông tư, từng có ý kiến cho rằng, nên cấp lương cho các nghệ nhân. Ở Hàn Quốc, Nhà nước cấp cho nghệ nhân hơn 1.000 USD/tháng. Còn ở Việt Nam,  liệu có thể đưa ra một con số cụ thể nào không? Bởi ai cũng biết, việc chăm sóc đãi ngộ thỏa đáng đối với những nghệ nhân bậc thầy chính là cách khuyến khích tích cực thế hệ kế cận. Bà Lê Thị Minh Lý - Phó Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa thừa nhận dù rất tiếc song còn phải nợ, sang năm mới có chính sách cụ thể với việc tôn vinh và đãi ngộ những người có công thực hành di sản. Cũng theo bà Lê Thị Minh Lý, trước mắt, nên có chính sách đãi ngộ cho nghệ nhân theo từng công việc. Bất kỳ ai đưa ra sáng kiến, đề xuất hay cho lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể và muốn thực hành nó thì sẽ được hỗ trợ. Có thể thấy, việc phong tặng danh hiệu nghệ nhân theo tinh thần của “Thông tư quy định về xét danh hiệu Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú” vẫn chỉ dừng lại ở  việc vinh danh. Còn đãi ngộ thế nào cho thỏa đáng, vẫn còn phải chờ. Trong khi nhiều nghệ nhân đã ở cái tuổi “gần đất xa trời”.