Falklands/Malvinas - quần đảo tranh chấp giữa Anh và Argentina: Lại nổi “bão tố”

ANTĐ - Sự có mặt của Hoàng tử nước Anh William trong chuyến công du kéo dài 6 tuần từ đầu tháng 2 trên đảo Falkland khiến cho tranh cãi quanh quần đảo tranh chấp chủ quyền với Argentina “nổi giông bão”. Sự kiện xảy ra đúng dịp tròn 30 năm sau cuộc đụng độ quân sự ác liệt giữa 2 nước trên hòn đảo này.

Hoàng tử Anh bắt đầu làm quen với thực địa trong chuyến công du 6 tuần trên đảo Falkland

Việc Hoàng tử William tham gia công tác tìm kiếm và cứu hộ cứu nạn ở Falkland dường như đổ thêm dầu vào lửa đối với Argentina, nước có quan hệ vốn căng thẳng với Anh liên quan đến quần đảo mà họ gọi là Islas Malvinas. Những tuần gần đây, Tổng thống Argentina Cristina Fernandez de Kirchner và Thủ tướng Anh David Cameron đã lời qua tiếng lại, làm sống lại dư âm của cuộc xung đột ác liệt năm 1982. Argentina còn tìm kiếm sự ủng hộ của đồng minh trong khu vực như Brazil để đòi tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo này.

Nằm ở Nam Đại Tây Dương, cách điểm đầu của Nam Mỹ khoảng 480km về phía đông, Falklands từ lâu được coi là điểm trung chuyển chiến lược và dồi dào nguồn tài nguyên thiên nhiên. Dù xa xôi cách biệt nhưng nó lại là tiêu điểm cho những tranh cãi phức tạp về chủ quyền giữa Anh, Pháp, Tây Ban Nha và Argentina. Argentina chính thức tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo này năm 1820, buộc Anh quốc phải lên tiếng khẳng định lại chủ quyền mà họ đã tuyên bố từ năm 1765. Đáng chú ý là từ năm 1982, Anh kiểm soát quần đảo và 2.500 cư dân hiện tại sống trên đảo Falklands trông chờ có được nguồn hỗ trợ dầu, đánh cá, canh tác và thu nhập du lịch từ London.

Điều gì đã xảy ra năm 1982?

 Năm đó, Falkland trở thành chiến trường khi Anh và Argentina cùng gửi tàu chiến, tàu ngầm, máy bay và quân đội đến. Nguồn cơn ban đầu của xung đột ngoại giao chính là hoạt động của Argentina tại Nam Georgia - vùng lãnh thổ xa xôi của Anh ở Nam Đại Tây Dương. Lực lượng hải quân hùng mạnh đã được Thủ tướng Anh khi đó là bà Margaret Thatcher cử đến. Phía bên kia, Tổng thống Argentina Leopoldo Galtieri đã phát động một cuộc xâm chiếm Falklands ngày 2-4. Cuộc chiến trên bộ, trên không và đường thủy hiện đại đầu tiên sau Thế chiến II đã gây thiệt hại đáng kể cho cả hai bên. Anh tuyên bố chấm dứt chiến tranh sau 74 ngày, sau khi Argentina đầu hàng với 645 người chết, con số tử trận cả về dân sự lẫn quân sự của Anh cũng lên đến 255 người.

Về phản ứng của thế giới khi đó, chính quyền của Tổng thống Mỹ Ronald Reagan tuyên bố các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Argentina. Ở đỉnh điểm của cuộc xung đột, tại một hội nghị ở Versailles, Pháp, các nền kinh tế lớn nhất thế giới - bao gồm Anh, Mỹ, Đức, Ý, Pháp, Nhật Bản và Canada hậu thuẫn cho Anh.

Từ đây, Anh bắt đầu quan tâm đổi mới kinh tế ở Falklands. Họ bảo vệ quyền đánh cá và kiểm soát giấy phép thăm dò dầu. Hoạt động quân sự cũng được chú ý đến như xây dựng một sân bay mới và củng cố sự hiện diện hải quân và lực lượng không quân tại đây. Hợp tác giữa Anh và Argentina dần được cải thiện, nhưng Buenos Aires luôn bác bỏ mọi tuyên bố chủ quyền của bất kỳ nước nào khác đối với quần đảo Las Malvinas.

Đằng sau động thái căng thẳng

 Việc Hoàng tử Anh William thực thi nhiệm vụ tại đây cùng với lệnh triển khai tàu khu trục đời mới nhất của Anh HMS Dauntless trong tuần này khiến cho sự ấm ức của người Argentina bùng phát, thậm chí cờ của Vương quốc Anh còn bị đốt. Cuối năm 2011, để củng cố chủ quyền của mình, Argentina đã đưa đồng minh trong khu vực vào cuộc, đó là thuyết phục các thành viên thuộc khối thương mại Mercosur Nam Mỹ gồm Brazil, Argentina và Uruguay đoàn kết cấm các tàu mang cờ Falklands cập cảng của họ. Theo nhận định của giới quan sát, Argentina sẽ tạo được áp lực khi muốn cô lập hòn đảo nếu Tổng thống nước này có thể thuyết phục Tổng thống Chile Sebastian Pinera hủy bỏ đường bay quan trọng giữa Malnivas với Santiago.

Tuy nhiên, theo các nhà phân tích thì nguyên nhân đơn thuần là chính trị. Thực chất là các chính trị gia Argentina đang muốn chuyển sự quan tâm của cử tri ra khỏi nỗi lo lạm phát và giảm trợ cấp dầu, khí đốt và điện. “Chính phủ Argentina đang chịu nhiều áp lực, do đó, để phân tâm những vấn đề kinh tế mà đất nước đang phải đối mặt là đưa ra vấn đề quần đảo Malvinas”, Giáo sư Mark Jones tại Đại học Rice ở Texas, một chuyên gia về chính trị Mỹ Latin nhận định. Còn tại Anh, Thủ tướng David Cameron là người thừa kế di sản Đảng Bảo thủ của bà Thatcher nên đương nhiên bảo vệ các nguyên tắc của người tiền nhiệm.

Một phần khiến cho tranh cãi chủ quyền này thêm căng thẳng là vì dầu mỏ. Argentina bực tức vì một dự án thăm dò dầu của Anh đã khởi động ngoài khơi  Falklands năm 2010. Điều này càng tồi tệ hơn khi gần đây Argentina từ một nước xuất khẩu trở thành nhà nhập khẩu khí hydrocarbon. Dù vậy, chưa thấy dấu hiệu chứng tỏ vùng biển này chứa lớp trầm tích có giá trị khiến cho yếu tố kinh tế chi phối, mà chính yếu tố chính trị là nguyên nhân khiến tranh chấp quanh đảo Malvinas tăng lên.

Liệu những động thái phản ứng trái ngược có dẫn đến xung đột quân sự một lần nữa? Giới phân tích cho rằng không thể vì cả hai đều cảm thấy điều đó không cần thiết. Một cựu quan chức quân sự cao cấp của Anh hồi tháng trước cho biết, việc cắt giảm chi tiêu khiến nước Anh không sẵn sàng cho một cuộc xung đột ở Falklands. Trong khi đó, Argentina - một nền dân chủ đã trải qua thời kỳ quân phiệt khiến các nhà lãnh đạo hiện tại không đặt niềm tin vào lực lượng vũ trang, rõ ràng là họ đang ở trong một trạng thái tương tự Anh. “Thậm chí nếu Argentina muốn đi đến chiến tranh, họ không có khả năng về quân sự” - Giáo sư Mark Jones nói.