Ga ngầm C9 – hồ Hoàn Kiếm thuộc tuyến metro Nam Thăng Long- Trần Hưng Đạo nên đặt ở đâu?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Trong văn bản gửi UBND TP Hà Nội về vị trí đặt ga ngầm C9- hồ Hoàn Kiếm tuyến metro số 2 Nam Thăng Long- Trần Hưng Đạo, MRB Hà Nội cho rằng, nên giữ nguyên vị trí ga C9 như hiện nay để đảm bảo tiến độ hiệu quả của dự án.

Ban Quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội (MRB Hà Nội) vừa có văn bản gửi UBND TP Hà Nội báo cáo về các phương án tuyến và vị trí ga C9 dự án đường sắt đô thị Nam Thăng Long- Trần Hưng Đạo theo kết luận của Phó Chủ tịch UBND TP Dương Đức Tuấn tại cuộc họp vào tuần trước đó.

Nghiên cứu thêm 3 phương án cho ga ngầm C9

Theo đó, tại cuộc họp này, Phó Chủ tịch Hà Nội Dương Đức Tuấn kết luận vị trí, thiết kế nhà ga ngầm C9 và tuyến ngầm dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị TP Hà Nội số 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo cơ bản nằm trong vùng phụ cận, có một phần thân ga C9 và công trình phụ trợ nằm trong ranh giới khu vực bảo vệ (dưới ngầm) của di tích quốc gia đặc biệt hồ Hoàn Kiếm và đền Ngọc Sơn.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có nhiều văn bản đề nghị UBND TP Hà Nội nghiên cứu điều chỉnh hướng tuyến, vị trí nhà ga C9 và các công trình phụ trợ bảo đảm không gây ảnh hưởng bất lợi đối với khu vực bảo vệ các di tích.

Phối cảnh ga ngầm C9- hồ Hoàn Kiếm

Phối cảnh ga ngầm C9- hồ Hoàn Kiếm

Tuy nhiên, qua báo cáo, đánh giá các phương án điều chỉnh cho thấy, việc điều chỉnh hướng tuyến và vị trí nhà ga ngầm C9 sẽ dẫn đến ảnh hưởng toàn hệ thống đường sắt đô thị (8 tuyến) và phải báo cáo Bộ GTVT, Bộ Xây dựng để trình Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh cục bộ các quy hoạch.

Đồng thời, phải tiếp tục điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án, không bảo đảm kỹ thuật chạy tàu, làm tăng chi phí và phát sinh khiếu kiện phức tạp kéo dài, dẫn đến không bảo đảm tiến độ, chất lượng thực hiện dự án đầu tư.

Để bảo đảm tính khả thi cũng như giảm tối đa ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng dự án đầu tư, Phó Chủ tịch UBND TP giao MRB Hà Nội chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan khẩn trương nghiên cứu bổ sung theo 3 phương án:

Phương án 1: Nghiên cứu kỹ về tiêu chuẩn kỹ thuật, kỹ thuật công nghệ đối với loại hình đường sắt đô thị ngầm làm cơ sở nghiên cứu điều chỉnh thiết kế, vi chỉnh cục bộ tổng mặt bằng ga ngầm C9 để không nằm vào vùng bảo vệ II của di tích quốc gia đặc biệt hồ Hoàn Kiếm và đền Ngọc Sơn (ranh giới nhà ga ngầm trùng với ranh giới vùng bảo vệ II).

Phương án 2: Giữ nguyên, không đề xuất điều chỉnh hướng đoạn tuyến và phương án tổng mặt bằng ga ngầm đã được MRB Hà Nội và các Sở, ngành TP thống nhất, đã xác định trong quy hoạch Thủ đô, củng cố các văn bản pháp lý để UBND TP thống nhất với Bộ GTVT, Bộ Xây dựng (không điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, Quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô), làm cơ sở báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định về hướng đoạn tuyến và vị trí ga ngầm C9.

TP Hà Nội yêu cầu MRB Hà Nội nghiên cứu thêm 3 phương án cho ga ngầm C9

TP Hà Nội yêu cầu MRB Hà Nội nghiên cứu thêm 3 phương án cho ga ngầm C9

Phương án 3: Giữ nguyên hướng tuyến, xem xét phương án bỏ ga ngầm C9, từ ga ngầm C8 sẽ đến thẳng ga ngầm C10 với yêu cầu bảo đảm tất cả yếu tố về tiêu chuẩn kỹ thuật, kỹ thuật công nghệ liên quan để chạy tàu; phân tích, đánh giá về việc sẽ giảm tổng mức đầu tư, giảm tiến độ thực hiện dự án đầu tư, lưu lượng hành khách...

Phó Chủ tịch UBND TP yêu cầu có phân tích, đánh giá ưu nhược điểm từng phương án, đề xuất báo cáo UBND TP xem xét trong tháng 3/2021, báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Vị trí hiện nay là tối ưu!

Liên quan đến chỉ đạo này, MRB Hà Nội phân tích, về phương án 1, vị trí ga C9 dịch chuyển nằm dưới đường Đinh Tiên Hoàng, kết cấu ga điều chỉnh sang kết cấu xếp chồng (4 tầng), kích thước dài 182.4m, rộng 14.95m, cao 27,7m và tường vây rộng 1.20m.

Phương án này có ga và hầm nằm ngoài mép vỉa hè đường Đinh Tiên Hoàng. Tuyến hầm sẽ phải điều chỉnh cục bộ vị trí so với phương án tuyến đã phê duyệt, kết cấu hầm 2 đầu ga từ song song đồng mức sang song song khác mức.

Trong nghiên cứu sâu hơn của phương án này, có thể đề xuất bỏ cửa lên xuống ga phía bờ hồ Hoàn Kiếm; ảnh hưởng ít hơn đến Khu vực Bảo vệ II của di tích Hồ Hoàn Kiếm, đoạn tuyến đi dưới nhà dân ngắn hơn nên ảnh hưởng tới nhà dân thấp hơn (không đáng kể). Ga C9 là ga dạng xếp chồng cho nên ở các đoạn tuyến 2 đầu ga lớp phủ trên đỉnh hầm mỏng hơn so với ga đồng mức, ảnh hưởng lún sẽ lớn hơn.

Nhưng tuyến theo vị trí ga mới sẽ phải điều chỉnh cục bộ thay đổi với hành lang tuyến đã được phê duyệt tại Quyết định số 2297/QĐ-UBND ngày 28/03/2013, đã công bố công khai và cắm mốc hành lang an toàn để quản lý xây dựng từ tháng 5/2013 theo Luật quy hoạch.

Ngoài ra, chậm trễ do việc điều chỉnh đó ảnh hưởng đến tiến trình thực hiện dự án, ảnh hưởng đến khai thác vận hành hệ thống và công tác quản lý quy hoạch, quản lý xây dựng trên hành lang tuyến.

Ngoài ra, việc thay đổi hướng tuyến, kết cấu tuyến và ga... sẽ thay đổi thiết kế đã được thẩm tra, thay đổi tổng mức đầu tư (so với dự án điều chỉnh đang trình phê duyệt)... sẽ phải trình phê duyệt điều chỉnh!

Ở phương án này, chi phí xây dựng là 4.357 tỷ đồng, tăng hơn phương án đề xuất phê duyệt khoảng 479 tỷ đồng.

Về phương án 2, giữ nguyên phương án tuyến đã được phê duyệt, xem xét tối ưu kích thước ga C9 nhằm hạn chế thấp nhất khả năng tác động, ảnh hưởng đến di tích.

Ga ngầm C9 đề xuất phê duyệt được thiết kế 3 tầng (song song đồng mức) với 4 cửa lên xuống, 1 cụm công trình phụ trợ, 2 tháp thông gió và 1 thang máy cho người khuyết tật.

Cụm công trình phụ trợ, tháp thông gió số 1 và cửa lên xuống số 1 cùng được bố trí trong khuôn viên của Tổng Công ty điện lực Hà Nội.

Cửa lên xuống số 2 và tháp thông gió 2 bố trí trong đất Tổng Công ty Điện lực miền Bắc phía đường Trần Nguyên Hãn; cửa lên xuống số 3 bố trí cạnh thân ga C9, trên khuôn viên vườn hoa bờ hồ Hoàn Kiếm (khu vực bảo vệ II di tích hồ Hoàn Kiếm), sẽ thay thế cửa hàng và nhà vệ sinh hiện tại; cửa lên xuống số 4 bố trí phía sau tượng đài Cảm tử, dưới đường phố Hàng Dầu, ngoài khu vực bảo vệ I của đền Bà Kiệu.

Ở phương án này, chi phí xây dựng khoảng 3.878 tỷ đồng bao gồm hầm từ ga C8 đến C10, 2 ga C9, C10 và hầm đào hở sau C10

Phương án này có ưu điểm, hướng tuyến hầm, TMB ga đã được nghiên cứu kỹ càng, phù hợp các quy hoạch được duyệt, có sự đồng thuận của các Bộ, Ngành, các cơ quan, cộng đồng dân cư… liên quan, tránh được các khiếu kiện, thủ tục pháp lý phát sinh.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã có ý kiến thống nhất về hướng tuyến, vị trí ga ngầm C9; Thống nhất về bố trí nhà ga chính và cụm công trình phụ trợ.

Tuy nhiên, nhược điểm là một phần thân ga và cửa lên xuống số 3 nằm trong khoanh vùng bảo vệ II của di tích Hồ Hoàn Kiếm nên chưa được sự chấp thuận của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Về phương án 3, giữ nguyên hướng tuyến, xem xét chưa đầu tư xây dựng ga C9, khi đó, tàu sẽ chạy một mạch từ ga C8 đến C10 trong đoạn hầm dài khoảng 2,4 km. Bỏ qua việc đáp ứng nhu cầu hành khách, bỏ trống phạm vi phục vụ… thì còn phải xem xét các vấn đề liên quan về kỹ thuật, phạm vi thực hiện dự án, tổng mức đầu tư thay đổi…

Ở phương án này, đoạn hầm dài 2,4 km (từ C8 đến C10) sẽ phải xem xét bố trí bổ sung ống thông hơi, thoát khí, lối thoát hiểm, an toàn chạy tàu … nên phải thay đổi thiết kế cơ sở.

Hơn nữa, bỏ không xây dựng ga C9 thì lưu lượng hành khách, phạm vi phục vụ của các ga liên quan (không chỉ của tuyến 2) sẽ thay đổi…

Do vậy, MRB cho rằng, các nghiên cứu từ trước đến nay đều khẳng định phương án tuyến hầm, vị trí và tổng mặt bằng ga ngầm C9 đã đề xuất phê duyệt là phương án tối ưu nhưng chưa được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đồng thuận vì có phần nằm trong khoanh vùng khu vực bảo vệ II của di tích Hồ Hoàn Kiếm dù đã được UBND TP báo cáo, giải trình nhiều lần trong quá trình nghiên cứu, điều chỉnh.

Để khắc phục khó khăn, thuyết phục Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, MRB Hà Nội đề xuất xây dựng cửa số 3 để đảm bảo an toàn, tuân theo quy chuẩn phòng cháy chữa cháy nhưng chỉ sử dụng khi xảy ra các tình huống khẩn cấp (không nên đề xuất bỏ cửa số 3 vì rất kém an toàn khi xảy ra sự cố).

Các Bộ như GTVT, Xây dựng, Tư pháp cũng đồng thuận với vị trí đặt ga ngầm C9 như hiện tại. Do vậy, MRB Hà Nội kiến nghị UBND TP xem xét báo cáo để Thủ tướng Chính phủ (là cấp có thẩm quyền xếp hạng di tích Hồ Hoàn Kiếm) có văn bản chấp thuận hướng tuyến và tổng mặt bằng ga ngầm C9 theo phương án đề xuất phê duyệt.