Gần 500 dự án thủy điện bị loại khỏi quy hoạch

ANTD.VN - Chính phủ vừa có báo cáo gửi Quốc hội về kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết số 62/2013/QH13 về tăng cường công tác quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng, vận hành khai thác công trình thủy điện. Theo đó, trong 3 năm qua, đã có nhiều công trình thủy điện bị loại bỏ khỏi quy hoạch vì những nguy cơ tác động tiêu cực tới môi trường, xã hội.

Hiện trường vụ vỡ ống thủy điện Sông Bung 2 tại tỉnh Quảng Nam 

Đa số thủy điện nhỏ bị loại

Từ cuối năm 2013 đến nay, trong 3 năm thực hiện rà soát quy hoạch theo Nghị quyết 62 của Quốc hội, Bộ Công Thương đã loại khỏi quy hoạch 8 dự án thủy điện bậc thang (655MW) và 463 dự án thủy điện nhỏ (1.404,68MW) do có nguy cơ  tác động tiêu cực lớn đối với môi trường - xã hội, hiệu quả thấp, ảnh hưởng quy hoạch/dự án ưu tiên khác. Đồng thời, không xem xét quy hoạch 213 vị trí tiềm năng thủy điện (349,61MW).

Đối với các dự án còn lại sau khi đã loại bỏ khỏi quy hoạch, UBND các tỉnh vẫn tiếp tục xem xét thu hồi chủ trương đầu tư đối với các dự án đã quá hạn. Các dự án thuộc danh mục được đầu tư trong giai đoạn 2015 - 2020 và đang trong quá trình nghiên cứu đầu tư giai đoạn sau năm 2020 vẫn được tiếp tục rà soát, đánh giá để có phương án điều chỉnh hợp lý hoặc xem xét thu hồi để loại khỏi quy hoạch.

Về quy hoạch bậc thang thủy điện trên các dòng sông lớn, báo cáo của Chính phủ cho biết, hiện cả nước đã vận hành phát điện 61 công trình, đang thi công xây dựng 31 dự án, đang nghiên cứu đầu tư 15 dự án, có 3 dự án chưa cho phép nghiên cứu đầu tư. Đối với quy hoạch thủy điện nhỏ, đã vận hành phát điện 245 công trình, đang thi công xây dựng 162 dự án, đang nghiên cứu đầu tư 230 dự án, chưa cho phép nghiên cứu đầu tư 56 dự án…

Như vậy, tính đến tháng 9-2016, trên cả nước có 306 công trình thủy điện đang vận hành phát điện; 193 dự án đang thi công xây dựng; 245 dự án đang nghiên cứu đầu tư; còn lại 59 dự án có quy mô nhỏ, đang được tiếp tục rà soát về hiệu quả kinh tế và các điều kiện khác có liên quan. 

Phát hiện nhiều vi phạm

Cũng trong 3 năm qua, Bộ Công Thương đã chủ trì phối hợp với các bộ, ngành và địa phương tiến hành các đợt thanh tra, kiểm tra, đánh giá việc tuân thủ các quy định về quản lý chất lượng công trình thủy điện; giải quyết sự cố khi thi công công trình và cam kết về môi trường đối với các dự án thủy điện trên cả nước.

Đặc biệt, Bộ Công Thương đã phối hợp với UBND các tỉnh như Sơn La, Thanh Hóa, Quảng Nam, Lâm Đồng, ĐắK Nông... tổ chức các đoàn kiểm tra tại các dự án thủy điện có quy mô vừa và nhỏ, nhất là kiểm tra công tác quản lý chất lượng xây dựng tại các dự án thủy điện nhỏ do tư nhân làm chủ đầu tư. 

Kết quả, cơ quan chức năng đã phát hiện nhiều vi phạm trong tuân thủ các quy định về quản lý chất lượng xây dựng, vi phạm quy trình vận hành hồ chứa bằng cách tự ý xây tường cơi nới đập và chưa thực hiện đầy đủ các biện pháp an toàn lao động trong khi thi công công trình.

Đối với các dự án thủy điện vi phạm, đoàn công tác đã lập biên bản và yêu cầu tạm dừng thi công đến khi đảm bảo các yêu cầu theo quy định mới được tiếp tục triển khai (điển hình như dự án thủy điện Sập Việt, Sơn La).

Đối với dự án thủy điện tự ý cơi nới đập, đoàn công tác yêu cầu đập bỏ và khôi phục nguyên hiện trạng (dự án thủy điện Suối Sập 3, tỉnh Sơn La). Bộ Công Thương cũng đã có văn bản gửi UBND tỉnh Lâm Đồng đề nghị chỉ đạo tạm dừng thi công đối với dự án thủy điện Đại Bình và tổ chức kiểm tra, rà soát tổng thể quá trình thực hiện các thủ tục đầu tư, xây dựng của chủ đầu tư dự án nêu trên...

Theo Bộ Công Thương, nhìn chung, qua việc kiểm tra, giám sát chặt chẽ của các cơ quan quản lý Nhà nước từ Trung ương đến địa phương, công tác quản lý chất lượng xây dựng các dự án thủy điện đã từng bước được nâng cao. Tuy nhiên hiện nay, việc phân cấp để quản lý chất lượng công trình vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế, yếu kém.

Thực tế, thời gian qua đã xảy ra sự cố lũ cuốn trôi cửa van số 2 của hầm dẫn dòng thi công công trình thủy điện Sông Bung 2 tại tỉnh Quảng Nam, gây thiệt hại về người, tài sản và ảnh hưởng lớn đến tiến độ phát điện của công trình. Bộ Công Thương nhấn mạnh: “Đây là bài học kinh nghiệm đắt giá trong công tác quản lý chất lượng xây dựng công trình của chủ đầu tư và các cơ quan quản lý Nhà nước, đặc biệt là cơ quan quản lý Nhà nước tại địa phương đối với các dự án thủy điện”.