FIFA thời hậu Sepp Blatter: Cải tổ như thế nào?

ANTĐ -Quyết định từ chức gây sốc của Chủ tịch Sepp Blatter là dấu hiệu khởi đầu cho hành trình tìm lại sự tín nhiệm của Liên đoàn bóng đá thế giới (FIFA).

 Đây sẽ là con đường hứa hẹn nhiều chông gai và chưa biết kết quả cuối cùng sẽ như thế nào.Không dễ để biết chính xác lý do nào khiến Blatter buộc phải từ chức, nhưng rất có thể đó là “giọt nước tràn ly” với các nhà tài trợ, trong đó có Visa và Coca Cola. Họ bắt đầu đặt dấu hỏi về thỏa thuận thương mại của mình với tổ chức lãnh đạo bóng đá lớn nhất thế giới, sau hàng loạt cáo buộc tham nhũng và những vụ bắt giữ. 

Những gì xảy ra đủ để đặt các nhà tài trợ và Blatter lên bàn cân. Rốt cục, quan chức người Thụy Sỹ đã làm những gì mà người ta kêu gọi ông cần làm trong nhiều năm qua: từ chức và vụ bắt giữ ở khách sạn hạng sang Baur au Lac của Thụy Sỹ như là chất xúc tác đẩy nhanh quá trình này. Mặc dù luôn phủ nhận sự liên quan đến các scandal tham nhũng của cấp dưới, Blatter cuối cùng cũng nhận ra trách nhiệm của người đứng đầu.

Đó là quyết định rất bất ngờ, khi mới chỉ trước đó vài ngày người ta vẫn ủng hộ Blatter tái đắc cử. Và sự ra đi của quan chức 79 tuổi đánh dấu bước khởi đầu cho quá trình tái thiết của FIFA, với điểm nhấn trong đó là khôi phục niềm tin nơi người hâm mộ. Thay đổi tại FIFA sẽ khó khăn hơn nhiều so với việc loại bỏ Blatter.

Quyết định từ chức của quan chức này chỉ là bước đầu tiên trong hành trình dài khôi phục sự tín nhiệm của tổ chức lãnh đạo bóng đá lớn nhất thế giới. Hành trình này sẽ gập ghềnh hơn nhiều so với những gì mà người ta vẫn nghĩ. Tại thời điểm này, chưa có sự thay thế rõ ràng nào cho Blatter. Cuộc bầu cử dự kiến tổ chức vào cuối năm nay hoặc đầu năm tới để xác định vị tân Chủ tịch nhưng không có gì bảo đảm việc bầu cử sẽ giúp FIFA thoát khỏi những tai tiếng trong giai đoạn gần đây.

Một hệ thống mà theo đó mỗi quốc gia thành viên được 1 phiếu bầu, cho phép châu Đại dương nhỏ bé với 14 thành viên có tiếng nói lớn hơn so với Liên đoàn bóng đá Nam Mỹ (CONMEBOL), khu vực chỉ có 10 thành viên nhưng từng 9 lần vô địch World Cup. Hệ thống này cũng giúp “tí hon” Andorra có quyền bầu phiếu tương tự như Đức hay Mỹ.

Để thay đổi FIFA một cách thực sự, có 2 vấn đề quan trọng. Thứ nhất, lợi ích cá nhân trong việc phân bổ quỹ phát triển cho các Liên đoàn thành viên đến lúc phải kết thúc. Bất kỳ ứng viên nào hay ý tưởng cải tổ đều phải thể hiện một cách minh bạch và phải giải trình trước tất cả các quan chức, thành viên của FIFA.

Thứ hai, nguyên tắc và quyền biểu quyết của các thành viên FIFA phải thay đổi. Cần phải giới hạn tuổi tác cũng như nhiệm kỳ của người đắc cử, tránh lặp lại những vấn đề như đã diễn ra trong những năm gần đây. Việc Blatter gần như không có đối thủ trong các cuộc tranh cử và việc ủng hộ vô điều kiện quan chức người Thụy Sỹ từ các quốc gia nhỏ là hậu quả của chính sách “ban phát” mà người đứng đầu FIFA có được.