F-35I kể cả xâm nhập thành công cũng chẳng thể nào phá hủy cơ sở hạt nhân của Iran?

ANTD.VN - Hiện tại đang có rất nhiều tranh cãi xung quanh việc có phải tiêm kích tàng hình F-35I Adir của Israel đã xâm nhập thành công không phận Iran và bay quần vòng trên đầu các cơ sở hạt nhân của nước này.

Hồi tháng 3 năm nay, báo chí quốc tế đã đăng tải thông tin về một sự kiện động trời, đó là các tiêm kích tàng hình F-35I Adir của Không quân Israel đã thực hiện chuyến bay trinh sát xuyên không phận 3 nước Syria, Iraq rồi tiến vào Iran mà không hề bị radar của các tổ hợp tên lửa phòng không tối tân là S-400 Triumf và S-300PMU-2 Favorit phát hiện.

Sau khi biết tin tức trên, cả Nga lẫn Iran đều cho rằng đó là việc bịa đặt, bởi họ nhận định tầm bay của tiêm kích F-35I kể cả khi mang tải trọng nhẹ nhất cũng chẳng thể nào vượt qua quãng đường dài đến vậy. Phân tích sự kiện trên có thể xem tại đây.

Nhưng diễn biến sau đó mới gây bất ngờ lớn, Đại giáo chủ Iran Ayatollah Khamenei ra lệnh tiến hành cuộc điều tra và xác định sự kiện trên là có thật, dẫn tới quyết định cách chức tư lệnh phòng không nước này - Thiếu tướng Farzad Ismaeili.

Tiêm kích F-35I Adir của Không quân Israel được xác định đã xâm nhập thành công không phận Iran

Tiêm kích F-35I Adir của Không quân Israel được xác định đã xâm nhập thành công không phận Iran

Hiện tại chưa rõ F-35I Adir đã thực hiện biện pháp nào để vượt qua quãng đường rất dài như trên, các chuyên gia quân sự đang nghiêng về giả thiết cho rằng nó đã được máy bay tiếp dầu của Mỹ hỗ trợ khi bay qua bầu trời Iraq.

Vấn đề gây thắc mắc tiếp theo đó là nếu F-35I đã tiếp cận thành công cơ sở hạt nhân Iran thì tại sao nó lại không phá hủy những địa điểm này ngay lập tức như trường hợp Iraq năm 1981 hay Syria thời gian gần đây.

Đầu tiên phải khẳng định rằng chưa có bằng chứng cho thấy Iran đang làm giàu Uranium ở cấp độ vũ khí, cho nên hành động tấn công của Israel sẽ gây ra phản ứng cực mạnh từ Tehran, nhất là khi Tel Aviv nằm trong tầm bắn của tên lửa đạn đạo nước này.

Israel nếu muốn tấn công Iran sẽ phải lôi kéo thêm vài đồng minh để "chia lửa" giúp mình mà khả thi nhất là mời Mỹ vào cuộc, còn trong thời điểm hiện tại nếu vội vàng đơn độc tấn công sẽ là hành động thiếu suy nghĩ.

F-35I Adir đang thiếu vũ khí đủ mạnh để xuyên phá lớp bê tông cực dày của các cơ sở hạt nhân Iran

F-35I Adir đang thiếu vũ khí đủ mạnh để xuyên phá lớp bê tông cực dày của các cơ sở hạt nhân Iran

Nhưng vấn đề quan trọng nhất cần được liệt kê ra đây đó là F-35I Adir không được trang bị vũ khí đủ mạnh để hủy diệt các cơ sở hạt nhân của Iran.

Như đã biết, đề phòng cuộc tấn công có thể xảy ra bởi Mỹ và liên quân, các địa điểm làm giàu Uranium của Iran đều được bố trí sâu hàng chục mét dưới lòng đất, bao bọc quanh chúng là lớp bê tông cường độ cao và cả đá tự nhiên vô cùng vững chắc.

Để xuyên thủng những lớp bê tông này, vũ khí phải là bom xuyên có kích thước và trọng lượng cực lớn ví dụ như loại GBU-57. Tuy nhiên loại bom trên sẽ đòi hỏi phải huy động máy bay ném bom chiến lược của Mỹ mới chịu nổi sức nặng 14 tấn của nó, còn các tiêm kích của Israel kể cả F-15I Ra'am cũng phải chịu thua.

Trường hợp F-35I Adir, nếu muốn vượt qua quãng đường dài từ Israel tới Iran thì nó chỉ mang được các loại vũ khí nhẹ như tên lửa không đối không để tự vệ và bom đường kính nhỏ GBU-39 SDB II để tấn công mà thôi, quả bom với trọng lượng 129 kg này chẳng đủ để "gãi ngứa" cho mục tiêu.

Chính vì vậy, Iran không lo ngại một cuộc tập kích bằng máy bay tàng hình F-35I Adir của Israel trừ khi nó mang theo bom hạt nhân chiến thuật, nhưng chưa chắc Israel đã dám sử dụng vũ khí hạt nhân bởi lo ngại sự lên án của cộng đồng quốc tế và sự đáp trả của liên quân Arab.

Tuy nhiên Iran cũng phải đề phòng trường hợp F-35I Adir sẽ lĩnh nhiệm vụ bắn phá các tổ hợp S-300PMU-2 Favorit nhằm tạo "bầu trời mở" cho các loại chiến đấu cơ hạng nặng của liên quân thực hiện các đợt không kích hủy diệt tiếp theo.