Gần 20 năm lưu giữ kỉ vật chiến tranh

ANTĐ - Gần 20 năm nay có một người đàn ông cần mẫn lặn lội khắp nơi để "nhặt" lại những thứ tưởng chừng như đã thuộc về quá khứ. Đó là những kỉ vật chiến tranh.
 

Chiếc đồng hồ được ông  mua về từ cơ sở kinh doanh phế liệu

Ông gìn giữ chúng như bảo vật. Ông bảo phải lưu giữ và nhắc nhở để thế hệ sau không lãng quên một thời bi hùng của dân tộc... Đó là ông Nguyễn Huy Thuận ở thành phố Đông Hà, Quảng Trị.

Phần lớn căn nhà số 50 Trương Định (Tp. Đông Hà, Quảng Trị) của ông Thuận bây giờ đã được dành để kê tủ trưng bày những kỉ vật chiến tranh. Ông kể, ý định sưu tầm đó lóe lên trong một lần đọc báo, đó là đầu năm 1992. "Lần đó tôi tình cờ đọc được bài báo viết về một vị tham tán người Nhật dùng 170.000 USD mua lại chiếc bình gốm rất đẹp của Việt Nam có khắc hai chữ “Bui Hy” trưng bày ở Thổ Nhĩ Kỳ”. Vị tham tán này đã đến tận Việt Nam để tìm hiểu nguồn gốc xuất xứ của bình gốm đó mới hay sản phẩm này xuất xứ từ một lò gốm của người phụ nữ có tên Bùi Hỷ từng làm dâu làng gốm Chu Đậu (huyện Nam Sách, Hải Dương). Đọc xong bài báo đó, ông suy nghĩ rất nhiều. “Tại sao một người người nước ngoài muốn gìn giữ đồ vật của nước mình trong khi người Việt Nam mình lại để nhiều kỷ vật lịch sử quý giá trôi theo thời gian. Thế là tui quyết định phải tìm sưu tập những kỷ vật thời chiến”. Ông bảo phải tìm và lưu giữ những kỷ vật đó để nhắc nhớ thế hệ cháu con mai sau.

 

Ống đạn pháo sáng này được tìm thấy ở huyện Hướng Hóa

Trong một lần cùng đến chơi tại một gia đình ở phường 4, ông Thuận gặp người rà phế liệu vừa đào được 10 cái ca inox uống nước của lính Mỹ. Trong đó sót lại một cái còn nguyên vẹn. Ông lần mò rồi xin người rà phế liệu, người này sau một hồi trố mắt nhìn đã cho ông. Đó cũng là kỷ vật đầu tiên ông có được.

Ông Thuận nhớ mãi lần ông mua lại được chiếc đồng hồ Automatic. Lần ấy ông đi ngang qua một kho mua bán phế liệu, thấy một chiếc đồng hồ trong nằm trong đống phế liệu đang được một người mua bán ve chai bán cho chủ kho phế liệu. Vì trong túi hết tiền nên ông chạy ù về nhà xoay tiền đến mua. May mà kịp trước khi đống phế liệu được chuyển lên xe tải đi nơi khác. Hay như lần ông đến nhà một người dân tộc Vân Kiều ở xã Hướng Phùng (huyện Hướng Hóa) xem mấy cái ống nhôm (vỏ của loại đạn pháo sáng được trang bị trên máy bay C130 của Mỹ). Ống nhôm ấy như có ma lực cuốn hút ông. Ông Thuận nài nỉ xin, hỏi mua mãi nhưng chủ nhà không chấp thuận. Thấy vẻ mặt buồn xo của ông trở về nên mấy người bạn ngoài thị trấn Khe Sanh bày cách đem rượu vào đổi. Ông nghe theo mua 20 lít rượu trắng mang vào và… được đồng ý đổi. Ông mừng như bắt được vàng!.

 

Một trong những chiếc tủ trưng bày kỉ vật chiến tranh

Trong số những kỷ vật của mình ông Thuận đặc biệt quý chiếc nhẫn mặt ngọc với dòng chữ ngoài vòng nhẫn “United States” của một người lính Mỹ đã đánh rơi trên chiến trường Quảng Trị mà ông tình cờ mua được của một chủ kinh doanh phế liệu. “Chiếc nhẫn này rất quý giá, luôn bên mình người lính Mỹ ấy nhưng nó rơi rớt lại đâu đó trên đất Quảng Trị. Và có thể người lính ấy cũng đã hy sinh”- ông Thuận trầm ngâm cho hay.

Từ những kỷ vật đầu tiên ông tìm được, đến nay sau 20 năm bỏ công “nhặt nhạnh” kho kỷ vật của ông có hàng trăm kỷ vật. Ông sưu tập cả những kỷ vật của lính Mỹ và của bộ đội Việt Nam. Nhiều câu chuyện được tái hiện qua những kỷ vật do chính tay ông Thuận sưu tầm. Ví dụ như nhìn vào chiếc bình hoa làm từ vỏ đạn pháo cao xạ 37 mm, người xem có thể hình dung lai lịch của nó vốn xuất hiện trong chiến dịch Khe Sanh (năm 1968) mà bộ đội ta đã dùng để bảo vệ tuyến đường Trường Sơn chống máy bay Mỹ oanh kích. Hay như chiếc đồng hồ Automatic có thể cùng lúc xem được giờ ở Việt Nam và giờ ở New York mà tình cờ ông Thuận sưu tầm được ở Hướng Hoá.

 

Tất cả những kỉ vật đều được đạt trang trọng và ngăn nắp trong "bảo tàng" của ông Thuận 

Rồi những bộ dao, nĩa, thìa inox phục vụ ăn uống cho những người lính Mỹ; những chiếc bi-đông đựng nước; những bộ dao cạo râu, lược nhôm; kềm cộng lực, Xanh tuy-rông của lính Mỹ dùng để mang vũ khí, đạn dược; những chiếc thẻ bài quân nhân Mỹ… Tất cả đều độc đáo và hiếm có. “Mỗi kỷ vật đều gắn với ý nghĩa riêng, câu chuyện riêng về những người lính ở hai bên chiến tuyến. Và chúng cần được lưu giữ”.

Tất cả những kỷ vật được ông Thuận phân loại theo từng nhóm riêng và để vào từng ngăn riêng trong hai chiếc tủ được đặt ngay tại phòng khách nhà ông. Kỷ vật lớn như những mảnh xác máy bay, ống pháo sáng, các loại vỏ đạn lớn... Ông dự định, sắp tới khi mở rộng nhà sẽ mang ra trưng bày. Mỗi kỷ vật tìm được ông Thuận đều ghi lại chi tiết từng kỷ vật với chú thích cụ thể để người xem có thể biết được phần nào xuất xứ, lai lịch của chúng.