Gà vườn xuống giá, gà chợ đứng yên

ANTĐ - Sau một thời gian dài tăng giá, hiện giá gia cầm đang trên đà giảm mạnh khiến người chăn nuôi như ngồi trên đống lửa. Đáng nói, sự giảm giá này làm cho cả người chăn nuôi và người tiêu dùng chịu thiệt.

Gà vườn xuống giá, gà chợ đứng yên ảnh 1Gà, vịt đang mất giá khiến người chăn nuôi lo ngại thất thu

Gà, vịt giảm giá, tư thương lợi

Theo quy luật hàng năm, cứ về cuối năm, thực phẩm trong đó có thịt lợn, gia cầm được giá. Bởi vậy, chuẩn bị cho Tết, người chăn nuôi thường vào đàn để chờ dịp cuối năm. Tuy nhiên, trái với quy luật, hiện giá gia cầm tại các vùng chăn nuôi lớn ở miền Bắc như Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hà Nội, Hưng Yên... đang giảm mạnh. Không chỉ giá gà ta thả vườn giảm khoảng 10.000 đồng/kg mà gà công nghiệp cũng giảm từ 15.000-20.000 đồng/kg. Giá trứng gia cầm cũng giảm từ 1.800-1.900 đồng xuống chỉ còn 1.500-1.700 đồng/quả. Tại miền Nam, thịt - trứng gia cầm cũng giảm giá nhiều. Do giá giảm mạnh nên tại nhiều địa phương, các chủ trại và hộ dân ồ ạt bán cắt lỗ làm giá càng giảm thêm và tạo ra nguy cơ khan thiếu thực phẩm cho thị trường cuối năm.

Thực phẩm giảm giá là tín hiệu đáng mừng cho người tiêu dùng, song đáng nói, giá gia cầm chỉ giảm tại các trang trại, hộ nuôi còn giá tiêu thụ trên thị trường gần như không giảm. Giá tư thương bán đến người tiêu dùng tại các chợ vẫn ở mức cao. Tại Hà Nội và nhiều đô thị khác, giá gà ta thả vườn vẫn đang được tư thương bán giá 100.000 đồng/kg gà lông, trong khi tại các trại nuôi, nông dân chỉ bán được với giá 70.000-75.000 đồng/kg, cao nhất cũng chỉ được 80.000-85.000 đồng/kg. 

Ông Nguyễn Đức Trọng, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho biết, nguyên nhân giá gia cầm giảm vì thời gian qua nông dân cả nước đã đầu tư mạnh, mở rộng sản xuất. Đây là một quy luật lặp đi lặp lại: khi giá tăng cao thì bà con đổ xô nuôi và sau đó nguồn cung tăng, giá lại giảm. Cụ thể, thời điểm từ tháng 3-4 đến tháng 5-6, giá gà tăng cao, lên đến 37.000 - 38.000 đồng/kg với gà công nghiệp nên các công ty và người chăn nuôi ồ ạt tăng đàn. Tại các tỉnh phía Nam, tỷ lệ tăng đàn ước lên tới 10%, từ trung bình 1,5 triệu con/tuần lên 1,7 triệu con/tuần. Tuy nhiên, từ tháng 7 đến nay, giá gà bắt đầu rớt và cao điểm là trong tháng 9-10. Ngoài ra, còn có nguyên nhân từ lượng thịt nhập khẩu về tăng đột biến trong tháng 5 và 6 với gần 10.000 tấn thịt gà đã kéo giá gia cầm giảm mạnh.

Thực phẩm cuối năm ổn định

Hiện tại, ở các tỉnh phía Nam, giá các loại gia cầm đang giảm khoảng 10-20%. Trong khi tại miền Bắc, giá gà ta lông chỉ còn 70.000-75.000 đồng/kg, còn gà công nghiệp chỉ còn 27.000 đồng/kg, loại gà lông màu 35.000-40.000 đồng/kg. “Để nuôi được một lứa gà lông màu cần khoảng 3 tháng và giá bán phải từ trên 40.000 đồng/kg thì nông dân mới có lãi”, ông Nguyễn Đức Trọng cho hay. Anh Nguyễn Văn Lường, chủ trang trại chăn nuôi gà tại Uy Nỗ, Đông Anh, Hà Nội cho biết, năm nay, gà ít dịch bệnh nên tháng 10 vừa qua, gia đình anh đã vào đàn khoảng 3.000 con cho dịp Tết Nguyên đán sắp tới. “Giá gia cầm giảm mạnh thời gian gần đây khiến tôi mất ăn, mất ngủ. Gà thì vào đàn rồi, buộc phải chăn nuôi, nhưng giá cả cuối năm mà bếp bênh thế này không khéo lại lỗ to” – anh Lường nói.

Trong 1-2 tuần gần đây, giá có nhúc nhích tăng trở lại nhưng nông dân vẫn đang phải bán rẻ và chưa có lãi. Ông Nguyễn Đức Trọng nhận định, không lo nguồn thực phẩm cuối năm bởi hiện nay, sản lượng thịt đều tăng trong khi dịch bệnh đang được kiểm soát tốt. Lượng thịt lợn năm nay tăng 2,2% so với cùng kỳ năm trước do tổng đàn tăng 1,5-2%. Ngoài ra, đại diện Bộ NN&PTNT cũng cho biết, Bộ vừa có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố yêu cầu đẩy mạnh chăn nuôi cũng như chủ động kiểm soát tốt dịch bệnh để đảm bảo đủ nguồn thực phẩm sạch cho thị trường cuối năm và Tết Nguyên đán năm nay.