“Găm” vũ khí thô sơ - Phải có chế tài mạnh hơn

ANTĐ - Thời gian gần đây, các tổ công tác 141 - CATP Hà Nội liên tục phát hiện, ngăn chặn các vụ đối tượng đem theo vũ khí thô sơ để giải quyết mâu thuẫn. Theo các chuyên gia pháp lý, nguyên nhân khiến các đối tượng vẫn tàng trữ và sử dụng vũ khí thô sơ bừa bãi là do chế tài đối với hành vi này chưa đủ mạnh…

“Găm” vũ khí thô sơ - Phải có chế tài mạnh hơn ảnh 1Đối tượng và tang vật vụ tàng trữ vũ khí thô sơ bị lực lượng 141 phát hiện 

Đao kiếm rợn người

Tối 12-6, tổ công tác Y2/141 làm nhiệm vụ tại ngã tư Tạ Quang Bửu - Lê Thanh Nghị (quận Hai Bà Trưng), phát hiện nghi vấn và kiểm tra 1 thanh niên điều khiển xe Wave không đeo biển kiểm soát, không đội mũ bảo hiểm. Bên trong chiếc túi xách của người này có 1 dao loại chọc tiết lợn. Đấu tranh tại chỗ, đối tượng khai báo quanh co, thái độ không hợp tác. Ngay sau đó, đối tượng được đưa về trụ sở CAP Bách Khoa và danh tính được làm rõ là Nguyễn Dũng Hà (1993, trú tại phường Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai, Hà Nội). Tại cơ quan công an, Dũng khai nhận mang theo dao với mục đích đến một quán karaoke ở Lĩnh Nam để giải quyết mâu thuẫn.

Trước đó, khoảng 23h50 ngày 5-6, trong khi làm nhiệm vụ tại nút giao thông Láng Hạ - Đê La Thành, các trinh sát thuộc tổ công tác Y1/141 phát hiện 2 xe taxi chở nhiều đối tượng  xăm trổ, mặt mũi bặm trợn. Ngay khi bị yêu cầu xuống xe, các đối tượng thể hiện thái độ khó chịu với lý do “đang vội” và luôn miệng khẳng định trên xe không có gì. Tuy nhiên sau đó, lực lượng 141 đã tìm thấy trên xe có tổng cộng 5 con dao nhọn  và 1 dao tông dài khoảng 60cm. Qua đấu tranh, cơ quan công an làm rõ số hung khí trên được đối tượng Hồ Ngọc Hùng (SN 1987, ở tổ 10 phường Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai, Hà Nội, mua và mang theo để cùng các đối tượng đi “quyết chiến” với đối thủ do mâu thuẫn trong kinh doanh. 

Thiếu hiểu biết và coi thường pháp luật

Thượng úy Phạm Vũ Quang - Phó Trưởng CAP Thành Công cho biết, cơ quan công an đã ra quyết định xử phạt hành chính số tiền 15 triệu đồng đối với Hồ Ngọc Hùng, theo quy định tại điểm c, khoản 5, Điều 10 - Nghị định 167 về hành vi “mua, bán, vận chuyển, tàng trữ vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ mà không có giấy phép”; các đối tượng còn lại cũng bị xử phạt hành chính về lỗi vi phạm không mang theo giấy tờ tùy thân.

Song thực tế là mức phạt tiền đối với hành vi mang theo vũ khí thô sơ chưa đủ sức răn đe. Tiến sĩ, Đại tá Nguyễn Minh Đức - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu tội phạm học và phòng ngừa tội phạm thuộc Học viện Cảnh sát nhân dân đánh giá, cùng với những đối tượng “anh chị” mang theo hung khí để giải quyết mâu thuẫn, đang có hiện tượng nhiều thanh niên khi đi chơi đem theo vũ khí, công cụ hỗ trợ nhằm… phòng thân. Từ đây, nhiều vụ trọng án đã xảy ra và để lại hậu quả đáng tiếc. 

“Đây là một trong những hiện tượng xã hội đáng lo ngại, cần cảnh báo và lên án mạnh mẽ”, Đại tá Nguyễn Minh Đức nhìn nhận và phân tích: quy định của pháp luật không cho phép người dân mang theo bất kỳ loại vũ khí nào dù là thô sơ để phòng thân. Hệ thống cơ sở pháp lý đã có thiết chế để bảo đảm sức khỏe tinh thần, tính mạng, các quyền tự do của con người. Cho nên, trong trường hợp này, có thể xảy ra 2 trường hợp. Thứ nhất là sự thiếu hiểu biết pháp luật hoặc có những quan hệ không tốt nên họ luôn sợ rằng, khi đi ra ngoài xã hội có mâu thuẫn phát sinh và phải sử dụng vũ khí để bảo vệ bản thân. Trường hợp thứ hai có thể là sự coi thường pháp luật. 

Hiện tượng tàng trữ vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ… cũng phải xét từ nguyên nhân sâu xa, đó là công tác quản lý vũ khí, công cụ hỗ trợ ở một số địa phương chưa tốt. Trước đây, chúng ta có Nghị định 47 quy định nghiêm cấm một số hành vi như chế tạo, sản xuất, sử dụng vũ khí... Tuy nhiên, Nghị định này vẫn còn một số điểm thiếu sót, chưa đủ tạo ra một hành lang pháp lý vững mạnh cho việc quản lý vũ khí hiện nay. Chính vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã sửa đổi và nâng lên thành Pháp lệnh số 16/2011 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.

Theo Luật sư Nguyễn Anh Tuấn - Đoàn Luật sư TP Hà Nội, mục đích mà nhiều đối tượng mang theo vũ khí là để chuẩn bị phạm tội cố ý gây thương tích, hoặc giết người, như vụ đâm chết người trên xe ô tô xảy ra ở đường Phạm Văn Đồng vừa được TAND thành phố Hà Nội xét xử sơ thẩm. Không ít đối tượng có nhân thân không tốt luôn mang theo vũ khí trong người để “phòng thân” và tấn công người khác.

Vẫn theo Luật sư Nguyễn Anh Tuấn, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do đối tượng thiếu hiểu biết hoặc coi thường pháp luật, khi xảy ra mâu thuẫn không yêu cầu cơ quan pháp luật giải quyết mà tự mình giải quyết hoặc thuê mướn các đối tượng xã hội. Ở góc độ khách quan, có thể thấy, chế tài hiện nay đủ mạnh để răn đe, hạn chế, cấm đoán được hành vi mang theo vũ khí thô sơ. Các chế tài còn nhẹ, mới chỉ dừng ở việc phạt tiền. Còn việc khởi tố hình sự để xử lý theo quy định tại Điều 233 Bộ luật Hình sự về tội “Chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí thô sơ hoặc công cụ hỗ trợ”, chỉ có thể áp dụng khi đối tượng đã bị xử phạt hành chính. 

Hiện nay, cùng với việc tăng cường chế tài và biện pháp thực hiện, cần làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật để mỗi công dân nắm được và cùng tham gia phong trào phòng ngừa tội phạm, vi phạm. Hành vi tàng trữ vũ khí thô sơ nói riêng phải được phát hiện sớm, ngăn chặn, không để xảy ra hậu quả xấu.