Gắn bó với đồng ruộng

ANTĐ - Một trong những kết luận quan trọng đã đạt được trong Hội nghị Trung ương 5 (khóa XI) là nhận thức rõ ràng hơn và quy định rành mạch hơn sự khác nhau giữa quyền sở hữu đất và quyền sử dụng đất; quyền và trách nhiệm của Nhà nước với quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đối với từng loại đất. Điểm mới nổi bật là mở rộng hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp.

Hội nghị nhất trí cho rằng, cần khẩn trương sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai và hoàn thiện pháp luật để sớm khắc phục những hạn chế, yếu kém còn tồn tại, đáp ứng tốt hơn yêu cầu phân bổ hợp lý, sử dụng đất đai đúng mục đích, tiết kiệm và có hiệu quả, đảm bảo lợi ích trước mắt và lâu dài, bảo vệ môi trường sinh thái.

 Đặc biệt, tiếp tục thực hiện giao đất, cho thuê đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân có thời hạn nhưng có thể kéo dài hơn để khuyến khích nông dân gắn bó hơn với đồng ruộng và yên tâm đầu tư sản xuất. Tinh thần của Hội nghị Trung ương 5 đã được cụ thể hóa bằng Nghị định 42/CP vừa được Chính phủ ban hành và sẽ có hiệu lực từ 1-7-2012. Đất trồng lúa đã giảm 270.000ha trong 10 năm qua. Nguyên nhân chủ yếu là đất nông nghiệp phải co hẹp nhường chỗ cho phát triển hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và phát triển kinh tế. Còn một nguyên nhân không kém phần quan trọng là nhiều địa phương chưa sử dụng tiết kiệm đất nông nghiệp, tùy tiện chuyển đổi ồ ạt đất để thành lập các cụm công nghiệp, khu công nghiệp. Hiện có có tới 918 cụm công nghiệp ở các địa phương chiếm đất lên đến 40.000ha, nhưng chỉ đưa vào sử dụng 7.500ha, tỷ lệ lấp đầy mới đạt hơn 26%.

Nguy hại hơn, mặc dù đã thừa thãi, lãng phí đất trong các cụm, khu công nghiệp, song không ít các địa phương vẫn “ôm” đất để làm mặt bằng sản xuất kinh doanh. Thực ra chỉ là cách “luồn lách” chính sách để lấy đất ở ngoài hàng rào khu công nghiệp, cụm công nghiệp sản xuất đơn lẻ. Ở nhiều nơi còn diễn ra tình trạng nông dân đã chuyển sang nghề khác nhưng vẫn khư khư giữ đất canh tác đã được chia mà không gieo cấy. Nhất là từ khi Nhà nước có chủ trương không chia lại ruộng, tâm lý bám chặt ngày càng “lây lan” phổ biến. Họ sẵn sàng bỏ đất hoang thay vì chuyển giao cho người khác gieo trồng, bởi tính toán rằng nay mai đất đai ngày càng đắt đỏ nên phải giữ chặt làm tài sản.

Xuất phát từ thực trạng này, Nghị định 42/CP đã đề ra nhiều giải pháp mạnh mẽ nhằm quyết liệt giữ bằng được đất trồng lúa. Để “tiếp sức” cho nông thôn gắn bó với đồng ruộng, Chính phủ quy định hàng năm ngân sách Nhà nước hỗ trợ 500.000 đồng/ha cho hộ gia đình, cá nhân sản xuất lúa, trên đất chuyên trồng lúa; hỗ trợ 100.000 đồng/ha cho hộ gia đình, cá nhân sản xuất lúa trên đất lúa khác. Ngân sách Nhà nước còn hỗ trợ 70% chi phí phân bón và thuốc bảo vệ thực vật khi lúa bị thiệt hại trên 70%. Hỗ trợ 100% giống lúa trong năm đầu để sản xuất trên đất trồng lúa mới khai hoang… Ngược lại nếu nông dân đã được giao ruộng trồng lúa mà bỏ hoang không gieo trồng từ 1 năm trở lên sẽ bị xử phạt hoặc bị thu hồi đất.

Lâu nay, đất đai luôn là nguyên nhân chủ yếu dẫn tới hơn 70% các vụ khiếu nại, khiếu kiện. Kết luận của Hội nghị Trung ương 5, Nghị quyết 42/CP của Chính phủ về quản lý, sử dụng đất trồng lúa sẽ sớm khắc phục được những hạn chế yếu kém còn tồn tại. Khi người nông dân gắn bó với đồng ruộng thì chắc chắn sẽ xảy ra tình trạng “Phi nông bất ổn”, đồng thời đảm bảo được an ninh lương thực và an sinh xã hội.