Fivimart và Citimart hợp tác với Aeon (Nhật Bản): Bình thường nhưng... cũng đáng ngại

ANTĐ - Fivimart và Citimart là hai nhà bán lẻ tiếp theo hợp tác với nhà đầu tư nước ngoài. Sự “kết duyên” này được coi là chuyện bình thường trong thế giới hội nhập song cũng tiềm ẩn không ít nguy cơ…

Fivimart và Citimart hợp tác với Aeon (Nhật Bản): Bình thường nhưng... cũng đáng ngại ảnh 1Nhà đầu tư Nhật Bản mở rộng mạng lưới siêu thị tại thị trường Việt Nam

Tận dụng ưu thế của doanh nghiệp nội

Tập đoàn bán lẻ Nhật Bản Aeon đã quyết định đầu tư vốn vào 2 chuỗi siêu thị bán lẻ lớn tại Việt Nam là Fivimart và Citimart. Theo đó, Aeon sẽ mua 30% cổ phần của Fivimart và 49% cổ phần của Citimart. Bình luận về sự hợp tác này, Tiến sĩ kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng, Việt Nam đã thực hiện cam kết theo lộ trình hội nhập một cách tự nguyện. Thêm một nhà đầu tư nước ngoài đầu tư càng khẳng định thị trường Việt Nam đầy tiềm năng.

“Việc hợp tác không hẳn là do doanh nghiệp Việt Nam yếu kém hay thua lỗ phải bán lại cho nhà đầu tư nước ngoài, mà có thể, doanh nghiệp nội thấy có lãi trong cuộc mua bán. Tuy nhiên, mặt trái của việc hợp tác này là doanh nghiệp nước ngoài biến nhà bán lẻ Việt Nam thành nơi chỉ tiêu thụ hàng ngoại, đặc biệt là nhãn hàng riêng, hàng của nước họ. Nguy hiểm hơn là từ chi phối bán lẻ sẽ dẫn tới chi phối sản xuất trong nước. Ngoài ra, trong bối cảnh doanh nghiệp bán lẻ nội được ưu đãi về giá thuê đất kéo dài 50-70 năm, đương nhiên doanh nghiệp nước ngoài hợp tác cũng được hưởng ưu đãi này, tận dụng mặt bằng kinh doanh một cách thuận lợi và suôn sẻ” - ông Nguyễn Minh Phong nói.

Am hiểu về hoạt động của các nhà bán lẻ nội, ông Vũ Vinh Phú - nguyên Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cũng cảnh báo: “Nếu doanh nghiệp Việt Nam để nước ngoài chiếm 50% vốn thì rất nguy hiểm. Họ có thể tận dụng điều kiện về mặt bằng, nhân lực… của Việt Nam để thôn tính thị trường Việt Nam. Ví dụ, trong trường hợp doanh nghiệp nội hợp tác với Cocacola, doanh nghiệp Việt Nam chỉ góp vốn 15% bằng đất đai, sau này nước ngoài mua nốt nên mất thế làm chủ”.

Chỉ trong một thời gian ngắn, nhiều nhà bán lẻ Việt Nam đã bắt tay với nhà đầu tư ngoại, gần nhất là Metro và Nguyễn Kim. Nhưng những doanh nghiệp này không phải doanh nghiệp Nhà nước. Nếu doanh nghiệp bán lẻ Nhà nước hợp tác với nhà đầu tư nước ngoài thì nguy cơ sẽ nhiều hơn. “Doanh nghiệp bán lẻ Nhà nước giữ mạng lưới phân phối rộng khắp với hàng trăm địa điểm, vị trí đắc địa. Nếu có sự “kết duyên” giữa những doanh nghiệp này với nhà đầu tư nước ngoài, lại thêm tư lợi khi hợp tác, định giá mặt bằng chỉ bằng một nửa giá trị thực thì hậu quả khôn lường” - ông Vũ Vinh Phú phân tích.

Phải giữ thế chủ động

Mới đây, tại tọa đàm về hóa giải thách thức hội nhập, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú cho rằng, không nên nhìn nhận tiêu cực về sự hợp tác, đầu tư, mua bán của các nhà đầu tư nước ngoài với doanh nghiệp trong nước. Đây là xu thế, mà nếu tận dụng được cơ hội, doanh nghiệp Việt Nam sẽ mở rộng. 

Xét trên khía cạnh tích cực, theo Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong, doanh nghiệp nước ngoài có chuỗi phân phối tại nhiều nước trên thế giới. Liên kết đầu tư có thể giúp doanh nghiệp Việt Nam đưa hàng Việt vào hệ thống phân phối này, mở rộng thị trường. Muốn vậy hàng Việt phải nâng cao về chất lượng và doanh nghiệp nội phải đoàn kết, tránh “đấu đá” nhau. Bên cạnh đó, nhà bán lẻ nội có thể học tập doanh nghiệp nước ngoài cách quản trị, phương thức kinh doanh… để nâng cao hiệu quả hoạt động. Để hạn chế bị lạm dụng ưu đãi về mặt bằng được thuê dài hạn, thời hạn cho thuê cần rút ngắn xuống khoảng 3 năm.

Trước thực trạng doanh nghiệp Việt Nam còn hạn chế so với doanh nghiệp nước ngoài về vốn, năng lực, ông Vũ Vinh Phú cho rằng: “Doanh nghiệp Việt Nam cần giữ thế chủ động, chiếm thị phần chi phối và học hỏi, tránh tình trạng đối tác ngoại bảo sao nghe nấy, lỗ giả lãi thật. Lãnh đạo doanh nghiệp không được tư lợi. Đối với doanh nghiệp bán lẻ Nhà nước cần nhanh chóng cổ phần hóa để cổ đông giám sát hoạt động và tăng tính công khai minh bạch”.