Gã giang hồ mê truyện chưởng Kim Dung

ANTĐ - Gã bảo, những kẻ giang hồ như gã, sống bằng nghề “đao kiếm”, đôi khi đi đòi nợ giúp chả phải… vì tiền. Đơn giản, bọn gã làm mọi việc chỉ vì nể hoặc vì ganh đua, khẳng định tên tuổi, “số má” trong “thế giới ngầm” và để tỏ "nghĩa khí giang hồ".
Gã giang hồ mê truyện chưởng Kim Dung ảnh 1
CAQ Đống Đa lấy lời khai của Quách Anh Văn

Gã là Quách Anh Văn (SN 1982, ở Thanh Xuân, Hà Nội), kẻ đã dùng súng hoa cải để “giải quyết nợ nần” vào đêm 16-4-2012, trên phố Tô Tiền (Đống Đa, Hà Nội).

Gã giang hồ mê truyện chưởng Kim Dung

Từ nhỏ, gã đã thích dạt nhà đi bụi, giao du với đám bạn du thủ du thực. Lời bố mẹ răn, gã nghe như gió thổi ngoài sông. Mẹ gã mang trọng bệnh, nghĩ mình chả sống được với “thằng Văn oặt ẹo” kia được bao lâu, bà dồn hết tình thương cho gã. Nhờ thế, gã có tiếng là được cưng chiều. 

Càng lớn, máu giang hồ càng ngấm vào gã như người say rượu. Gã thần tượng lắm những nhân vật anh hùng trong truyện chưởng Kim Dung, sẵn sàng xả thân vì nghĩa. Và cũng vì tôn thờ chữ “Nghĩa” đó, năm 2007, đang khi “bám mặt vào đường, rịt tay vô lăng” để mưu sinh, gã đã đứng ra giúp một “thằng em xã hội” đi đòi nợ mấy triệu đồng. Nạn nhân của gã là Nguyễn Văn Quyết quê ở Bắc Giang, sinh viên trường Đại học Công nghiệp HN. Đòi mãi không được, tức khí, gã bắt giữ Quyết và yêu cầu anh phải gọi điện báo cho gia đình mang tiền xuống trả. Trong khi chờ đợi, ngồi buồn, gã “tẩm quất” anh Quyết một trận cho nó “giãn xương, giãn cốt”.

Gã bảo, những kẻ giang hồ như gã, sống bằng nghề “đao kiếm”, đôi khi đi đòi nợ giúp chả phải… vì tiền. Đơn giản, bọn gã làm mọi việc chỉ vì nể hoặc vì ganh đua, khẳng định tên tuổi, “số má” trong “thế giới ngầm”. Chỉ cần anh em có việc, dù biết hiểm nguy trực chờ phía trước, tất cả vẫn “xách kiếm lên đường”.


Những phương tiện gây án mà công an thu giữ được từ vụ “hỗn chiến” trên phố Tô Tiền

Và gã, lúc bấy giờ mới tấp tễnh giang hồ, đang cố tạo lập danh tiếng, không giúp “thằng em” thì “mất mặt”, “nó lại bảo mình xoắn”. Chỉ nghĩ được đến thế, cũng chả cần biết có vi phạm pháp luật hay không, gã “ra tay trượng nghĩa”!

Sau lần nổi máu “yêng hùng” đó, gã bị TAND huyện Từ Liêm xử 45 tháng tù về các tội bắt giữ người trái pháp luật và cướp tài sản.

Những ngày gã sống ở trại giam, thỉnh thoảng cha mẹ gã lại chắt bóp tiền bạc, lặn lội vào tận Nghệ An thăm nuôi, động viên mong gã hoàn lương. Ngay bản thân gã cũng đã từng nghĩ thế, gã nghĩ rằng ra trại mình sẽ rũ bỏ quá khứ để làm lại cuộc đời, sẽ tiếp tục làm công việc lái xe như khi chưa “nhập trại”.

Năm 2010, khi gã ra tù, cha mẹ lo gã không công ăn việc làm ổn định, lại sinh lêu lổng. Ông bà đưa cho gã mấy chục triệu lấy vốn làm ăn, những mong gã “hồi tâm, chuyển ý”, chịu khó lao động rồi còn lấy vợ, sinh con. Số tiền đó là số tiền tích cóp của hai vợ chồng cộng với tiền vay mượn. Dù khó khăn, nhưng ông bà cũng như muôn vàn các bậc sinh thành khác, hy sinh, đắm đuối vì con. Họ luôn tâm niệm rằng, con do mình dứt ruột đẻ ra, nó có sa chân, lỡ bước, mình trách mắng, ruồng bỏ cũng không đành đoạn.

Ban đầu, gã cũng định học nghề ảnh rồi sau đó, nếu có lấy vợ thì mở một cửa hàng cho thuê áo cưới, chụp ảnh cô dâu. Nhưng khi còn đang bị bủa vây bởi những dự định, toan tính làm ăn, số tiền trong túi gã vơi dần. Gã từ từ lâm vào cảnh bần hàn. Lúc đó, gã phải viện nhờ đến sự giúp đỡ của một số “đàn anh”. Trong đám “đàn anh” ấy, gã “cảm” nhất Nguyễn Tuấn Anh, một chủ nhà nghỉ trên phố Tây Sơn.

Như đã nói ở trên, gã thần tượng những anh hùng hiệp nghĩa, nên dù năm tháng “sống mòn” sau song sắt có làm gã già đi vài tuổi, nhưng phương châm sống “ân đền, oán trả”, “khí phách giang hồ” cũng chẳng phai nhạt trong gã là bao. Đàn anh có chuyện, gã sẵn sàng trợ giúp.

Gã xem đó như là một sự tri ân.

Tiếng súng trong đêm tối

Nguyễn Tuấn Anh có bà cô họ tên Trần Thị Lan làm nghề kinh doanh khách sạn. Trong quá trình giao dịch làm ăn, bà Lan có mâu thuẫn chuyện tiền bạc với chị Phạm Thị Thu Trang (28 tuổi, ở phố Tô Tiền, Đống Đa, Hà Nội). Hai bên lời qua tiếng lại đã nhiều, không giải quyết được bằng lời, họ cậy nhờ đến xã hội đen.

Bà Lan nhờ Tuấn Anh, Tuấn Anh lại nhờ Quách Anh Văn, còn phía chị Trang cũng nhờ anh trai là Phạm Ngọc Toản làm “đại diện” cho mình “đàm phán”. Giang hồ gặp nhau, quần hùng hội tụ, mỗi bên có đến hàng chục người, toàn những gương mặt “máu lạnh”, chẳng bên nào chịu nhún nhường, họ hẹn hò “quyết chiến”, ngõ Tô Tiền được chọn làm chốn “sa trường”.


Trần Mạnh Linh, “đệ tử” cùng “tham chiến” với Quách Anh Văn 

Đêm 16-4-2012, trước khi “lâm trận”, Văn gọi cho đám “con nhang đệ tử” là Đỗ Đức Lân và Trần Mạnh Linh dặn dò mang theo “hàng nóng”, còn gã lĩnh ấn “tiên phong”. Vừa “vào trận”, gã bị đối phương tấn công dồn dập, rơi cả vũ khí. Trong lúc cấp bách, “đồng đội” lại chưa đến kịp để “tiếp ứng”, gã liền rút khẩu súng hoa cải được “hóa trang” trong chiếc túi đựng vợt ra và… bóp cò. Thấy đối phương tháo chạy, gã cùng đám đàn em (vừa đến kịp) truy sát nhưng không thành.

Xong việc, gã cất giấu vũ khí rồi điềm nhiên về nhà nghỉ của Nguyễn Tuấn Anh để ngủ, và cũng là để “báo công”. Sau đó, gã và “đệ tử” Trần Mạnh Linh bị Công an quận Đống Đa bắt giữ, còn Đỗ Đức Lân và các đối tượng liên quan khác hiện đang bỏ trốn…

Giờ đây, ngồi trong buồng giam, Quách Anh Văn đã thấm thía đến tận cùng cái giá phải trả của “nghĩa khí giang hồ” mà rất nhiều những kẻ như gã bám vào. Chỉ vì cái quan niệm sai lầm, mù quáng ấy, đời gã hai lần “nhập trại”. Chả biết lần này, cha mẹ gã có còn đủ sức thăm nom và chờ gã trở về?

Nhắc đến cha mẹ, gã đã khóc rất nhiều. Giang hồ khi đã phải khóc vì ân hận, vì thương mẹ thương cha, hẳn là nước mắt không chỉ mặn chát mà còn đắng đót. Con người ta, dù là những kẻ “rạch giời rơi xuống”, hay tội phạm vô luân tàn độc nhất thì khi chạm tới một góc nào đó trong tâm hồn mà họ dành cho gia đình, người thân, họ cũng khó tránh khỏi rưng rưng.

Hy vọng rằng, thẳm sâu trong con người gã Quách Anh Văn kia còn một chút gì đó gọi là lương tri, để giúp gã thức tỉnh tu tâm sám hối. Như thế, gã còn có cơ hội được trở với cuộc sống đời thường, được phụng dưỡng cha già, mẹ yếu. Và cũng mong, những kẻ giang hồ như gã, hãy buông “đao kiếm” quay đầu về nẻo thiện. Được như thế, xã hội mới vơi đi nhiều những nỗi đau.