Gần 150 nông dân tham gia vở diễn thực cảnh đầu tiên tại Việt Nam

ANTD.VN - Gần 150 nông dân thuần hậu chất phác đã miệt mài luyện tập trong suốt một năm qua để bước ra sân khấu đầu tiên và lớn nhất trong đời mình.

Đó là điều bất ngờ mà đạo diễn Việt Tú giấu kỹ và mới đây quyết định “bật mí” khi công diễn “Thuở ấy xứ Đoài” – vở diễn thực cảnh đầu tiên được dàn dựng tại Việt Nam.

Lạc vào “Thuở ấy xứ Đoài”…

Gần 150  nông dân tham gia vở diễn thực cảnh đầu tiên tại Việt Nam ảnh 1

Sau khi dành trọn tâm huyết để làm vở diễn về nghi lễ hầu đồng “Tứ Phủ” lấy cảm hứng từ nghi lễ hầu đồng trong đạo Mẫu, góp phần quan trọng vào cuộc hành trình đưa thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ trở thành di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, đạo diễn Việt Tú quay trở lại thực hiện tiếp một dự án nghệ thuật mà anh ấp ủ suốt 2 năm nay.

Dạo gần đây, Việt Tú gần như “mất tích”, ít ai biết anh đang làm gì, chỉ thấy anh đi đi về về như thoi với điểm đến là vùng núi Sài – chùa Thầy. Chỉ đến khi xong xuôi, vị đạo diễn trẻ này mới bất ngờ tiết lộ công việc mà mình đã âm thầm làm suốt thời gian dài qua.

Đó là vở diễn thực cảnh đầu tiên, diễn ra trên sân khấu độc đáo “có một không hai” tại Việt Nam với nhân vật chính là gần 150 người nông dân thường ngày chỉ biết làm nông, sau khi trải qua hàng nghìn giờ tập luyện đã trở thành những người diễn viên thực thụ.

“Thuở ấy xứ Đoài” ban đầu có tên gọi là “Ngày xưa” lấy thực cảnh thiên nhiên làm sân khấu biểu diễn với khán đài có sức chứa lên tới 2000 chỗ ngồi, mặt hướng về ngọn núi Thầy huyền thoại, lưng tựa vào cánh đồng lúa mênh mang bát ngát.

Giữa khung cảnh bao la huyền thoại ấy là sân khấu rộng hơn 3.000m2 trên mặt nước, không gian nửa thực nửa mơ ẩn hiện sau lũy tre, những mái ngói rêu phong nhuốm màu huyền ảo… khiến người xem ngỡ như đang lạc vào câu chuyện cổ tích xưa.

Mặt nước sương khói kỳ ảo ấy cũng là nơi diễn ra hầu hết các phần trình diễn và cả những hiệu ứng “bom tấn” chưa từng thấy tại bất cứ sân khấu nào ở trong nước. Đó là ngôi nhà đình nặng hàng tấn, dài 20m chạy ra sau rặng tre; là Thủy đình nguyên bản nặng gần 10 tấn “ngoi” lên từ đáy Long Trì sâu cả chục mét; là hàng chục ngọn đèn như hào quang tỏa chiếu từ đỉnh núi Thầy cao trăm mét, như tô điểm cho hình ảnh hiện linh của Đức Thánh Tổ Từ Đạo Hạnh – vị cao tăng được người dân trong vùng tôn là Đức Thánh Tổ của nghề múa rối nước; là hàng trăm ngọn đèn thắp sáng rực cả rừng tre xanh ngắt, nhuộm vàng cả mặt hồ mênh mông…

Trên sân khấu ấy, gần 150 người nông dân đã cùng nhau tai hiện lại câu chuyện về cuộc sống lao động, sinh hoạt, về tình yêu, đức tin, đức hiếu học, đạo nghĩa. Họ cũng đã kể cho người xem về mối gắn kết bền bỉ giữa con người – thiên nhiên vùng đồng bằng sông Hồng với nền văn minh lúa nước nghìn năm lịch sử.

Ý tưởng táo bạo làm thành vở diễn trong mơ

Đạo diễn Việt Tú chia sẻ, “Thuở ấy xứ Đoài” được anh dàn dựng lấy cảm hứng từ các tích trò rối nước dân gian như: tễu giáo trò, hội làng, nông nghiệp cấy cày, vinh qui bái tổ…để khái quát thành câu chuyện cổ tích về cuộc sống sinh hoạt làng quê Bắc Bộ từ nghìn năm trước. Chỉ riêng việc để có được cấu trúc thủy đình nặng cả chục tấn, êkip đã phải thi công trong cả nửa năm trời, còn trang phục cho hơn trăm người nông dân cũng được đầu tư kỹ lưỡng và công phu bằng ngần ấy thời gian.

Tiết lộ về sự có mặt của gần 150  người nông dân trong tác phẩm đặc biệt này, đạo diễn Việt Tú bảo, ban đầu khi nhận được yêu cầu từ phía chủ đầu tư là ông chủ tập đoàn Tuần Châu, anh hoàn toàn có thể cùng êkip hoàn tất vở diễn này chỉ sau 3 tháng nếu chọn phương án sử dụng diễn viên chuyên nghiệp. Tuy nhiên, Việt Tú đã nghĩ tới một ý tưởng có lẽ là không thể táo bạo hơn, đó là “rủ” chính những người nông dân tại vùng núi Sài – chùa Thầy tham gia diễn xuất.

Điều bất ngờ là chính phía đơn vị đầu tư đã ủng hộ ý tưởng này của anh. Đó cũng là lý do mà phải mất tới gần một năm trời, vở diễn mới có thể hoàn thành.

Cho tới khi xem lại thành quả từ việc này, Việt Tú hồ hởi quả quyết: “Không có gì tuyệt vời bằng người nông dân kể câu chuyện của chính mình”. Đó cũng là cách mà anh và êkip muốn làm để tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động phổ thông trong vùng.

Một trong những điểm nhấn ấn tượng khác của “Thuở ấy xứ Đoài” chính là phần phục dựng rối nước và âm nhạc. Nghệ thuật rối nước cũng chính là nét truyền thống độc đáo lâu đời cùng vùng đất Sài Sơn. Trong không gian kỳ ảo ấy, người và rối phối hợp ăn ý với nhau tạo thành bức tranh sống động về đời sống sinh hoạt của người Việt cổ.

Khán giả đã ồ lên đầy thích thú khi thấy đàn vịt thật được lùa ra giữa sân khấu để chuyển cảnh cho đàn vịt rối ở Thủy đình; trước cảnh hàng trăm người nông dân hát múa, nhảy, di chuyển đội hình không thua gì diễn viên chuyên nghiệp; rồi thấy múa rối truyền thống kết hợp với cả nghệ thuật chèo lẫn âm nhạc đương đại thế giới World music do dàn nhạc giao hưởng Rhapsody Philharmonic thể hiện.

Đạo diễn Việt Tú tiết lộ, để có được phần âm nhạc này, nhóm Master Fader - những nhân tố chính của dàn nhạc giao hưởng đương đại Rhapsody Philharmonic đã nhiều ngày không ngủ, mang máy thu âm đến từng gốc cây, ngọn cỏ, ruộng lúa để thu lại những âm thanh chân thực nhất của cuộc sống đồng quê nơi đây.

Dù mới chỉ biểu diễn thử nghiệm buổi đầu tiên song “Thuở ấy xứ Đoài” đã thực sự làm choáng váng giới nghệ thuật nước nhà và được nhận định sẽ trở thành tác phẩm văn hóa du lịch “độc nhất vô nhị” trong thời gian sắp tới. Vở diễn cũng một lần nữa khẳng định nhãn quan rất riêng và tư duy nghệ thuật tiên phong của đạo diễn Việt Tú khi sự táo bạo của anh, một lần nữa đã tạo ra một sản phẩm không chỉ có giá trị văn hóa, nghệ thuật mà còn thực sự rất nhân văn.