Gần 10 năm chưa làm xong 6km đường

ANTD.VN - Quãng đường chỉ hơn 6km nối từ QL5 vào khu công nghiệp Hapro (tỉnh lộ 179 - Gia Lâm) nhưng 10 năm vẫn chưa thể hoàn thành vì còn 0,76km dang dở. Hơn 100 hộ dân hai bên đường chấp nhận cảnh tạm bợ để chờ đợi dự án hoàn thành GPMB. Nhiều đoạn đường trên tuyến đã xuống cấp nghiêm trọng với những “ổ voi”, “ao cá” và hàng loạt vụ TNGT nghiêm trọng đã xảy ra.

“Đoạn đường đau khổ” qua phố Keo (Gia Lâm) gần 10 năm chưa thi công xong

Lầy lội quãng đường 600m

Dự án nâng cấp mở rộng tuyến đường nối từ QL5 vào KCN Hapro được UBND TP Hà Nội phê duyệt vào tháng 4-2007 và khởi công vào năm 2008. Đoạn đường có chiều dài 6,2km đi qua địa bàn xã Lệ Chi, xã Kim Sơn và một đoạn xã Phú Thị của huyện Gia Lâm. Dự án được giao cho Ban QLDA Giao thông đô thị (Sở GTVT) làm chủ đầu tư.

Nhưng đến nay, đã gần 10 năm trôi qua, con đường vẫn chưa thể hoàn thành. Ghi nhận của phóng viên vào sáng  30-8 cho thấy, cả đoạn đường dài 6,2km đã được mở rộng thênh thang với 4 làn xe nhưng chỉ còn 1 đoạn kéo dài từ phố Keo (Kim Sơn) đến phố Sủi (Phú Thị) chừng 700m còn dang dở. 

Đáng nói, đoạn đường chỉ dài 700m nhưng đang xuống cấp nghiêm trọng với đầy ổ voi. Mặt đường chỉ đổ đá cấp phối lổn nhổn, gồ ghề. Dù trời nắng nhưng đường lầy lội, trong khi lưu lượng phương tiện qua lại đông đúc với xe container, xe tải nặng… nối đuôi nhau rầm rập.

Anh Trần Thu Bộ, ở phố Keo, Kim Sơn bức xúc: “Dự án mở đường đã làm đến 10 năm nay rồi, địa phương cũng đã đến đo đạc, lên phương án bồi thường lâu lắm rồi nhưng xong lại chẳng thấy gì. Mà đường sá thì như thế này, chỉ có một đoạn thôi nhưng người dân đi lại khổ vô cùng. Đáng nói, hơn 100 hộ dân ở hai bên đường phố Keo 10 năm nay không dám sửa sang nhà cửa để buôn bán kinh doanh vì đã nằm trong dự án”. 

Theo người dân sinh sống hai bên phố Keo, đoạn đường này thường xuyên xảy ra TNGT nghiêm trọng vì quá đông xe tải, xe container lưu thông, trong khi đường thì xấu, hai bên đường có trường học, chợ, nhà dân sinh sống. Nhiều ổ gà, ổ voi đã được đơn vị quản lý khắc phục tạm bợ bằng cách đổ đá cấp phối vội vã, nham nhở nhưng không ăn thua vì hôm nay đổ, ngày mai xe chạy lại bong bật hết. 

Trao đổi về “đoạn đường đau khổ” này, ông Dương Văn Hải, Phó Chủ tịch UBND xã Kim Sơn thốt lên: “Dân hai bên đường khổ lắm, đi không được, ở không xong vì dự án này. Chỉ còn chừng 700m qua phố Keo thuộc địa bàn xã Kim Sơn nhưng đường toàn “ổ voi, ao cá”, nhiều hố sâu và rộng, xe container lỡ sa xuống còn gãy cả trục.

Tháng 4 sang năm là “kỷ niệm” tròn 10 năm con đường đau khổ này”. Theo ông Dương Văn Hải, UBND xã đã rất nhiều lần kiến nghị lên UBND huyện Gia Lâm, Sở GTVT, thậm chí người dân cũng nhiều lần kiến nghị qua các cuộc tiếp xúc cử tri nhưng đều chưa được giải quyết. 134 hộ dân hai bên đường phố Keo nhiều năm nay bị ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt và công việc buôn bán cũng trầm lắng.

Bộ, Sở bình chân, chỉ dân là khổ

Theo thống kê của xã Kim Sơn, trung bình mỗi ngày có khoảng 100-200 lượt xe container và 700 lượt xe tải trọng lớn đi qua đoạn đường này. Lý giải cho tình trạng này, ông Dương Văn Hải cho rằng, do xe container và xe tải trọng lớn “né” trạm thu phí số 1 trên QL5 chạy vòng vào tỉnh lộ 179, rồi xe từ Bắc Ninh đổ về Hà Nội. “Từ khi tuyến đường này bắt đầu khởi công xây dựng đến nay, đã có hàng chục vụ TNGT xảy ra, làm 7 người chết và gần 20 người bị thương. Mới đây nhất, ngày    12-7, đoạn qua phố Keo 1 xe container đã cán 1 phụ nữ đi xe máy dẫn tới tử vong”, ông Dương Văn Hải thông tin. 

Liên quan đến tiến độ tuyến đường tỉnh lộ 179, ông Hoàng Văn Tuấn, Phó Giám đốc Ban QLDA giao thông đô thị cho biết, dự án  đến hết năm 2013 đã hoàn thành đưa vào khai thác 5,24km/6,2km. Tuy nhiên, năm 2014, Bộ GTVT đã lấy ý kiến của TP Hà Nội về việc nâng cấp, cải tạo QL17 đoạn nối từ QL5 đến QL18 (trong đó, đoạn qua địa bàn TP Hà Nội dài 6,4km trùng với tỉnh lộ 179 đoạn từ QL5 đến KCN Hapro đang nâng cấp) theo hình thức BOT. Từ đó đến nay, Hà Nội không tiếp tục bố trí vốn cho dự án này nữa. 

Giữa năm 2016, trước kiến nghị cũng như bức xúc của người dân xã Kim Sơn, Sở GTVT Hà Nội đã có văn bản “hỏi” Bộ GTVT và đầu tháng 7-2016, Bộ GTVT trả lời “đã hủy bỏ dự án nâng cấp QL17 do bị siết chặt việc đầu tư BOT” và đây là tuyến đường độc đạo nối Hà Nội và Bắc Ninh nên việc đặt trạm thu phí BOT sau khi dự án hoàn thành dễ gây bức xúc cho người dân.

Sau khi có văn bản trả lời của Bộ GTVT, ngày 19-8, UBND TP Hà Nội đã có văn bản giao các Sở Kế hoạch - Đầu tư, Tài chính, GTVT và huyện Gia Lâm tiếp tục dự án, hoàn thiện trong năm 2016. Theo ông Hoàng Văn Tuấn, kinh phí đầu tư của đoạn đường hơn 700m còn lại khoảng hơn 130 tỷ đồng, trong đó phần lớn là chi phí giải phóng mặt bằng. Với tình hình bố trí nguồn vốn của năm 2016 và tiến độ GPMB, thực tế là không thể hoàn thành dự án trong năm nay.