F-35 là dòng máy bay chiến đấu chủ lực mới của Nhật Bản

ANTĐ - Chính phủ Nhật Bản sẽ dành khoản kinh phí lớn trong năm 2012 để đặt hàng nhận 4 chiếc F-35 vào năm 2016

Ngày 20/12, ngay sau khi Hội đồng An ninh ra quyết định chọn loại máy bay chiến đấu tàng hình F-35 của Mỹ làm dòng máy bay chiến đấu chủ lực thế hệ tiếp theo cho Lực lượng phòng vệ trên không (ASDF), Chính phủ Nhật Bản đã “chuẩn y” quyết định này.

Theo đó, Chính phủ Nhật Bản sẽ dành khoản kinh phí lớn trong năm 2012 để đặt hàng nhận 4 chiếc F-35 vào năm 2016 và thêm 42 chiếc tương tự trong 10 năm tiếp theo.

Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Ichikawa cho biết, F-35 nhận được sự ủng hộ cao nhất sau một cuộc đánh giá công bằng và nghiêm túc. Khả năng thích ứng của F-35 là rất cao trong bối cảnh Nhật Bản mong muốn có một loại máy bay có thể đối phó với các tình huống an ninh đang có nhiều sự thay đổi.

Nguồn tin cũng cho biết, nhà sản xuất loại máy bay F35, hãng Lockheed Martin (Mỹ) đã cam kết chuyển cho Nhật Bản đúng thời hạn số máy bay nói trên.

Các thông số kỹ thuật của F-35 cho thấy đây là một thế hệ máy bay tàng hình vượt bậc, với chiều dài 15,37 m, sải cánh 10,65m. chiều cao 5,28 m, diện tích bề mặt cánh 42,7m², trọng lượng không tải 12.000kg và trọng lượng có tải là 20.100 kg.

Tốc độ lớn nhất của F35 là 1,8 Mach (1.930 km một giờ), tầm bay tối đa 2.200km và bán kính chiến đấu là 1.100 km.

Động cơ ban đầu của F35 là Pratt & Whitney F135, lực đẩy 128 kN, lực đẩy khi có đốt sau là 191 kN. Ngoài ra, tập đoàn Lockheed Martin còn đang phát triển động cơ thế hệ sau, là động cơ General Electric/Rolls-Royce F136 có đốt sau, lực đẩy trên 178 kN.

Vũ khí mà F-35 được trang bị cũng hết sức tối tân, bao gồm 1 pháo GAU-12/U 25 mm, gắn trong thân F-35A với 180 quả đạn hoặc gắn bên ngoài cánh. Phiên bản F-35B và F-35C được trang bị 220 quả đạn.

Bằng cách đánh đổi tính năng dễ phát hiện hơn bằng radar, F35 được trang bị tên lửa, bom nhiều hơn và một thùng nhiên liệu phụ. Trong thân máy bay, tối đa có 4 tên lửa đối không AIM-120 AMRAAM, AIM-9X Sidewinder hay AIM-132 ASRAAM hoặc 2 tên lửa đối không và 2 tên lửa đối đất.

Tối đa có tất cả 4 đơn vị vũ khí cho mỗi khoang gồm: tên lửa chống tăng Brimstone, Cluster Munitions (WCMD) và High Speed Anti-Radiation Missiles (HARM). Tên lửa đối không MBDA Meteor đang được cải biến để lắp vừa bên trong và có thể trang bị cho F-35. Vũ khí đối không có thể mang (cả trong và ngoài thân) gồm 12 tên lửa AIM-120 và 2 tên lửa AIM-9; hoặc 6 bom 900kg, 2 tên lửa AIM-120 và 2 tên lửa AIM-9.

Tập đoàn Lockheed Martin của Mỹ tuyên bố loại máy bay tiêm kích tàng hình F-35 mới để tiêu diệt các hệ thống tên lửa phòng không S-300 của Nga.

Trong khi đó, hệ thống S-300 của Nga (NATO gọi là SA -10 Grumble, SA-12 Giant/Gladiator, SA-20 Gargoyle) được xem là một trong những hệ thống tên lửa phòng không hiện đại nhất trên thế giới.

Hệ thống tên lửa đất đối không tầm xa này có thể phòng thủ trước máy bay, tên lửa hành trình và đạn đạo. Radar của hệ thống S-300 có thể theo dõi 100 mục tiêu và tiêu diệt 12 mục tiêu cùng lúc ở khoảng cách 200km và độ cao 27km so với mực nước biển.