EVN “ôm” quá nhiều quyền lực

ANTĐ - Ngày 1-7, Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức hội thảo “Xây dựng thể chế thị trường năng lượng cạnh tranh ở Việt Nam”. 

Theo Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng CIEM, sẽ không có thị trường cạnh tranh nếu EVN “ôm” cả vai trò nhà sản xuất (doanh nghiệp) và vai trò điều tiết, phân phối, bán lẻ (quản lý Nhà nước). “Chừng nào chúng ta chưa giải quyết được mâu thuẫn lợi ích trong điều hành quản lý điện của EVN thì chừng ấy chúng ta chưa thể có được thị trường điện cạnh tranh đúng nghĩa, chưa thể thu hút được doanh nghiệp tham gia đầu tư và cung ứng điện”- ông Nguyễn Đình Cung nói.

Cùng quan điểm này, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng: “Cần nhanh chóng tách các cơ quan điều tiết điện lực ra khỏi cơ quan quản lý Nhà nước, xây dựng cơ quan điều tiết điện lực độc lập thì ngành điện mới có thể giám sát nghiêm túc và cải cách dễ dàng được”.

Lộ trình phát triển thị trường điện cạnh tranh tại Việt Nam (VCGM) hiện đang được hình thành theo 3 cấp độ: Phát điện cạnh tranh (2005-2014), bán buôn cạnh tranh (2015-2022) và bán lẻ cạnh tranh (sau 2022). Hiện tại, Việt Nam đang ở bước cuối cùng của thị trường phát điện cạnh tranh với hơn 50 đơn vị tham gia, chiếm gần 43% công suất toàn hệ thống điện.