EVN trả lương bình quân 7,3 triệu đồng/tháng là vi phạm?

ANTĐ - Nếu mức lương bình quân của cán bộ, nhân viên Tập đoàn Điện lực (EVN) là 7,3 triệu đồng (năm 2009) đúng sự thật thì vấn đề không phải bàn cãi cao hay thấp, mà có dấu hiệu vi phạm pháp luật về chi, trả lương, phải được kiểm tra làm rõ để xử lý nghiêm khắc.

Dấu hiệu phạm pháp

Kể từ khi Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực EVN Phạm Lê Thanh công bố mức lương bình quân của cán bộ, nhân viên ngành điện năm 2009 là 7,3 triệu đồng/người/tháng và cho rằng “rất đau lòng” vì quá thấp, đã gây làn sóng bất bình lớn trong công luận. Sự việc cũng đẩy lên cao trào khi tại diễn đàn Quốc hội, nhiều đại biểu Quốc hội trực tiếp chất vấn người đứng đầu Bộ Công Thương và Bộ Tài chính.

Tuy nhiên, dư luận báo chí trong thời gian qua chỉ đề cập theo hướng: mức lương bình quân 7,3 triệu là quá cao so với thu nhập hiện hành của người hưởng lương, trong khi đó bản thân EVN còn kinh doanh thua lỗ, chất lượng cung ứng điện nhiều khu vực kém, không hoàn thành nhiệm vụ. Việc đề cập theo phương diện này rất dễ nhận biết, nhưng đằng sau con số lương 7,3 triệu nói trên, cần được xem xét nghiêm túc về mặt luật pháp. Nếu việc chi trả cho nhân viên EVN năm 2009 và “vé đồng hạng” đã lên tới 7,3 triệu tức là có dấu hiệu vi phạm pháp luật nghiêm trọng về chi, trả lương theo quy định của Nhà nước. Theo đó, phải kiểm tra, làm rõ để xử lý trách nhiệm, bao gồm trách nhiệm của lãnh đạo EVN và những cá nhân khác có liên quan.

Trước hết, cần xem xét mức lương của cán bộ, nhân viên EVN được hưởng là theo đối tượng và quy định nào? Bởi 7,3 triệu là quá cao nếu so thang, bậc lương hiện hành của người hưởng lương theo quy định Nhà nước, nhưng là bình thường so các doanh nghiệp kinh doanh và là quá thấp nếu so các doanh nghiệp kinh doanh tự chi trả theo cơ chế thị trường (có doanh nghiệp mức lương gấp cả chục lần con số 7,3 triệu đồng).

Tại phiên trả lời chất vấn chiều 24-11, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cho biết: “Chúng tôi xin báo cáo với Quốc hội, trước hết Tập đoàn Điện lực Việt Nam là một doanh nghiệp Nhà nước và kể cả khi chuyển đổi theo hoạt động mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn Nhà nước một thành viên thì vẫn là doanh nghiệp Nhà nước. Cho nên theo quy định đơn giá tiền lương và quỹ tiền lương do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn và quyết định, chứ bản thân tập đoàn không tự quyết định được. Đối với lương, quỹ tiền lương và đơn giá tiền lương của công ty mẹ, tức là Tập đoàn Điện lực Việt Nam quy định đối với viên chức thì Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hàng năm đều có quyết định hướng dẫn”. Bộ trưởng cũng cho biết, đối với các công ty thành viên là các công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên thì hội đồng thành viên của tập đoàn xây dựng phương án tiền lương và báo cáo với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ tài chính để được xem xét và quyết định.

Như vậy, trong mọi trường hợp, lương của cán bộ, nhân viên EVN đều phải tuân thủ quy định theo thang, bậc lương của Nhà nước.

Vậy, quy định của Nhà nước về thang, bậc lương và chi, trả trong trường hợp của EVN ra sao?

Hiện nay, hệ số thang bậc lương cao nhất là 13, trong đó hệ số 10 trở lên dành cho cấp Thứ trưởng, Bộ trưởng trở lên.

Mức lương mà Tổng Giám đốc Phạm Lê Thanh công bố của cán bộ, nhân viên EVN là năm 2009. Lương tối thiểu năm 2011 là 830 nghìn đồng, nhưng năm 2009, lương tối thiểu theo quy định là 650 nghìn đồng (từ 1-5-2009). Lương 7,3 triệu đồng/người/tháng như ông Thanh nói tại buổi họp ngày 19-11 là lương thụ hưởng, chứ ông không nói con số đó đã bao gồm phụ cấp. Vậy, với mức lương tối thiểu năm 2009 là 650 nghìn đồng thì với mức bình quân 7,3 triệu đồng, tức hệ số là 11,23. Hệ số lương này theo quy định của Nhà nước chỉ dành cho lãnh đạo cấp Bộ trưởng, thế nhưng ở EVN lại là mức bình quân của cán bộ, nhân viên toàn ngành!

EVN là doanh nghiệp Nhà nước, lương của EVN tuân thủ quy định của Nhà nước nên tất yếu phải tuân theo thang, bậc lương quy định.

Quy định hiện hành về hệ thống thang lương, bảng lương trong các công ty Nhà nước ra sao?

Căn cứ Nghị định số 205/2004/NĐ-CP, ngày 14/12/2004 của Chính phủ (hiện đang có hiệu lực thi hành) thì hệ thống thang lương, bảng lương trong các công ty Nhà nước gồm các đối tượng: công nhân, nhân viên trực tiếp sản xuất kinh doanh; thành viên hội đồng quản trị, thành viên ban kiểm soát; tổng giám đốc, giám đốc, phó tổng giám đốc, phó giám đốc, kế toán trưởng; viên chức chuyên môn, nghiệp vụ, nhân viên thừa hành, phục vụ.

Tổng Giám đốc EVN Phạm Lê Thanh: "Là tổng giám đốc, tôi rất đau lòng khi lương của cán bộ tập đoàn chỉ có ngần đó" (7,3 triệu - năm 2009).

Theo quy định tại Nghị định này thì đối với chuyên gia cao cấp có 3 bậc lương: 7,00 - 7,50 - 8,00.

Bảng lương của tổng giám đốc, giám đốc, phó tổng giám đốc, phó giám đốc, kế toán trưởng được thiết kế theo lương chức vụ, mỗi chức danh có 2 bậc lương theo hạng doanh nghiệp. Theo đó, đối với tổng công ty có 2 dạng: tổng công ty đặc biệt và tương đương; tổng công ty và tương đương. Đối với công ty có 3 hạng: hạng I, hạng II và hạng III. Cao nhất là tổng giám đốc tổng công ty đặc biệt và tương đương có 2 bậc lương với hệ số là 7,85 và 8,2. Thấp nhất là kế toán trưởng công ty hạng III có 2 bậc lương với hệ số là 4,33 và 4,66.

Như vậy, bậc lương cao nhất áp dụng với tổng giám đốc tổng công ty đặc biệt và tương đương, tương ứng với hệ số 7,85 và 8,2. Theo quy định này, bậc lương đối với ông Tổng Giám đốc EVN Phạm Lê Thanh cũng chỉ: 8,2x650.000 = 5.330.000 đồng. Đối với chuyên viên, kỹ sư, cán sự, kỹ thuật viên thì hệ số thấp hơn nhiều, chỉ từ 2,34 đến 5,65, tức lương của họ chỉ bằng 30% đến 50% so với con số 7,3 triệu đồng.

Từ quy định nói trên, ngay cả người được hưởng mức lương cao nhất của EVN như ông Thanh cũng không thể đạt tới 7,3 triệu đồng/tháng (năm 2009). Vậy, tại sao EVN lại hiển nhiên nhận mức lương bình quân cao như vậy mà vẫn nói “đau lòng vì lương thấp”?

Phải kiểm tra làm rõ và xử lý nghiêm

Phát ngôn về lương bình quân 7,3 triệu là do Tổng Giám đốc EVN Phạm Lê Thanh nói tại buổi họp công khai của ngành điện, có sự tham dự của báo chí. Nghĩa là, thông số được phát ra từ người có trách nhiệm của EVN chứ không phải của “ai đó nói” để nghi ngờ về tính xác thực. Việc phát ngôn lại ở hội nghị của ngành cho thấy những vấn đề nói ra phải có căn cứ, trọng lượng chứ không phải “nói cho vui” ở quán cà phê, bia hơi. Do đó, các phát ngôn của ông Phạm Lê Thanh về tiền lương của cán bộ, nhân viên ngành điện là công khai, rõ ràng và ông phải chịu trách nhiệm về tính chính xác của công bố đó.

Tại cuộc họp này, báo chí trích dẫn lời ông Thanh khi nói về mức lương 7,3 triệu đồng: “Đây là mức tương đối thấp, nếu ở nông thôn thì có thể được, còn ở thành thị thì không thể sống được. Là tổng giám đốc, tôi rất đau lòng khi lương của cán bộ tập đoàn chỉ có ngần đó”. Câu nói “rất đau lòng” của ông Thanh xét về người lãnh đạo, đó là bày tỏ sự lo lắng với đời sống của cán bộ, nhân viên toàn ngành điện. Nhưng trong tư duy, quan niệm của một tổng giám đốc, việc ông nói rằng “ở thành thị không thể sống được” cho thấy rất nhiều vấn đề. Ít nhất, là đối với lương của chính ông Phạm Lê Thanh, với hệ số cao nhất 8,2 như quy định tại Nghị định 205 của Chính phủ thì rõ ràng, lương của ông tại thời điểm đó còn chưa đạt 7,3 triệu đồng. Hiển nhiên, với mức lương đó ông Thanh cũng “không thể sống được”. Vậy ông Thanh sống bằng gì và dựa vào nguồn nào mà vẫn sống được? Đó là vấn đề cơ quan chủ quản có trách nhiệm làm rõ.

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng

Như vậy, vấn đề về mức lương không phải là cao hay thấp mà có đúng chế độ, chính sách, có đúng quy định của Nhà nước về chi, trả lương hay không? Căn cứ quy định về thang, bậc lương hiện hành và quy định tại Nghị định 205 nói trên, nếu con số lương bình quân toàn ngành 7,3 triệu năm 2009 là đúng thì cho thấy việc chi, trả lương ở EVN có dấu hiệu vi phạm pháp luật, cần phải được thanh tra, làm rõ. Theo đó, mức chi trả cụ thể ra sao, bình quân 7,3 triệu là bình quân của toàn ngành hay của một nhóm người ở EVN? Ai chỉ đạo việc chi trả sai nguyên tắc và việc chi trả này kéo dài bao lâu, gây thất thoát bao nhiêu tiền bạc của Nhà nước? Tất cả những vấn đề đó cần phải được làm rõ để xử lý nghiêm trước pháp luật các cá nhân, tổ chức có liên quan.

“Tôi cũng rất đồng ý với ý kiến của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền có khi phải xem xét rà soát lại. Xem xét cao hay thấp không quan trọng mà có đúng chế độ, chính sách hay không? ... Vấn đề này thì Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền đã báo cáo trả lời báo giới rồi, tôi rất tán thành có thể rà soát lại, xem xét lại mức độ hợp lý của khoản lương này”. (Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng trả lời chất vấn tại Quốc hội, ngày 24-11).

“Theo chúng tôi lương cao thì rất tốt, xã hội chúng ta cũng khuyến khích nhưng tập đoàn nhà nước lương cao mà lãi thì chúng tôi hoàn toàn đồng tình, còn lương cao mà lỗ nặng, chất lượng phục vụ chưa tốt thì đại biểu Quốc hội và cử tri không đồng tình”. (Đại biểu Quốc hội Lê Thị Nga).