Gần 10 vạn dân phía Tây Hà Nội vẫn đang phải chống lụt

(ANTĐ) - Trong khi phần lớn các quận, huyện nội thành đã bắt tay vào dọn dẹp nhà cửa, đường phố, tập trung khắc phục hậu quả để lại của trận mưa lụt vừa qua thì tại các huyện phía Tây thành phố vẫn còn gần 10 vạn dân đang chịu cảnh ngập lụt. Đáng lưu ý, trong quá trình bơm nước tiêu úng cho dân cư và nội đồng khu vực này bắt đầu xuất hiện tình trạng tái ngập ở một số địa phương do chưa có sự thống nhất.

Gần 10 vạn dân phía Tây Hà Nội vẫn đang phải chống lụt

(ANTĐ) - Trong khi phần lớn các quận, huyện nội thành đã bắt tay vào dọn dẹp nhà cửa, đường phố, tập trung khắc phục hậu quả để lại của trận mưa lụt vừa qua thì tại các huyện phía Tây thành phố vẫn còn gần 10 vạn dân đang chịu cảnh ngập lụt. Đáng lưu ý, trong quá trình bơm nước tiêu úng cho dân cư và nội đồng khu vực này bắt đầu xuất hiện tình trạng tái ngập ở một số địa phương do chưa có sự thống nhất.

Đường vào xã Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ ngập trong biển nước
Đường vào xã Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ ngập trong biển nước

Hơn 2 vạn hộ dân vẫn chiến đấu với nước lụt

Theo số liệu báo cáo từ các huyện, thành phố, tính đến sáng 10-11, còn 22.837 hộ dân hiện vẫn ngập trong nước lụt, tập trung chủ yếu ở các huyện, TP phía Tây Hà Nội. Nhiều thôn, xã vẫn phải sử dụng thuyền và xuồng cứu hộ để di chuyển.

Trong đó, nặng nhất là huyện Chương Mỹ hiện có đến 6 xã với 8.000 hộ trên 35.750 khẩu. Theo UBND huyện Chương Mỹ, nhiều nơi nước vẫn ngập sâu đến 2m, thậm chí đường đê nước cũng còn ngập gần 1m. Tổng thiệt hại của Chương Mỹ sau đợt mưa lớn ước tính lên đến 200 tỷ đồng, 9 người thiệt mạng, hơn 9.000 gia súc, gia cầm bị chết.

Đại diện của UBND huyện Chương Mỹ cho biết, đến 7h sáng 10-11, nước sông Bùi mới chỉ rút được 70cm so với thời điểm lên cao nhất, tuyến đê hữu Bùi nhiều điểm vẫn tràn, ngập, một số xã vùng tả Bùi nước trong nội đồng vẫn cao hơn 2m.

Việc rút nước khỏi 6 xã đang ngập và toàn bộ khu vực nội đồng phụ thuộc hoàn toàn vào nước sông, mặc dù TP đã có chủ trương đầu tư máy bơm dã chiến để tiêu úng nhưng không thể bơm được. UBND huyện đã tổ chức cứu trợ với số tiền 2,3 tỷ đồng cùng 9 tấn gạo, 7.000 thùng mỳ ăn liền và hơn 10.000 chai nước lọc. Nước ngập đến nay tại khu vực này đã hơn 10 ngày, nước sinh hoạt chỉ đủ ăn uống hàng ngày.

Đáng lưu ý, do hiện nay việc tiêu úng được bơm ra sông Đáy nên một số vùng đã tái ngập, điển hình như khu vực huyện Thanh Oai. Theo báo cáo của của UBND huyện, hiện vẫn còn 4 xã: Cự Khê, Mỹ Hưng, Thanh Thùy và Liên Châu với tổng số 4.070 hộ dân còn ngập trong nước. Trong đó, xã Mỹ Hưng phải đi lại bằng thuyền, các xã khác nước cũng đến thắt lưng. Đặc biệt, xã Liên Châu do việc xả lũ ra sông Đáy mấy ngày qua tại các huyện phía trên dồn xuống khiến Liên Châu tái ngập.

Bên cạnh việc cứu trợ lương thực, nước uống và thuốc men cho người dân 4 xã vùng ngập hàng ngày, Thanh Oai là một vùng chăn nuôi lớn, do đó phải tiếp tế thêm cám, thức ăn cho gia súc. Bởi vậy, việc tiếp tế, theo lãnh đạo UBND huyện Thanh Oai là vô cùng khó khăn, đó còn chưa kể đến vấn đề môi trường, người dân đang phải sống cạnh gia súc, gia cầm.

Huyện ứng Hòa hiện cũng còn 8 xã ven sông Đáy với 1.260 hộ dân đang sơ tán vì nước lụt vẫn ngập mênh mông. Trong vài ngày gần đây, tình trạng ngập úng trên địa bàn 8 xã này làm cho nước sông Đáy lên cao. Mặt khác, việc tiêu úng tại đây cũng không thể dùng máy bơm dã chiến bơm nước ra được, hoàn toàn phụ thuộc vào mực nước sông, khi nào nước sông rút thì bà con mới trở về nhà mình.

Cần hài hòa lợi ích giữa các địa phương

Ngay sau khi hết mưa, các địa phương đều tích cực tiêu úng, bơm nước ra sông. Tuy nhiên, do các địa phương chưa có sự thống nhất, hài hòa trong việc tiêu úng đã khiến một số nơi dân cư tái ngập, quan trọng hơn, nếu không phối hợp linh hoạt, hài hòa lợi ích giữa các địa phương có thể dẫn đến vỡ đê hoặc, tình trạng tái ngập sẽ lan rộng sang các địa bàn khác.

Trước tình trạng tái ngập trên địa bàn xã Liên Châu của huyện Thanh Oai, đại diện UBND huyện đã đề nghị cho mở đập tràn Thịnh Liệt và đóng đập Hòa Mỹ. Tuy nhiên, Phó Chủ tịch UBND TP Trịnh Duy Hùng khẳng định: “Không thể mở đập Thịnh Liệt vì còn liên quan đến nhiều vùng khác, chưa kể đến việc đóng mở đập phải tuân theo quy trình riêng.

Đồng thời, đập Hòa Mỹ vẫn tiếp tục phải mở để đưa nước vào Vân Đình rồi từ đó xả ra sông Đáy. Bởi, nếu đóng đập Hòa Mỹ toàn bộ nước ở khu vực phía Tây sẽ dồn ra sông Nhuệ, sông Nhuệ sẽ quá tải và nguy cơ vỡ đê là khó tránh khỏi”. Vì vậy, theo Phó Chủ tịch UBND TP Trịnh Duy Hùng, huyện Thanh Oai nên chôn nước trong đồng để ưu tiên tiêu úng cho khu dân cư.

Tại một số huyện, trạm bơm tiêu vẫn còn ngập không thể vận hành, hoặc có nhiều cống tiêu, trạm bơm đã xây dựng từ những năm 1974-1975 không thể đáp ứng được nhu cầu tiêu thoát úng hiện nay như ở Mỹ Đức,  Quốc Oai... Bên cạnh đó, nước sông Nhuệ lại xuống rất chậm, vào 7h sáng 10-11, mực nước tại Hà Đông là 5,74m so với 1 ngày trước đó chỉ xuống được 6cm.

Về vấn đề này, ông Trịnh Duy Hùng cũng cho rằng, hiện mực nước trên sông rất cao, lượng nước nội đồng lại lớn, do đó, việc tiêu thoát úng cho dân cư trong khu vực nội đồng gặp rất nhiều khó khăn. Thêm vào đó, khi thiết kế công suất tiêu cho các công trình tiêu úng đều chỉ ở mức mưa 300mm kéo dài từ 2-3 ngày.

Do vậy, ngày 9-11, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo đã quyết định trích 18,6 tỷ đồng để lắp đặt các trạm bơm dã chiến tiêu úng cho phía Tây TP. Đồng thời, Chủ tịch UBND TP Hà Nội, ông Nguyễn Thế Thảo yêu cầu, việc lắp đặt các trạm bơm dã chiến phải hoàn thành và đưa vào vận hành ngay trong ngày hôm nay, 11-11.

Phó Chủ tịch UBND TP  Trịnh Duy Hùng cũng yêu cầu, những huyện nào không còn khu dân cư bị ngập phải nhường cho các huyện khác, giảm việc bơm xả nước ra các sông. Tránh trường hợp tất cả các điểm cùng tiêu úng sẽ dẫn đến nguy cơ vỡ đê hoặc tái ngập úng khu vực dân cư, do vậy, các địa phương trong quá trình tiêu úng phải linh hoạt, hài hòa lợi ích với nhau.

Ngân  Tuyền