Gam màu sáng trong lợi nhuận ngân hàng 2014

ANTĐ - Tính tới thời điểm này, một số ngân hàng thương mại đã công bố lợi nhuận năm 2014 với kết quả tương đối khả quan. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, năm 2015, các ngân hàng vẫn phải đối mặt với nhiều rào cản trên con đường tìm kiếm lợi nhuận. 

Gam màu sáng trong lợi nhuận ngân hàng 2014 ảnh 1Bức tranh lợi nhuận ngân hàng năm 2014 đang dần hé lộ

Nhiều ngân hàng vượt chỉ tiêu lợi nhuận

Chia sẻ về kết quả lợi nhuận năm 2014, Ông Lê Đức Thọ - Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) cho biết: “Năm 2014, lợi nhuận của VietinBank đạt mức 7.300 tỷ đồng và nợ xấu chỉ ở mức hơn 1%, mức thấp nhất trong hệ thống ngân hàng hiện nay. Tổng tài sản của ngân hàng tính tới cuối năm 2014 vào khoảng 660.000 tỷ đồng, nguồn vốn ở mức 60.000 tỷ đồng. Với lợi nhuận nói trên, VietinBank đã vượt nhẹ so với kế hoạch đề ra từ đầu năm 2014”.

Với vai trò dẫn dắt thị trường tín dụng nông nghiệp - nông thôn, năm 2014, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank) đã phải đối mặt với nhiều khó khăn. Tuy nhiên, con số lợi nhuận ngân hàng công bố mới đây cho thấy kết quả khá khả quan. Cụ thể, lợi nhuận trước thuế của Agribank là 3.238 tỷ đồng, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2013, đạt 101% kế hoạch năm 2014. Tổng nguồn vốn của ngân hàng đạt 690.191 tỷ đồng, tăng 10,2% so với cuối năm 2013. Trong đó, tiền gửi dân cư tăng trưởng tốt, chiếm tỷ trọng 78,4% vốn huy động. Tổng dư nợ cho vay đạt 605.324 tỷ đồng, trong đó dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn đạt 411.295 tỷ đồng, tăng 32.310 tỷ đồng so với năm 2013 và chiếm tỷ trọng 74,3% tổng dư nợ.

Cũng nằm trong khối các ngân hàng thương mại Nhà nước, lợi nhuận trước thuế của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển (BIDV) trong năm 2014 đạt 6.065 tỷ đồng, tăng trưởng 20%. Dư nợ tín dụng đạt trên 461.000 tỷ đồng, tăng trưởng 18,9%, cơ cấu và tăng trưởng tín dụng tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên. Tỷ lệ nợ xấu của BIDV đạt 1,8% (thấp hơn so với mức 3% theo quy định). 

Theo Ngân hàng TMCP Quân đội (MB), tính đến ngày 31-12-2014, theo số liệu riêng ngân hàng, lợi nhuận trước thuế ước đạt khoảng 3.003 tỷ đồng, huy động vốn tăng 22%, tổng dư nợ tăng 15,7% so với năm 2013 và vượt kế hoạch đề ra cho năm 2014.

Ở nhóm các ngân hàng thương mại ngoài quốc doanh, đến thời điểm này mới có Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) đưa ra con số chính thức về kết quả lợi nhuận. Lãnh đạo TPBank cho biết, kết thúc năm 2014, tổng tài sản của TPBank đạt trên 51.500 tỷ đồng, dư nợ tín dụng tăng trưởng trên 50% so với đầu năm. Lợi nhuận luỹ kế (sau khi trích đủ dự phòng tín dụng) tốt hơn so với dự báo, đạt trên 536 tỷ đồng, bằng 122% kế hoạch năm. 

Kỳ vọng gì ở năm 2015?

Theo đánh giá của MB, mặc dù nền kinh tế vĩ mô đang có dấu hiệu hồi phục, năm 2015 vẫn là một năm tiềm ẩn nhiều khó khăn đối với hoạt động ngân hàng. Tuy nhiên, MB vẫn đặt mục tiêu tăng trưởng năm 2015 với lợi nhuận trước thuế dự kiến đạt 3.150 tỷ đồng, huy động dự kiến tăng 8 - 10%, dư nợ dự kiến tăng khoảng 15% - 17% so với năm 2014, nợ xấu kiểm soát dưới 3%. 

Trong khi đó, đại diện ngân hàng BIDV cho biết, dự kiến trong năm 2015, BIDV đặt ra mục tiêu nguồn vốn huy động tăng 16,5%, tín dụng tăng 16%, nợ xấu dưới 2,5%, lợi nhuận trước thuế tăng trưởng không thấp hơn 20%.

Một trong những điểm thuận lợi trong năm 2015 là mục tiêu tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống được Ngân hàng Nhà nước đưa ra ở mức 13-15%. Theo các chuyên gia, đây là mức tăng trưởng tín dụng khả thi bởi kinh tế thế giới cũng như kinh tế trong nước được dự báo sáng sủa hơn. Các gói tín dụng lớn được thiết kế trong thời gian qua cũng sẽ đi vào cuộc sống dễ hơn trong năm 2015.

Trong khi đó, quá trình tăng trưởng trong năm 2015 sẽ có những rào cản như sức cầu nền kinh tế, thủ tục hành chính trong việc cho vay vốn và vấn đề liên quan đến nợ xấu. Nếu không xử lý dứt điểm nợ xấu thì câu chuyện tín dụng cho cả bên cho vay lẫn bên đi vay vẫn khó. Những rào cản này sẽ ảnh hưởng tới việc đẩy vốn ra nền kinh tế cũng như hạn chế lợi nhuận của các ngân hàng. 

“Năm 2015 sẽ là một năm rất khó khăn với ngành ngân hàng, bởi nợ xấu được điều chỉnh mạnh theo quy định của Ngân hàng Nhà nước với những tiêu chuẩn khắt khe hơn. Bên cạnh đó, Thông tư 36/2014/TT-NHNN có hiệu lực sẽ siết chặt về điều kiện cho vay. Chính vì vậy, ngân hàng phải nỗ lực hơn rất nhiều để duy trì được  mức tăng trưởng lợi nhuận”, TS. Nguyễn Trí Hiếu nhận định.