G7 và EU tuyên bố phản đối sử dụng vũ lực trên Biển Đông

ANTĐ - Lãnh đạo nhóm bảy nước công nghiệp phát triển (G7) và EU đã ra tuyên bố chung bày tỏ quan ngại về sự gia tăng căng thẳng trên biển Đông, 

Tuyên bố chung của lãnh đạo các nước công nghiệp phát triển (G7), bao gồm Nhật Bản, Hoa Kỳ, Đức, Pháp, Ý, Canada, Anh quốc được đưa ra sau hội nghị nguyên thủ quốc gia G7 (sau khi Nga bị khai trừ tư cách thành viên G8, vì liên quan đến vấn đề Ukraine) tại Brussels tối 4-6.

Bản tuyên bố đăng tải trên trang web của Nhà Trắng có đoạn: “Chúng tôi quan ngại sâu sắc trước những căng thẳng trên biển Hoa Đông và biển Đông”, đồng thời phản đối bất kỳ hành động đơn phương của bất cứ bên nào nhằm khẳng định chủ quyền lãnh thổ hoặc chủ quyền trên biển bằng biện pháp hăm dọa, gây hấn hoặc sử dụng vũ lực.

Các nguyên thủ G7 đã đưa ra tuyên bố kêu gọi tất cả các bên làm rõ các luận cứ và theo đuổi tuyên bố chủ quyền lãnh thổ, hàng hải phù hợp với luật pháp quốc tế, tìm kiếm giải pháp để giải quyết tranh chấp một cách hòa bình, trong khuôn khổ luật lệ quốc tế.

Đồng thời, G7 cũng nhấn mạnh tầm quan trọng và phản đối hành động ngăn cản tự do hàng hải và vùng trời, cũng như công tác quản lý lưu thông hàng không dân sự dựa trên luật pháp quốc tế và các quy tắc và chuẩn mực của Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế.

Trong hội nghị này, Nhật Bản - quốc gia đang có bất đồng với Trung Quốc về chủ quyền quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, trên biển Hoa Đông, cũng đặc biệt chia sẻ những quan ngại về căng thẳng tranh chấp lãnh thổ trên biển Đông giữa Trung Quốc và các nước láng giềng ở Đông Nam Á.

Sau cuộc đàm phán tại Brussels giữa Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman Van Rompuy ngày 4-6, ông Abe tuyên bố, Nhật Bản phản đối sự thay đổi hiện trạng bằng vũ lực và ủng hộ việc tìm kiếm giải pháp hòa bình cho các xung đột.

Người đứng đầu chính phủ Nhật Bản nhấn mạnh rằng, Tokyo sẽ yêu cầu đưa quan điểm này vào tuyên bố bế mạc hội nghị thượng đỉnh lãnh đạo G-7. Về phần mình, ông Van Rompuy lưu ý rằng, các nhà lãnh đạo EU "nhận thức thấy nguy cơ leo thang căng thẳng ở biển Đông”.

Tuy trong tuyên bố của các nguyên thủ G7 và EU không chỉ đích danh Trung Quốc là thủ phạm gây căng thẳng trên biển Đông, nhưng đây có thể coi là tuyên bố chống lại những hành động ngang ngược, bất chấp luật lệ quốc tế của nước này khi hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 (Haiyang Shiyou 981) trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.