Fiji: Những bất ổn sau vụ đảo chính
(ANTĐ) - Chính trường Fiji lại xuất hiện những nguy cơ bất ổn mới sau khi Tư lệnh quân đội, Tướng Frank Bainimarama tiến hành cuộc đảo chính quân sự không đổ máu lật đổ Chính phủ hợp pháp của Thủ tướng Laisenia Qarase tự bổ nhiệm mình vào chức vụ đứng đầu Hội đồng chỉ huy ở Fiji (Hội đồng Thủ lĩnh - Thủ lĩnh bộ lạc ở Fiji).
Tướng Frank Bainimarama |
Sau khi lật đổ Thủ tướng Laisenia Qarase, Tướng Frank Bainimarama đã nhanh chóng thâu tóm quyền bính và chính thức tuyên thệ nhậm chức Thủ tướng lâm thời (Thủ tướng quá độ) cách đây hơn 1 năm (5-1-2007). Theo giới bình luận, một trong những nguyên nhân khiến ông Frank Bainimarama tự phong cho mình ngôi vị đứng đầu Hội đồng chỉ huy ở Fiji bởi đây là tổ chức đầy quyền lực và có uy tín vì nó đại diện cho đa số người dân sống trên đảo quốc này. Hội đồng chỉ huy ở Fiji còn có chức năng bổ nhiệm Tổng thống và Phó Tổng thống.
Theo tờ “Times” số ra ngày 20-2-2008, mục đích hành động trên của ông Frank Bainimarama là muốn tăng cường quyền kiểm soát chính trị tại quốc đảo này. Cách đây 10 tháng (tháng 4-2007), Tướng Frank Bainimarama đã đình chỉ hoạt động của Hội đồng chỉ huy ở Fiji và sa thải 62 thành viên sau khi những người này không công nhận Chính phủ của ông ta. Trước đó (19-12-2006), Tướng Frank Bainimarama còn tuyên bố tẩy chay cuộc họp của Hội đồng chỉ huy ở Fiji cho dù Thủ tướng bị lật đổ Laisenia Qarase không tham dự.
Được biết, Thủ tướng bị lật đổ Laisenia Qarase đã bị người ta giám sát chặt chẽ kể từ sau cuộc đảo chính hôm 5-12-2006. Cũng theo tờ “Times”, chính quyền Fiji cũng đã cấm đoàn chuyên gia pháp lý quốc tế nhập cảnh để đánh giá tình hình điều hành luật pháp tại nước này. Quyết định trên được đưa ra giữa lúc cộng đồng quốc tế đang lo ngại về tính hợp pháp của chính quyền lâm thời Fiji. Chủ tịch Hội luật gia Fiji Isireli Fa tuyên bố, lệnh cấm kể trên được đưa ra nhằm ngăn cản cộng đồng quốc tế kiểm tra cách thức điều hành hệ thống tòa án, luật pháp của chính quyền lâm thời do Tướng Frank Bainimarama đứng đầu. Về phần mình, Chủ tịch Hội luật gia Australia Tom Bathurst đã lên án động thái kể trên, còn Ngoại trưởng Australia Stephen Smith thì cho rằng, Fiji cần khôi phục dân chủ và luật pháp tại quốc đảo này.
Thủ tướng lâm thời Jona Senilagakali | Cựu Thủ tướng Laisenia Qarase |
Cách đây hơn 5 tháng (6-9-2007), chính quyền do quân đội kiểm soát đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp nhằm ngăn chặn các cuộc bạo động xảy ra sau khi cựu Thủ tướng Laisenia Qarase xuất hiện tại Thủ đô Suva (từ hôm 1-9-2007). Đây là lần thứ hai tình trạng khẩn cấp được áp đặt tại Fiji kể từ khi Tướng Frank Bainimarama tiến hành cuộc đảo chính lật đổ Chính phủ của Thủ tướng Laisenia Qarase cách đây hơn 1 năm (5-12-2006). Tướng Frank Bainimarama lo sợ phiên tòa đòi xét xử đối với những người có liên quan tới cuộc đảo chính hôm 5-12-2006 được khai đình.
Cho đến nay cựu Thủ tướng Laisenia Qarase cùng cộng sự Peceli Kinivuwai và nhiều người khác vẫn không ngừng yêu cầu sớm khai đình phiên tòa này. Chủ tịch hội đồng Ratu Ovini Bokini từng gọi cuộc đảo chính lật đổ Thủ tướng Laisenia Qarase và phế truất Phó Tổng thống Joni Madraiwiwi là hành động vi hiến, bất hợp pháp và bất kính. Được biết, ngay sau khi lên nắm quyền (6-12-2006), Tướng Frank Bainimarama đã ra quyết định truất quyền đối với Phó Tổng thống Joni Madraiwiwi.
Mọi bất ổn trên chính trường Fiji đều bắt đầu từ sau cuộc đảo chính hôm 5-12-2006. Có thể nói cuộc đảo chính của Tướng Frank Bainimarama diễn ra khá dễ dàng và êm thấm bởi được thực hiện bài bản và có trình tự. Đầu tiên Tướng Frank Bainimarama đưa ra tối hậu thư, sau đó tổ chức tập trận ngay tại Thủ đô Suva - công khai bố trí quân đội, tiếp đến là thu giữ vũ khí của cảnh sát rồi phong tỏa mọi hoạt động của nội các do Thủ tướng Laisenia Qarase đứng đầu.
Giới bình luận cho rằng, nếu Thủ tướng Laisenia Qarase chấp thuận những yêu cầu của Tướng Frank Bainimarama thì cuộc đảo chính không diễn ra. Tuy nhiên, nếu chấp thuận thì mọi cố gắng của Thủ tướng Laisenia Qarase đều vô nghĩa bởi Tướng Frank Bainimarama muốn hủy bỏ luật ân xá cho những kẻ âm mưu đảo chính năm 2000, chấm dứt các cuộc điều tra đối với sỹ quan cao cấp, giải thể các đơn vị chiến thuật của cảnh sát... Sau cuộc đảo chính hôm 5-12-2006, một loạt bất ổn đã xảy ra và những lời cảnh báo về âm mưu ám sát Tướng Frank Bainimarama cũng liên tiếp được đề cập. Người ta đã đốt phá nhà cửa của những binh sỹ ủng hộ người đứng đầu cuộc đảo chính hôm 5-12-2006.
Việc nhậm chức Thủ tướng lâm thời của ông Frank Bainimarama đồng nghĩa với sự ra đi của Thủ tướng tạm quyền Jona Senilagakaki, nguyên là bác sỹ, không đảng phái và ít kinh nghiệm hoạt động chính trị, người được Tướng Frank Bainimarama dựng lên sau cuộc đảo chính hôm 5-12-2006. Do những bất ổn kể trên nên đã xuất hiện một hiện tượng hy hữu khi Thủ tướng tạm quyền Jona Senilagakaki chuẩn bị thành lập nội các. Trên tờ Fiji Times số ra ngày 9-12-2006 đã đăng một thông tin quảng cáo gây sửng sốt - lần đầu tiên trong lịch sử Fiji, và là điều hy hữu trên thế giới, người ta tìm thành viên nội các bằng cách đăng quảng cáo trên báo, bên cạnh mục quảng cáo của các đại lý bất động sản.
Lê Cao Sơn (Tổng hợp)