Gã siêu lừa làm "ảo thuật" với tiền bẩn

ANTĐ - Trong 4 giờ trả lời phỏng vấn hãng tin AP, Gilbert Chikli - một tay lừa đảo lão luyện mang 2 dòng máu Pháp-Israel, kẻ bị cáo buộc ăn cắp từ các công ty phương Tây tổng số tiền lên tới 1,8 tỷ USD - tiết lộ, với thủ đoạn giả danh chủ tịch hay CEO của các tập đoàn lớn để lừa đảo bằng email giao dịch, y đã “rửa” 90% số tiền bẩn kiếm được qua ngõ Trung Quốc và Hong Kong. “Trung Quốc đã trở thành cửa ngõ quen thuộc của đủ loại lừa đảo quốc tế” - Chikli nói.

Gã siêu lừa làm "ảo thuật" với tiền bẩn ảnh 1

Rất tuyệt

Siêu lừa Gilbert Chikli từng sở hữu một cửa hàng bán quần áo tại Sentier, một khu phố tại Paris (Pháp). Ở khu phố này, Gilbert Chikli đã đánh hơi được tiềm năng “rửa tiền” béo bở ở Trung Quốc vào năm 2000, tức là ngay trước năm Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

Theo hồ sơ pháp lý, Chikli giả danh các giám đốc điều hành (CEO) hàng đầu hay đặc vụ tình báo, dụ dỗ nhiều nhân viên của một số công ty lớn nhất thế giới chuyển tiền vào những tài khoản ma do y kiểm soát. Cụ thể, Chikli đã gọi điện thoại trực tiếp đến công ty quản lý Công viên giải trí Disneyland tại Paris, rồi tự nhận mình là CEO của Disneyland.

Chikli lại gọi đến Tập đoàn Công nghệ Thomson SA của Pháp và dụ dỗ một nhân viên của công ty chuyển hàng triệu euro đến các tài khoản ở Nga, Thụy Sĩ và Anh. Chiêu thức lừa đảo đơn giản chỉ bằng cách “gọi điện thoại” này đã được Chikli áp dụng để lấy tiền của nhiều công ty lừng danh khác trên thế giới như Ngân hàng Barclays của Hoàng gia Anh, Công ty Kinh doanh nghệ thuật Galaries Lafayette và nhiều hãng tín dụng.

Tòa án tại Pháp năm 2015 đã ra phán quyết Chikli tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản các ngân hàng lớn trên thế giới như La Banque Postale, LCL và HSBC. Tổng số tiền trong những vụ lừa đảo trên được ước tính lên đến gần 6,1 triệu euro. Ngoài ra, Chikli còn bị truy tố về âm mưu chiếm đoạt hơn 70 triệu euro của ít nhất 33 công ty khác, bao gồm nhiều tên tuổi như Barclays, American Express và công ty điều hành Disneyland Paris.

Gã siêu lừa làm "ảo thuật" với tiền bẩn ảnh 2

Bị kết án vắng mặt 7 năm tù giam và phạt 1 triệu euro, song Chikli vẫn công khai sống hưởng thụ trong ngôi nhà 3 tầng xa hoa ở TP cảng Ashdod của Israel bên bờ Địa Trung Hải, bởi lẽ giữa Israel - Pháp không có thỏa thuận dẫn độ song phương.

Mới đây để thể hiện sự ngang tàng, trong 4 giờ trả lời phỏng vấn của AP, Chikli còn khoe khoang về chiến thuật lừa đảo của mình. Chikli ca tụng rằng rửa tiền ở Trung Quốc “rất tuyệt” và 90% số tiền của y được làm sạch tại đó. Theo Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI), những phi vụ “CEO giả” của Chikli gây thiệt hại khoảng 1,8 tỉ USD của nhiều công ty trên toàn cầu chỉ trong vòng 2 năm.

Gilbert Chikli tiết lộ phương pháp rửa tiền ưa thích là lợi dụng sơ hở của hoạt động xuất nhập khẩu. Ban đầu, y yêu cầu “con mồi” chuyển tiền vào các tài khoản ngân hàng trên khắp thế giới, phổ biến nhất là ở Đông Âu, sau đó dẫn dắt sang Trung Quốc và Hong Kong để rút tiền mặt. Tiền này được dùng để mua các loại hàng hóa như giày dép, vàng, thép, đồ dệt may ở Trung Quốc. Thủ đoạn này tinh vi ở chỗ dù chỉ mua 20 tấn thép nhưng y có thể thỏa thuận ngầm để có biên lai tới 100 tấn. Số tiền bán hàng sau đó được gửi về Israel với danh phận hoàn toàn sạch sẽ.

Làm ảo thuật với tiền bẩn

Trung Quốc gần đây nổi lên như một đầu mối rửa tiền của tội phạm. Trên thực tế Trung Quốc không xa lạ gì với hoạt động rửa tiền, dù vậy hoạt động này trước nay chủ yếu đến từ nội địa. 

Bất chấp các biện pháp kiểm soát tiền tệ ngặt nghèo, chỉ trong năm 2015 số tiền kỷ lục lên tới 711 tỉ USD đã “chạy” khỏi Trung Quốc. Giới tình báo phương Tây tiết lộ hiện các mạng lưới tội phạm Israel đang liên kết với dân nhập cư gốc Trung Quốc ở khắp châu Âu để rửa tiền qua mạng lưới “fei qian - tiền bay”. Nhóm dân nhập cư này đưa tiền mặt cho các trung gian, vốn là các thành viên uy tín trong cộng đồng người Hoa ở Pháp, Ý, Tây Ban Nha, Bỉ hoặc Đức. Các trung gian này cho những kẻ lừa đảo biết thông tin tài khoản ngân hàng để chuyển tiền bẩn. Khi giao dịch này được xác nhận, bọn lừa đảo sẽ nhận tiền mặt từ các trung gian người Trung Quốc.

Tháng 2-2016, giới chức trách Tây Ban Nha đã bắt giữ 6 chuyên viên thuộc các ngân hàng lớn nhất Trung Quốc vì cung cấp dịch vụ rửa tiền cho các tập đoàn tội phạm người Trung Quốc và Tây Ban Nha. Mạng lưới này được Europol cho biết có khả năng kéo dài tới tận Pháp, Đức và Litva.

Theo cáo trạng của Ủy ban Công lý Hoa Kỳ tháng 9-2015, 3 người Colombia trú tại Quảng Châu, Trung Quốc đã rửa hơn 5 tỷ USD đến từ các tổ chức buôn ma túy tại Mexico và Colombia thông qua các tài khoản ngân hàng tại Hong Kong và Trung Quốc lục địa. Tiền rửa xong được dùng để mua hàng giả từ Trung Quốc, rồi nhập vào Colombia cùng một số thị trường khác để bán lại.

Người đứng đầu cơ quan tình báo tài chính của Cảnh sát Liên minh châu Âu (Europol), ông Igor Angelini, báo động Trung Quốc là “điểm mù” đối với cả Mỹ và châu Âu trong vấn đề này. Còn siêu lừa Chikli nhấn mạnh: “Tôi biết rằng Trung Quốc là nơi có thể làm ảo thuật với tiền bẩn. Chẳng có gì bí mật cả. Cả thế giới biết điều đó”.