“Gã phủ thủy” và “bữa tiệc” âm thanh

ANTĐ - Trí Minh sinh ra trong một gia đình nghệ thuật nổi tiếng. Bố là nhạc sỹ Thuận Yến, mẹ là NSƯT, nghệ sỹ nhạc dân tộc Hồ Thanh Hương, còn chị gái là ca sỹ được mệnh danh là diva số 1 Việt Nam - Thanh Lam. Trí Minh là một trong những người khai phá nhạc điện tử đầu tiên tại Việt Nam; người được gọi anh là “ảo thuật gia” hay “gã phù thủy” âm thanh.      

- Chào Trí Minh, anh có thể giới thiệu về người bạn đang ngồi trò chuyện cùng với chúng ta ở đây?

- Liên hoan Âm thanh Hà Nội (LHATHN) 2012 (Hanoi Sound Stuff Festival) đã đến gần kề, Michael Moller vừa từ Đan Mạch sang để cùng chúng tôi thực hiện dự án văn hóa, giao lưu giữa Việt Nam và Đan Mạch, giữa châu Á và châu Âu, phương Đông và phương Tây. Michael là một trong những nghệ sỹ rất nổi tiếng ở Đan Mạch lẫn châu Âu; mới đây Michael đoạt giải nhạc sỹ sáng tác và người sáng tạo của năm. Tại Festival, Michael sẽ có phần trình diễn “ngang phân” với người Việt Nam - đối với tôi điều đó rất quan trọng, vì đã đi diễn ở rất nhiều hơn trên thế giới đa phần các bạn diễn nước ngoài  đến với ý nghĩa khách mời để giao lưu chứ không có chuyện là “đối tác” của nhau. 

- Đây là lần thứ 5 LHATHN diễn ra, lần nào anh cũng có một “ẩn ý” đằng sau nó chứ không đơn thuần là âm nhạc? 

- Năm nay, trong phần giao lưu sẽ để ra một hợp phần - “giao lưu về xã hội” - đó chính là đóng góp của người nghệ sỹ, bộ phận có tiếng nói mang tính chất cộng đồng mạnh hơn để làm thay đổi thái độ của cộng đồng với những nhận thức còn chưa đúng. Trong các hoạt động của festival, tôi, Michael Moller và một nhóm các nghệ sỹ sẽ tới Trung tâm Sao Mai (Trung tâm tư vấn phát hiện sớm - can thiệp sớm và chăm sóc trẻ em khuyết tật trí tuệ) để giao lưu, dạy các em tự kỷ hát. Tại buổi diễn thứ nhất của festival, tất cả chúng tôi và các em trẻ tự kỷ sẽ hát trên sân khấu cho tất cả mọi người xem. Hành động này là cam kết của người nghệ sỹ với xã hội, giúp các em trẻ tự kỷ hòa nhập cộng đồng. Một nhánh khác của festival, tôi, Michael Moller cùng với Dàn Hợp xướng thiếu nhi Sol Art của chị Đặng Châu Anh sẽ hát cùng với NSƯT Thanh Lam. Thông điệp của LHATHN về phía nghệ thuật và âm nhạc là muốn đưa lại sự lựa chọn đa dạng cho cộng đồng nghe nhạc. Còn một thông điệp nữa mà cũng rất muốn song hành là hoạt động “ẩn” mang tính chất xã hội. Tôi muốn thông qua chất lượng âm nhạc cao và sự lựa chọn đa dạng giới thiệu cho công chúng nghe nhạc những vấn đề xã hội quan tâm như là về môi trường, xóa đói giảm nghèo, xóa bỏ kỳ thị giữa người bình thường và người khuyết tật…  

- Hát với trẻ tự kỷ? Tại sao anh lại chọn nhóm trẻ em khuyết tật trí tuệ?

- Trong 2 ngày chính của festival (13 và 14-4), chúng tôi sẽ mời rất nhiều nhóm trẻ em như khuyết tật, cơ nhỡ đường phố, nhóm câm điếc… tới tham dự. Tôi đã từng giao lưu với một đoàn múa, tôi thấy họ sinh hoạt rất bình thường, thậm chí họ còn nghe được những cái mà người bình thường không nghe được. Họ rất thích đi xem ca nhạc, thật lạ, tôi hỏi và họ giải thích là xem người ta mấp máy để đọc ngôn ngữ môi; đặc biệt hơn nữa là họ cảm giác âm thanh rất rõ bằng sóng rung trong âm nhạc. Đó là việc tôi muốn hướng đến sự hòa nhập cộng đồng, để người bình thường như chúng ta có cái nhìn không khác biệt về người khuyết tật, để xóa nhòa ranh giới giữa con người với con người để cùng nhau phát triển.    

- Anh chia sẻ rằng rất yêu trẻ con, đó có phải là một câu nói thật ?

- Tôi là người tích cực trong các hoạt động xã hội, và tôi rất yêu con trẻ, ở đó tôi tìm được nhân tố để sáng tạo. Tôi yêu môi trường sáng tạo tự nhiên, trong khi trẻ con rất sáng tạo, sáng tạo một cách bản băng nên tôi học được khả năng đó ở chúng. Còn nữa, tôi hay tạo không gian để hỗ trợ chúng phát triển văn hóa, tổ chức cho bọn trẻ đi chơi, học vẽ, chụp ảnh, đi bơi; đưa chúng đến chơi với những trẻ em khuyết tật, mồ côi để chúng chia sẻ và cảm nhận rằng chúng được sinh ra trong môi trường đầy đủ, hoàn thiện trong khi còn nhiều bạn còn bất hạnh. Mỗi lần vậy tôi có thể cho bọn trẻ con tiền, quần áo, đồ ăn thức uống, bánh kẹo, đồ chơi, chúng thích lắm, nhưng chơi một lúc, hay ăn xong là xong. Thế nhưng tôi mời những nhóm trẻ em khuyết tật về Hà Nội diễn thì các em sẽ nhớ và kể về những kỷ niệm ấy hàng năm trời. Đó là điều tôi tâm đắc và cố gắng thực hiện trong festival lần này. 

- Anh lấy điều gì để đảm bảo sự thành công của LHATHN lần này?

- Mỗi festival diễn ra phải luôn đảm bảo yếu tố chất lượng để kéo khán giả đến; vì vậy năm nay tôi đã mời những nghệ sỹ đẳng cấp trong giới đến Việt Nam để chơi dòng nhạc thịnh hành họ đang chơi cho giới trẻ nghe. Đây cũng là một hình thức giới thiệu cho công chúng Việt Nam có hiểu biết đa chiều hơn về xã hội. 

- Mời nghệ sỹ nước ngoài sang Việt Nam biểu diễn, khó khăn lớn nhất mà anh gặp phải là gì? 

- Đó chính là sự hiểu biết của nghệ sỹ nước ngoài đối với Việt Nam. Ở một bình diện nào đó, khi tôi tiếp cận với các nghệ sỹ hàng đầu trên thế giới ở những nước phát triển thịnh vượng thì họ luôn nghi ngờ khả năng và có câu hỏi tại sao? Tôi mất rất nhiều thời gian và công sức để giải thích với họ rằng đứng sau tôi là những trung tâm văn hóa, là cả cộng đồng, chúng tôi mong muốn các nghệ sỹ sang đây để phát triển văn hóa chứ không phải để kiếm tiền. Năm nay tôi rất muốn mời 1 nghệ sỹ nổi tiếng của Đức sang biểu diễn, từ làm quen, thư từ, giới thiệu của Giám đốc Viện Goethe nhưng khi tiếp cận người ta lại thuần túy nghĩ đây là một hoạt động thương mại. Phản hồi cuối cùng nằm ngoài sức tưởng tượng của tôi là sẽ phải trả tới 25.000 Euro cho một buổi biểu diễn của họ. Tuy nhiên cũng có rất nhiều nghệ sỹ nổi tiếng sang đây giao lưu và thúc đẩy văn hóa gần như miễn phí. Tôi luôn muốn giới thiệu những cái mới, điều này tạo nên thử thách và khó khăn vì khi đó, mời nghệ sỹ còn phải mời đối tượng nào phù hợp với môi trường văn hóa xã hội Việt Nam chứ không phải hoàn toàn khác lạ. 

- Anh là người khởi xướng ra LHATHN, vậy “ông Trí Minh” thu lợi được gì từ đó?

- Đó là những quan hệ cộng đồng xã hội và vị thế đối với nghệ sỹ nước ngoài. Vị thế của tôi là cá nhân, nhưng về mặt bình diện trên thế giới phẳng thì vô hình trung tôi đại diện cho một cộng đồng âm nhạc điện tử tại Việt Nam. Khi ra nước ngoài, không ai giới thiệu là mỗi “ông Trí Minh” mà luôn đi kèm là “Nghệ sỹ nhạc điện tử Trí Minh đến từ Việt Nam”, đó chính là bản sắc văn hóa. Ở Việt Nam khi giới thiệu Trí Minh bạn có thể biết tôi rồi, nhưng ra nước ngoài người ta không biết mấy, tên tôi người ta có thể quên, nhưng điều rất quan trọng đối với tôi và cũng chính là cái tôi đạt được đó chính là người ta luôn nhớ cái thằng DJ người Việt Nam, đó là một sự đảm bảo cho tôi. 

- Anh đáng giá khả năng “thi đấu” nhạc điện tử của chúng ta với thế giới thế nào?

- Tôi bắt đầu đi tour biểu diễn bình đẳng ở các quốc gia trên toàn thế giới, không phải là mời giao lưu văn hóa, nghĩa là tôi biểu diễn cho khán giả nước ngoài nghe từ năm 2006. Gọi đúng nghĩa là “thi đấu” thì tôi thấy dần dần kỹ năng và khả năng của người Việt Nam không hề thua kém đối với thế giới. Minh chứng cho lời nói này của tôi chính là buổi làm việc giữa tôi và Michael Moller tại Việt Nam, sòng phẳng, không phải ông giúp tôi mà chúng ta cùng làm việc với nhau để tạo ra sản phẩm. Công nghệ là như nhau, chỉ có một khó khăn duy nhất là cộng đồng của chúng ta hơi nhỏ và cái khó là tư duy của mình có theo kịp họ hay không thôi. 

- Một nghệ sỹ Việt Nam theo đuổi âm nhạc điện tử, có nhất thiết phải ra nước ngoài đào tạo để theo kịp tư duy đó không? 

- Đây là một câu hỏi rất hóc búa, thực ra có phải ra nước ngoài để bằng người ta về mặt kỹ năng thì câu trả lời của tôi là không. Nhưng cái mà không học được ở Việt Nam là môi trường, cảm nhận về không gian thì nếu muốn phát triển buộc phải ra nước ngoài để giao lưu, học hỏi, cọ xát mang tính thực tế ở môi trường phát triển, đây là cái không học được.

- Điều làm anh hạnh phúc khi theo đuổi âm nhạc điện tử là gì?

- Một lần tôi biểu diễn trong một cái hang tại thung lũng giữa Áo, Đức và Thụy Sỹ cho 500 người xem. Tôi biểu diễn những bản nhạc tôi hay biểu diễn được pha trộn giữa âm nhạc Việt Nam và thế giới. Kết thúc khán giả rất thích, nhưng có một nhóm thanh niên đến nói với tôi rằng bọn tao vừa mới sang Việt Nam chơi và thấy Việt Nam ở trong bản nhạc mày chơi - điều đó làm tôi cảm thấy thật sự thành công, mỹ mãn. Lần khác, tôi chơi ở Trung tâm Việt Nam tại Pháp cho một nhóm Việt Kiều, họ nghe và rất nhiều người độ tuổi 60, 70 khóc. Sau đó họ đã đến tìm và nói lời cảm ơn với tôi rằng đã cho họ một không gian âm nhạc điện tử mới chưa bao giờ được nghe, đặc biệt là âm nhạc của tôi đã dẫn họ về không gian cuộc sống Việt Nam xưa thật gần gũi - điều đó làm tôi cảm thấy rất hạnh phúc vì đã đưa được âm nhạc điện tử thuần túy châu Âu mà trong đấy có bản sắc văn hóa Việt Nam trong đấy.   

- Cảm ơn, chúc Liên hoan Âm thanh Hà Nội 2012 thành công!