Gần 14.000 tỷ đồng làm 63km cao tốc Ninh Bình - Thanh Hóa

ANTD.VN - Theo đề xuất ban đầu, cao tốc Ninh Bình-Thanh Hóa dài 63km được đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), có tổng mức đầu tư hơn 13.788 tỷ đồng. 

Ban quản lý dự án Thăng Long vừa trình Bộ GTVT phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án xây dựng một số đoạn cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 2017 -2020, đoạn Mai Sơn (Ninh Bình) – Quốc lộ 45 (Thanh Hóa) theo hình thức PPP, loại hợp đồng BOT. 

Dự án có chiều dài khoảng 63,37 km đi qua 2 huyện, 1 thành phố của tỉnh Ninh Bình và 7 huyện của tỉnh Thanh Hóa.

Cao tốc Ninh Bình - Thanh Hóa dài 63 km, cần gần 14.000 tỷ đồng để đầu tư

Tuyến được quy hoạch 6 làn xe, chiều rộng nền đường 32,25 m, vận tốc 120 km/h nhưng giai đoạn trước mắt đơn vị tư vấn (Tổng công ty Tư vấn giao thông vận tải – TEDI) đề xuất phân kỳ đầu tư 4 làn xe hạn chế, rộng 17 m. Ngoài các cầu vượt sông, cầu vượt nút giao, dự án cao tốc Mai Sơn – Quốc lộ 45 còn xây dựng 2 hầm đường bộ với tổng chiều dài 940m là Tam Điệp và Thung Thi.

Ước tính, tổng mức đầu tư giai đoạn I dự án là 13.788,4 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng công trình là 9.123,7 tỷ đồng; chi phí GPMB là 1.964,4 tỷ đồng; chi phí quản lý dự án; tư vấn là 1.082 tỷ đồng; phần còn lại là dự phòng trượt giá và dự phòng khối lượng.

Thống kê của Bộ GTVT cho thấy, lưu lượng xe quy đổi tại đoạn Ninh Bình – Quốc lộ 45 có thể đạt 20.876 xe/ngày đêm vào năm 2020 và 40.258 xe/ngày đêm vào năm 2030.

Ban quản lý dự án Thăng Long đề nghị phần vốn tham gia của Nhà nước là 5.005 tỷ đồng, phần còn lại do Nhà đầu tư tự huy động bằng vốn chủ sở hữu và vốn vay thương mại.  Mức giá thu để hoàn vốn khởi điểm là 1.500 đồng/PCU/km; lộ trình tăng giá 12%/3 năm, dự án có thể hoàn vốn trong thời gian 18 năm.

Theo đề xuất của Ban quản lý dự án, tiến độ và thời gian thực hiện dự án như sau: duyệt báo cáo Nghiên cứu khả thi trong quý 2-2018; thiết kế kỹ thuật từ quý 3-2018 đến quý 3-2019; công tác GPMB từ quý 4- 2018 đến quý 2-2021; lựa chọn nhà đầu tư, cấp giấy đăng ký chứng nhận nhà đầu tư, ký kết hợp đồng và khởi công từ quý 4-2018 đến quý 3-2021. Thời gian xây dựng trên thực địa 2 tuyến cao tốc này vào khoảng 30 tháng, bắt đầu tư ngày khởi công.